Thứ ba, 25/01/2022 16:07 GMT+7

Hướng đến Ngày Đo lường Việt Nam năm 2022

Mùa xuân Nhâm Dần, toàn ngành Đo lường Việt Nam đón chào kỷ niệm 72 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 8/SL cũng là kỷ niệm 21 năm Ngày đo lường Việt Nam trong một hoàn cảnh đặc biệt.

Cách đây vừa tròn 71 năm, ngày 20/1/1950, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang trong giai đoạn gay go, ác liệt, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh 8/SL quy định thống nhất đo lường nước ta theo Hệ mét. Hơn 70 năm trôi qua, thời gian càng làm cho chúng ta thêm thấm thía về sự nhìn nhận và đánh giá sáng suốt của Bác Hồ đối với công tác đo lường, một lĩnh vực chuyên ngành nhưng liên quan mật thiết với khoa học, công nghệ, sản xuất và đời sống đông đảo nhân dân.

Sắc lệnh 8/SL đã xác định và giải quyết đúng đắn nhiều nội dung của quản lý nhà nước về đo lường ở nước ta như: đơn vị đo lường hợp pháp, quản lý việc sản xuất và sử dụng dụng cụ đo, xử phạt các vi phạm về đo lường. Sắc lệnh 8/SL chính là nền tảng, là điểm xuất phát của sự ra đời và trưởng thành của ngành đo lường nước ta.

Theo con đường Bác Hồ đã vạch ra, Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo quản lý và phát triển lĩnh vực khoa học – kỹ thuật chuyên ngành rất quan trọng này, thể hiện ở những văn bản luật pháp về đo lường mà Nhà nước ta ban hành trong suốt mấy thập kỷ qua: Ngày 26/12/1964 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 186/CP ban hành Bảng đơn vị đo lường hợp pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tiếp nối từ Hệ mét sang Hệ đơn vị quốc tế (SI). Đây là sự kế thừa và nâng lên một tầm cao mới Sắc lệnh 8/SL; Ngày 24 và 25/9/1974 Chính phủ ban hành Nghị định số 216 và 217/CP về Điều lệ quản lý đo lường chung và Điều lệ quản lý đo lường trong các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh. Từ năm 1975 đến năm 2000, toàn bộ hoạt động đo lường ở nước ta được quản lý trên cơ sở hai Điều lệ này.
 

Ảnh minh họa.

Khi nước ta chuyển sang thời kỳ xây dựng và phát triển theo đường lối đổi mới của Đảng, ngày 06/7/1990 Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh đo lường và ngày 16/07/1990 Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công ký lệnh công bố Pháp lệnh này. Pháp lệnh đo lường 1990 đã thể hiện sự đổi mới công tác quản lý nhà nước về đo lường khi chuyển từ nền kinh tế tập trung – bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Để đáp ứng những yêu cầu mới về đo lường, ngày 06/10/1999 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh đo lường (sửa đổi) và ngày 18/10/1999, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký công bố Pháp lệnh này. Đây chính là cơ sở để đo lường nước ta phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Một dấu mốc lịch sử đối với đo lường nước ta là ngày 11/11/2011 Quốc hội khoá 13 thông qua Luật Đo lường. Đây là văn bản pháp luật cao nhất của Nhà nước ta về đo lường. Luật đã thể hiện những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ đo lường phục vụ mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững phù hợp với điều kiện trong nước và bối cảnh quốc tế hiện nay. Luật Đo lường có hiệu lực trên phạm vi cả nước từ ngày 01/07/2012.

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 8/SL (20/1/1950 - 20/1/2000), nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã có thư gửi ngành đo lường Việt Nam, thể hiện sự quan tâm và động viên, khuyến khích sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác đo lường; đồng thời ân cần nhắc nhở ngành đo lường Việt Nam: “Phải đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước nhà, làm cho nước mạnh, dân giàu. Phải góp sức làm cho khoa học – kỹ thuật, cho nền sản xuất nước ta vững vàng tiến vào thế kỷ 21 và thiên niên kỷ mới”.

Ghi nhận vai trò và tầm quan trọng của công tác đo lường cũng như sự đóng góp của ngành đo lường Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 11/10/2001 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 155/2001/QĐ - TTg lấy ngày 20 tháng 01 hàng năm, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 8/SL về đo lường (20/1/1950) làm Ngày đo lường Việt Nam.

Mùa xuân Nhâm Dần – 2022 này, toàn ngành đo lường Việt Nam đón chào kỷ niệm 72 năm ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh 8/SL cũng là kỷ niệm 21 năm Ngày đo lường Việt Nam trong một hoàn cảnh đặc biệt. Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trên cả nước. Hội Đo lường Việt Nam thống nhất với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng không tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Đo lường Việt Nam vào ngày 20/01/2022 để bảo đảm thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ.

Ngày 27/12/2021, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã ban hành Công văn số 3840/TĐC-ĐL về việc kỷ niệm Ngày Đo lường Việt Nam năm 2022. Tổng cục đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, đặc biệt lưu ý tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 và quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ và địa phương, chủ động tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn địa phương về: 

Ý nghĩa của Ngày Đo lường Việt Nam; Hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập ngành TCĐLCL (04/4/1962 – 04/4/2022); Tình hình hoạt động đo lường của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trên địa bàn: Kết quả đã đạt được trong năm 2021 và phương hướng hoạt động đo lường trong thời gian tới; Tình hình thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đo lường của Sở KH&CN, Chi cục TCĐLCL địa phương;

Tình hình triển khai Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;

Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2019 phê duyệt “Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 13187:2020 “Phòng thí nghiệm đo lường – Tiêu chí đánh giá năng lực đo lường”, đặc biệt là Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 ban hành “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp” (Học tập kinh nghiệm của Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên đang triển khai áp dụng Chương trình bảo đảm đo lường tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty Xăng dầu Bắc Thái, Hợp tác xã chè Hảo Đạt); 

Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đo lường, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường; Tuyên truyền về Luật Đo lường, Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2012 của Chính phủ, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 9/11/2018 của Chính phủ và các văn bản đo lường khác có liên quan.

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 1748

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)