Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt làm việc với lãnh đạo UBND TPHCM.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã cảm ơn, ghi nhận những hợp tác trong thời gian qua giữa Bộ KH&CN với Thành phố Hồ Chí Minh và qua đây, mong muốn Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh trong những chương trình cụ thể. Thành phố đã và đang trải qua những khó khăn rất lớn do ảnh hưởng của đại dịch, đồng thời mục tiêu phát triển trong thời gian tới rất cấp bách. Do vậy, Đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố nêu hai vấn đề lớn liên quan đến phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ cho việc phục hồi và phát triển kinh tế đề nghị Bộ KH&CN giúp: Thứ nhất, GỠ - những khó khăn, rào cản, vướng mắc từ cơ chế, chính sách đến những giải pháp khoa học, công nghệ; Thứ hai, KÍCH - triển khai mọi những giải pháp hiệu quả nhất để kích cầu, nhanh chóng giúp thành phố phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn trong tương lai.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu: “TPHCM rất cần phối hợp với Bộ KH&CN chặt chẽ để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) và cũng đề xuất Bộ KH&CN có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ cho việc thành lập Viện Công nghệ tiên tiến và ĐMST”.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất: “Thành phố Hồ Chí Minh rất mong hợp tác cùng Bộ KH&CN nghiên cứu thành lập Trung tâm hỗ trợ chuyển giao ứng dụng AI; thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng AI tại TPHCM; Hợp tác trong nghiên cứu triển khai các đề tài thiết kế vi mạch phục vụ cho đô thị thông minh; Hỗ trợ TPHCM trong nghiên cứu, hình thành công cụ, mô hình phân tích, dự báo phục vụ cho công tác quản trị điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM…”.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp.
Hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST TPHCM ước tính có khoảng 2.000 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 50%) so với cả nước. Năm 2021 là một năm hoạt động tích cực của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TPHCM khi lượng vốn đầu tư mạo hiểm thu hút được của các startup là 1,1 tỷ USD (chiếm 60% lượng vốn và 70% số thương vụ của cả nước).
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TPHCM nêu kiến nghị tại cuộc họp.
Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM sẽ tập trung xây dựng và phát triển hệ sinh thái nghiên cứu và ứng dụng AI; đưa AI trở thành công nghệ then chốt phục vụ chuyển đổi số; Thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số và tập trung triển khai các trụ cột của Đề án Đô thị thông minh.
Trao đổi thảo luận, Thứ trưởng Bùi Thế Duy và các đơn vị chức năng của Bộ đã tập trung thảo luận đề xuất các giải pháp khoa học, công nghệ và đổi mới giúp Thành phố phát triển như yêu cầu của đồng chí Chủ tịch UBND và lãnh đạo Thành phố đã đặt ra. Các kiến nghị của TPHCM cũng chính là các đầu bài cụ thể đặt ra để phát triển KH&CN tại TPHCM đã được Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy ghi nhận và phân công công việc đến các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN để triển khai thực hiện trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã thống nhất thành lập tổ công tác trong lĩnh vực KH&CN để đôn đốc, thực hiện các việc đề ra trong năm 2022 và qua đây, Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng đề nghị TPHCM sớm thành lập Viện Công nghệ tiên tiến và ĐMST của thành phố.
|