Thứ bảy, 13/11/2021 09:12 GMT+7

Hội nghị COP26 yêu cầu chuyển đổi công nghệ sản xuất

Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) từ ngày 31/10 đến 13/11/2021.


 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn Việt Nam đã tham dự hội nghị và có bài phát biểu quan trọng, theo đó khẳng định Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về tài chính và chuyển giao công nghệ theo các cơ chế được thông qua của Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Tổng cộng 197 quốc gia tham gia đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact), khẳng định lại mục tiêu khống chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở ngưỡng dưới 20C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,50C theo Hiệp định Paris 2015. Để hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này, các quốc gia cần thực hiện một số biện pháp như đẩy nhanh lộ trình cắt bỏ dần việc sử dụng than đá, hạn chế nạn phá rừng, tăng tốc chuyển đổi sang sử dụng các phương tiện giao thông không phát thải, khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, điện hạt nhân…

Hội nghị đã thông qua Gói Thoả thuận khí hậu Glasgow với nội dung chính:

- Ghi nhận tầm quan trọng của mục tiêu thích ứng toàn cầu đối với việc thực hiện hiệu quả Thoả thuận Paris;

- Đề nghị các nước phát triển cần nhanh chóng tăng nguồn tài chính khí hậu (tối thiểu là gấp đôi vào năm 2025, so với năm 2019), chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cho thích ứng để đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển;

- Đề nghị các bên nỗ lực hành động giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030, bao gồm cả giảm phát thải khí mê-tan;

- Đẩy nhanh việc phát triển, phổ biến công nghệ và ban hành chính sách chuyển đổi năng lượng phát thải thấp, sản xuất điện sạch, nâng cao hiệu suất năng lượng, giảm dần sử dụng điện than và các hình thức trợ cấp nhiên liệu hoá thạch;

- Ghi nhận nhu cầu của các nước đang phát triển cần hỗ trợ để chuyển đổi công bằng; yêu cầu các nước rà soát và củng cố các mục tiêu vào năm 2030 trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); khẳng định yêu cầu làm rõ hơn lộ trình đạt mục tiêu 1,50C, đề nghị các nước từ năm 2022 cập nhật NDC để nộp cho Ban thư ký Công ước vào năm 2025 phù hợp với mục tiêu 1,50C và cam kết phát thải ròng về “0” vào năm 2050; đưa vấn đề loại bỏ dần sử dụng than vào Quyết định của Hội nghị. Hội nghị tái khẳng định tính cấp bách về hành động và hỗ trợ về tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực để giảm thiểu và giải quyết tổn thất và thiệt hại liên quan đến các tác động của biến đổi khí hậu.

Để đạt mục tiêu phát thải đạt đỉnh vào năm 2045 và giảm dần sau đó, Việt Nam sẽ phải đầu tư nhiều tài chính từ nay đến 2050, đồng thời áp dụng các công nghệ giúp giảm phát thải mạnh như sử dụng pin nhiên liệu, khí hydro, chôn lấp các-bon, các dạng công nghệ năng lượng mới, không phát thải… Đây là các công nghệ với chi phí cao, chỉ có thể áp dụng rộng rãi khi Việt Nam có đủ tiềm lực tài chính. Vấn đề rất quan trọng về tài chính, liên quan đến tài trợ để chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực để thực hiện các phương pháp tiếp cận nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu tại COP26 hiện vẫn đang là bài toán nan giải của tất cả các nước.

Hội nghị COP26 đã kết thúc tốt đẹp và có nhiều đột phá, tuy nhiên vẫn còn đó rất nhiều thách thức đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của tất cả các bên tham gia nhằm đạt được các mục tiêu, cam kết đề ra.

Nguồn: Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ

Lượt xem: 809

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)