Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ gồm có 09 thành viên do GS.TS. Lê Hồng Khiêm, Viện Vật lý- Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, làm Chủ tịch Hội đồng.
TS. Lê Xuân Chung thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt các nội dung nghiên cứu và kết quả của nhiệm vụ
Nghiên cứu cấu trúc hạt nhân và phản ứng hạt nhân là những vấn đề kinh điển, được quan tâm ngay từ khi phát hiện ra hạt nhân nguyên tử từ đầu thế kỷ trước. Mặc dù vậy, với tên gọi của mình, đối tượng của Đề tài nhằm vào các hướng nghiên cứu hiện đại nhất của Vật lý hạt nhân mà chỉ có thể thực hiện trên các thiết bị tiên tiến trên thế giới. Cũng là cấu trúc và phản ứng hạt nhân nhưng của các hạt nhân không bền, giàu nơtron, có thời gian sống ngắn, không tồn tại trong tự nhiên và chỉ có thể tạo ra trong phòng thí nghiệm. Việc nghiên cứu các hạt nhân này giúp chúng ta tăng cường hiểu biết về tương tác mạnh, quy định liên kết và cấu trúc hạt nhân. Các bằng chứng thực nghiệm gần đây đã cho thấy rằng những mô hình lý thuyết (như mẫu Vỏ, mẫu Dao động tập thể,…) cần phải được hiệu chỉnh và có một cách hiểu “mở” hơn.
Với mục đích hỗ trợ nâng cao năng lực (đặc biệt là năng lực thực nghiệm) và tiếp cận với những vấn đề thời sự của Vật lý hạt nhân, Đề tài “Nghiên cứu cấu trúc hạt nhân và phản ứng hạt nhân trên các thiết bị lớn của trung tâm nghiên cứu hạt nhân tiên tiến trên thế giới”, do TS. Lê Xuân Chung chủ nhiệm và Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân là cơ quan chủ trì, đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ thực hiện trong 3 năm từ 11/2018-10/2021. Nội dung chính của đề tài nhằm nghiên cứu cấu trúc và phản ứng của các hạt nhân giàu nơtron thông qua thí nghiệm thực hiện trên tổ hợp máy gia tốc tại viện Nghiên cứu Hoá Lý RIKEN (Nhật Bản) và Viện Nghiên cứu Ion nặng GSI (CHLB Đức). Bên cạnh đó, phát triển mô hình lý thuyết thực hiện trong nước để giải thích các số liệu đo đạc. Ngoài ra, một nội dung quan trọng khác là nghiên cứu phản ứng hạt nhân với thí nghiệm trong nước, thực hiện trên máy gia tốc pelletron tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đề tài được thực hiện trong 36 tháng, dưới sự phối hợp chặt chẽ giữa nhóm nghiên cứu tại cơ quan chủ trì và các đơn vị phối hợp là trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh; Viện Vật lý, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Mặc dù thời gian thực hiện nhiệm vụ trùng với thời điểm bùng phát của dịch bệnh Covid-19 nhưng các kết quả thu được cũng rất khả quan, bao gồm:
- 12 bài báo đăng tải trên tạp chí ISI/SCOPUS (trong đó có 01 bài trên tạp chí khoa học hàng đầu Nature và 04 bài trên tạp chí vật lý hàng đầu Physical Review Letters);
- 05 bài báo đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành trong nước;
- Đào tạo 01 thạc sĩ và 01 tiến sĩ có chất lượng cao;
- Hỗ trợ đào tạo 03 tiến sĩ.
- Về mặt thực nghiệm, nhóm thực hiện đã trưởng thành và chủ động trong nghiên cứu phối hợp với các đối tác quốc tế, lần đầu đo đạc, ghi nhận và giải thích nguồn gốc phản ứng hạt nhân với thí nghiệm trên máy gia tốc trong nước. Nhóm nghiên cứu lý thuyết tiếp tục được duy trì và mở rộng các nghiên cứu ở trình độ cao, đã dần có sự hỗ trợ hiệu quả cho các nghiên cứu của nhóm thực nghiệm.
Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp quốc gia
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những đóng góp của Chủ nhiệm và Cơ quản chủ trì; phần báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt có cấu trúc hợp lý, phù hợp với yêu cầu của một báo cáo khoa học; Về số lượng, khối lượng, tiến độ và chất lượng sản phẩm đều đạt yêu cầu nhiệm vụ. Với kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài đạt mức "Đạt". Đồng thời, yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu các nội dung và chỉnh sửa cho phù hợp, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Khoa học và Công nghệ ra quyết định công nhận kết quả của nhiệm vụ.