Thứ năm, 21/04/2022 23:06 GMT+7

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ

Hiện nay, 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa - tiềm lực còn nhiều hạn chế nên việc đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST) vẫn còn gặp nhiều khó khăn, rào cản. Vậy cơ chế “đột phá” nào giúp doanh nghiệp Việt Nam đổi mới công nghệ, ĐMST? Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã phỏng vấn ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST

PV: Được biết, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Cục) là một trong những đơn vị đã nhanh chóng, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ để tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy, phát triển hoạt động ĐMST, đặc biệt là đối với cộng đồng doanh nghiệp, đây là lực lượng trung tâm của nền kinh tế và hoạt động ĐMST. Xin ông chia sẻ rõ hơn về điều này?

Ông Tạ Việt Dũng: Qua quá trình nghiên cứu và tham khảo nhiều tài liệu của các học giả, tổ chức trên thế giới như Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng như ở Việt Nam đã đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về ĐMST, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 cũng đưa ra cách hiểu về ĐMST, khi so sánh cách hiểu này về ĐMST với cách hiểu về đổi mới công nghệ trong Luật Chuyển giao công nghệ 2017 có thể thấy mặc dù có nhiều quan điểm, định nghĩa khác nhau về đổi mới công nghệ và ĐMST nhưng tựu chung lại điểm chung của ĐMST và đổi mới công nghệ đó là tính mới và tính thực tiễn trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

Như vậy, ĐMST có thể mang cả khía cạnh công nghệ và phi công nghệ nhưng trong đó công nghệ vẫn là cái gốc của sự ĐMST và tuy theo mức độ tác động mà công nghệ sẽ đóng vai trò trực tiếp hay gián tiếp trong quá trình đó. Đối với các doanh nghiệp, ĐMST trong doanh nghiệp tập trung vào các nội dung chủ yếu là đổi mới sản phẩm (bắt đầu từ nghiên cứu thiết kế sản phẩm mới), đổi mới quy trình (bao gồm quy trình sản xuất, quy trình quản lý dựa trên công nghệ), đổi mới công nghệ, đổi mới cách thức (phương thức) tiếp cận và phát triển thị trường. Như vậy, đổi mới công nghệ có vai trò và tác động quan trọng đối với các nội dung và hoạt động đổi mới khác. Đối với các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ hàng ngày phải đối diện với những khó khăn, thách thức cho sự tồn tại lại ít có điều kiện tiếp cận đến các cơ chế, chính sách của nhà nước thì việc giúp họ hiểu được bản chất và cơ hội do ĐMST đem lại cho sự phát triển doanh nghiệp của họ là rất quan trọng. Do vậy, hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn công nghệ và hỗ trợ xúc tiến đầu tư đổi mới công nghệ là những hoạt động cần thiết, cần được tiến hành thường xuyên có hệ thống và tính chuyên nghiệp. Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ là cơ quan thuộc Bộ KH&CN có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các hoạt động ứng dụng, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ.

Có thể nói, trong giai đoạn vừa qua về thực chất các chính sách và hoạt động do Cục chủ trì triển khai, xây dựng trong lĩnh vực ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ đều là những chức năng chính hỗ trợ ĐMST ở quy mô quốc gia và đối tượng chủ yếu hướng đến là các doanh nghiệp ĐMST, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là đối tượng quan trọng nhất của nền kinh tế nói chung và hệ thống ĐMST nói riêng do chiếm số lượng lớn nhất, sử dụng nhiều lao động nhất, đóng góp chủ yếu cho GDP.
 


Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (Ảnh: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ)
 

PV: Theo ông hiện nay thực sự đã có đầy đủ các cơ chế chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp ĐMST hay chưa?

Ông Tạ Việt Dũng:

- Chủ trương và chiến lược thúc đẩy doanh nghiệp ĐMST, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia được thể hiện trong nhiều Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đang thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ với mục tiêu cung cấp các hỗ trợ đồng bộ, từ hoạt động tìm kiếm, xác định nhu cầu công nghệ đến hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và kết nối đầu tư, như: Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia để đưa các nhiệm vụ gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng nguồn vốn ứng dụng, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ.

Thực hiện các chủ trương chính sách nêu trên trong thời gian gần đây, Cục đã chủ trì, tham mưu Lãnh đạo Bộ KH&CN trình Quốc hội thông qua nội dung 03 Điều trong Luật Chuyển giao công nghệ 2017 và Chính phủ thông qua 07 Điều để hướng dẫn các điều này trong Nghị định số 76/NĐ-CP ngày 15/5/2018 hướng dẫn Luật Chuyển giao công nghệ 2017 để tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, viện trường, tổ chức KH&CN ứng dụng, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ.

Đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ xây dựng và tham mưu Lãnh đạo Bộ KH&CN trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 Quyết định: (1) Quyết định số 1851/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của TTgCP phê duyệt Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định 1851/QĐ-TTg); (2) Quyết định số 118/QĐ-TTg ngày 25/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030; (3) Quyết định số 138/QĐ-TTg ngày 26/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1851/QĐ-TTg.

Trình Lãnh đạo Bộ KH&CN ban hành 02 Thông tư: (1)Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN ngày 10/12/2019 hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất; (2) Thông tư số 06/2021/TT-BKHCN ngày 18/6/2021 hướng dẫn quản lý Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030.

Bên cạnh đó Cục cũng đã triển khai các hoạt động, nhiệm vụ cụ thể để thúc đẩy trực tiếp cho hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp như: Quản lý, triển khai Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia (giai đoạn 2011-2020 và giai đoạn đến năm 2030); tổ chức quản lý, hướng dẫn, triển khai hoạt động kết nối cung cầu công nghệ trên cả nước; tổ chức hoạt động tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp.

Có thể nói thông qua các văn bản và hoạt động nêu trên đã góp phần hoàn thiện hành lang, pháp lý và tạo nên chuỗi hỗ trợ có hệ thống, tập hợp được các nguồn lực cần thiết trong nước và quốc tế để cùng triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST.
 

Doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới công nghệ

PV: Vậy, đến nay hiệu quả đạt được của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua ra sao, thưa ông?

Ông Tạ Việt Dũng:

- Với tinh thần lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới công nghệ, ĐMST, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đã tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành nông nghiệp, công nghiệp, y - dược (như: chọn tạo giống, chế biến sau thu hoạch, chế biến thủy sản, công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ tự động hóa, sản xuất tế bào gốc, ...) nhằm nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, năng lực hấp thu công nghệ của doanh nghiệp; tạo ra các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm theo chủ trương, định hướng của nhà nước; hình thành và phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam mới có khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá thành.

Chương trình được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, viện, trường, hiệp hội và doanh nghiệp. Trong 7 năm triển khai (tính từ năm 2013 đến 2020), Chương trình đã nhận được hơn 500 đề xuất trên cơ sở xác định các ngành, lĩnh vực và định hướng ưu tiên từ các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội ngành, nghề Bộ Khoa học và Công nghệ đã lựa chọn được 58 đơn vị có năng lực tham gia thực hiện các nhiệm vụ, được triển khai tại hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước và một số địa phương vùng kinh tế khó khăn, với các lĩnh vực công nghệ khác nhau, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh và địa phương. Đầu vào của một số nhiệm vụ cũng là kết quả nghiên cứu ứng dụng từ các chương trình nghiên cứu cơ bản khác. Chương trình đã tập trung nghiên cứu triển khai các nội dung, nhiệm vụ theo chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng là liên kết nhiệm vụ theo chuỗi giá trị, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thông qua Chương trình, các doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, hàng trăm công nghệ, quy trình công nghệ được hấp thu và làm chủ, hàng chục bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được đăng ký bảo hộ, năng suất lao động trung bình tăng mạnh (trong đó một vài doanh nghiệp có năng suất lao động tăng gấp 5,4 lần) sau đổi mới công nghệ, sản phẩm đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nước ngoài, doanh thu của các doanh nghiệp tăng hơn 2 lần, lợi nhuận tăng khoảng 2,4 lần so với trước. Một số kết quả nổi bật của các doanh nghiệp khi tham gia Chương trình có thể kể đến như:

 Tập đoàn Sao Mai đã chuyển giao, hoàn thiện công nghệ tinh luyện dầu, công nghệ enzym thu nhận bột đạm từ phụ phẩm cá tra thành các loại dầu thực phẩm, shortening, margarine, bột nêm, bột cá chất lượng cao. Nhờ đó, nâng tầm giá trị của cá tra lên khoảng 28%. Mỗi năm, doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 1/3 lượng mỡ cá tra của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công hệ thống chiếu sáng chuyên dụng trong công nghiệp nhân giống và điều khiển ra hoa một số loại cây trồng với quy mô công nghiệp. Hiện nay công ty đang tiếp tục hoàn thiện và phát triển công nghệ sản xuất hệ sinh thái LED 4.0 ứng dụng trong đô thị thông minh, ngôi nhà thông minh và trang trại trồng trọt thông minh.

Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải ứng dụng công nghệ tự động hóa vào sản xuất, điều hành nhằm hướng tới xây dựng nhà máy thông minh theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhờ đó, giúp nhà máy sản xuất nhíp ôtô của Trường Hải nâng tỷ lệ tự động hóa sản xuất lên tới 70÷80%, sản phẩm xuất xưởng tăng thêm 15%/năm, chi phí sản xuất giảm 2,0%/sản phẩm.

Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc đã tiếp nhận chuyển giao công nghệ và xây dựng mô hình nuôi tôm hùm trong bể trên bờ quy mô công nghiệp đầu tiên trong cả nước qua đó đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tác động của thiên nhiên, sản phẩm tôm hùm thương phẩm có màu sắc đẹp, tỷ lệ sống trên 75%, năng suất đạt 4-5 kg/m3 mang lại giá trị kinh tế cao, phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại Việt Nam.

Như vậy, những kết quả đạt được trong thời gian qua của Chương trình đã có những đóng góp đáng kể trong việc tạo lập nền tảng quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực hấp thu, làm chủ công nghệ của một số ngành, lĩnh vực và góp phần hình thành một số sản phẩm thương hiệu quốc gia, sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao trên thị trường phù hợp với định hướng phát triển của ngành khoa học và công nghệ trong giai đoạn 2011 - 2020. Với những kết quả đã đạt được, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện đến năm 2030 theo Quyết định số 118/QĐ-TTg ngày 25/1/2021.

Đối với hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, trong giai đoạn từ 2011 - 2020 đã tổ chức 13 sự kiện trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ ở quy mô quốc tế, quốc gia và vùng. Hàng năm, đã lựa chọn trình diễn và giới thiệu khoảng 3.000 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm của gần 700 các viện, trường, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tổ chức KH&CN các tỉnh/thành phố, các nhà sáng chế không chuyên tại sự kiện. Xây dựng cẩm nang công nghệ, gồm 2.500 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm của các tổ chức, cá nhân (doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tổ chức KH&CN, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN các tỉnh/thành phố, các nhà sáng chế không chuyên). Hỗ trợ kết nối 142 hợp đồng hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp, tỷ lệ các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác triển khai thực hiện sau ký kết đạt 41,5%. Bên cạnh đó để thực hiện hiệu quả hoạt động kết nối cung cầu công nghệ tại các địa phương Cục đã tư vấn hỗ trợ xây dựng, khai trương, vận hành 13 Điểm kết nối cung - cầu công nghệ trên cả nước, tại các Điểm kết nối đã tổ chức gần 1.500 cuộc kết nối trực tuyến, hơn 200 đoàn tham quan, tiếp đón hơn 10.000 lượt khách, hơn 20 ký kết hợp tác được ký, 40 hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Về hoạt động tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp. Hoạt động này được triển khai từ năm 2015 cho đến nay dựa trên các kết quả tự nghiên cứu đã đạt được của đơn vị và cơ sở dữ liệu về chuyên gia, công nghệ đã xây dựng, hằng năm Cục thường xuyên tổ chức các hoạt động điều tra khảo sát nhu cầu cải tiến/đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp trên nhiều địa phương khác nhau (khoảng 50 doanh nghiệp/năm), đồng thời phối hợp với đội ngũ chuyên gia tổ chức tư vấn cho các doanh nghiệp (khoảng 15 doanh nghiệp/năm) về một số nội dung như cung cấp thông tin khoa học công nghệ, tư vấn cải tiến công nghệ/quy trình kỹ thuật, đổi mới công nghệ. Đã hỗ trợ hoàn thiện và ứng dụng thành công một số kết quả nghiên cứu trong sản xuất đem lại hiệu quả cao như: Robot tự động cấp phôi, công nghệ và thiết bị sấy, thiết bị xử lý khí thải, công nghệ định vị di động, một số công nghệ nano trong lĩnh vực vật liệu, sinh học trong nông nghiệp và y dược. Đã phối hợp cùng các bên liên quan triển khai các khóa đào tạo cho 450 lượt học viên là Chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý, người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa về đổi mới công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp, kỹ năng/phương pháp phát triển sản phẩm, kỹ năng quản trị sản xuất, phương pháp điều hành sản xuất và sử dụng hiệu quả các máy móc, thiết bị, quản lý và nâng cao giá trị nhãn hiệu, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm. Thông qua các hoạt động đào tạo, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật đã giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.


Huy động nguồn lực tăng cường quản lý về đổi mới sáng tạo

PV: Xin ông cho biết về định hướng triển khai các Chương trình và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST do Cục quản lý, triển khai trong thời gian tới?

Ông Tạ Việt Dũng:

- Trong giai đoạn tới Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đào tạo nhân lực KH&CN phục vụ chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ. Chương trình sẽ tập trung thực hiện một số nội dung chính sau: Hoàn thiện thể chế pháp lý thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ; Xây dựng, triển khai lộ trình nâng cao năng lực công nghệ quốc gia; Đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ; Nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị và có tính cạnh tranh cao trên thị trường.

Với vai trò là cơ quan đầu mối Cục sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, các tổ chức trung gian, Bộ ngành địa phương, tổ chức, mạng lưới chuyên gia quốc tế cùng tham gia, đẩy mạnh triển khai Đề án Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025 theo như Quyết định số 1851/QĐ-TTg và Quyết định số 138/QĐ-TTg. Đồng thời để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong Đề án Cục sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan trình Lãnh đạo Bộ ban hành và đưa vào triển khai Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2030 nhằm đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, khai thác nguồn công nghệ quốc tế, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội trong giai đoạn sắp tới.

Bên cạnh đó, từ hiệu quả đã đạt được của các hoạt động giai đoạn trước đã được các địa phương, doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, Cục sẽ tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai hoạt động kết nối cung cầu công nghệ; tổ chức thường xuyên có hệ thống, chuyên nghiệp đối với hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp.


PV: Ông đánh giá như thế nào về các vấn đề đối với quản lý nhà nước về ĐMST hiện nay và một vài đề xuất, giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về ĐMST trong thời gian tới?

Ông Tạ Việt Dũng:

- Hiện nay, cơ cấu thể chế và quản lý ĐMST tại Việt Nam bị phân tán với nhiều bên tham gia và hạn chế về điều phối. Bộ Khoa học và Công nghệ trong rất nhiều trường hợp không đủ thẩm quyền để giải quyết một số vấn đề chính sách mạnh về ĐMST. Nhiều chính sách hỗ trợ ĐMST mạnh, mang tính vượt khung luật hiện hành đòi hỏi phải có quyết định liên ngành mà không một ngành riêng biệt nào có đủ thẩm quyền giải quyết. Cơ chế thực hiện chính sách thử nghiệm kiểu “sandbox” chưa thịnh hành và chưa được chấp nhận rộng rãi.

Hoạt động ĐMST và thực thi chính sách, hỗ trợ ĐMST còn khá phân tán với nhiều bên tham gia, đôi khi không có sự phối hợp, điều phối và thậm chí còn cạnh tranh với nhau, dễ dẫn đến khả năng trùng lặp và lãng phí nguồn lực.

Việc xây dựng và thực thi chính sách cũng còn đang thiếu sự tham vấn của khu vực tư nhân và quy trình phản hồi từ khu vực tư một cách có hệ thống để thiết kế chính sách ĐMST sát thực hơn.

Do đó để giải quyết được các vấn đề này đề xuất nội hàm về ĐMST, trong đó tập trung vào việc giải quyết các vấn đề của quản lý nhà nước về ĐMST ở nước ta trong thời gian tới cần phải được thể chế hóa vào các Luật về KH&CN trong đó tập trung vào một số nội dung sau:

- Thống nhất quản lý nhà nước về KHCN&ĐMST, có sự phân công, phân cấp, phối hợp giữa các ngành, các cấp trung ương và địa phương trong bối cảnh mới. Hoàn thiện hành lang pháp lý và công tác quản lý nhà nước về ĐMST, thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ĐMST quốc gia, các hệ thống ĐMST vùng, ngành, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, trong đó doanh nghiệp có vai trò là trung tâm của hệ thống ĐMST, viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh.

- Xây dựng, ban hành cơ chế, quy chế phối hợp giữa cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về ĐMST là Bộ KH&CN với các bộ, ngành, địa phương để tạo sự thống nhất, hiệu quả, xuyên suốt trong quản lý nhà nước về ĐMST.

- Tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động ĐMST, hình thành và phát triển hệ thống ĐMST quốc gia phù hợp với điều kiện Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0 và KH,CN&ĐMST là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; tháo gỡ các nút thắt, rào cản về luật pháp, chính sách kinh tế, tài chính, thủ tục hành chính đối với hoạt động KHCN&ĐMST; thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, vượt trội để thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, ĐMST, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!
 


Nhà máy sản xuất dầu ăn từ mỡ cá Tra của Tập đoàn Sao Mai (Ảnh: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ)
 


Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Ảnh: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ)

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

Lượt xem: 4492

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)