Thứ ba, 07/12/2021 11:42 GMT+7
Việt Nam - Liên bang Nga tăng cường hợp tác về khoa học và công nghệ
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga (từ ngày 30/11 đến 2/12/2021) của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, bên cạnh các hoạt động chung của đoàn, chiều ngày 01/12/2021, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã tham dự Hội kiến giữa Chủ tịch Nước và Thủ tướng Liên bang Nga M.V. Mishustin; dự Lễ ký kết văn kiện hợp tác giữa hai nước.
Tại Lễ ký kết văn kiện hợp tác, trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Văn Thành và Phó Thủ tướng Liên bang Nga D.N. Chernyshenko, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã trao Hồ sơ yêu cầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân cho đại diện Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga ROSATOM – Phó Tổng giám đốc N.N Spassky. Đây là dự án nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo cấp cao hai nước, được triển khai trên cơ sở Hiệp định ký kết giữa hai Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trao Hồ sơ yêu cầu lập báo cáo FS Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân cho đại diện Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga ROSATOM
Trước đó, chiều ngày 30/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Liên bang Nga V.V. Putin đã hội đàm và thống nhất Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga đến năm 2030.
Theo đó, hợp tác về khoa học và công nghệ là một trong những hướng hợp tác chủ chốt giữa hai nước. Hai Bên coi trọng nâng cao vai trò điều phối của Ủy ban hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga về giáo dục, khoa học và công nghệ; tăng cường hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, trước hết trong khuôn khổ Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân; tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Trung tâm Nghiên cứu nhiệt đới Việt - Nga.
Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh hai Bên nhất trí thúc đẩy các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung trong các lĩnh vực: Khoa học sự sống, công nghệ năng lượng, công nghệ vũ trụ, sử dụng hợp lý tài nguyên môi trường, nghiên cứu cơ bản; đẩy mạnh hợp tác giữa các viện hàn lâm của hai nước và tiếp tục tiến hành các dự án hợp tác về nghiên cứu biển. Đồng thời, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số, quản lý các nền tảng xuyên quốc gia. Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực y tế và dược phẩm trên cơ sở kinh nghiệm hợp tác trong phòng, chống đại dịch Covid-19 thời gian qua; tạo điều kiện cung cấp, hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin và dược phẩm.
Ủy ban hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga về giáo dục, khoa học và công nghệ được thành lập theo Hiệp định đối tác chiến lược về giáo dục và khoa học - công nghệ năm 2014. Chủ tịch Phân ban phía Việt Nam là một Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và phía bạn là Thứ trưởng Bộ Khoa học và Đại học Liên bang Nga. Khóa họp lần thứ III Ủy ban này dự kiến sẽ được tổ chức tại Mát-xcơ-va trong năm 2022.
Theo Sách trắng về các chỉ số KH&CN Liên bang Nga công bố năm 2021, Liên bang Nga nằm trong tốp 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng bài báo khoa học quốc tế công bố trên các tạp chí Scopus (73,4 nghìn bài, chiếm 3.2% tổng lượng công bố quốc tế của thế giới, xếp thứ 12) và số đơn đăng ký sáng chế (29,2 nghìn đơn, chiếm 0.9% lượng đơn sáng chế thế giới, xếp thứ 12).
Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2025 của Liên bang Nga đặt ra mục tiêu đưa nước Nga vươn lên tốp 5 quốc gia hàng đầu thế giới trong một số lĩnh vực KH&CN ưu tiên phát triển. Giải pháp trọng tâm là tăng cường thu hút các nhà khoa học hàng đầu của Nga và thế giới, các nhà khoa học trẻ tiềm năng đến làm việc tại Liên bang Nga; đồng thời, tăng đầu tư cho KH&CN từ các nguồn khác nhau, tổng đầu tư xã hội cho nghiên cứu và phát triển đạt 1.6% GDP trong năm 2024.
Các hướng công nghệ Liên bang Nga ưu tiên phát triển gồm: Công nghệ sản xuất thông minh, hệ thống robot, xử lý dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo; vật liệu mới và kỹ thuật thiết kế; năng lượng thân thiện với môi trường và tiết kiệm tài nguyên; khai thác và chế biến sâu nguyên liệu hydrocacbon; năng lượng mới, truyền tải và lưu trữ năng lượng; chăm sóc sức khỏe công nghệ cao; nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản sạch và sinh thái; sản phẩm bảo vệ sinh học và hóa học cho thực vật và động vật; lưu trữ và chế biến hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp; hệ thống giao thông thông minh; hệ thống quang điện tử, quang tử; hệ thống viễn thông, thông tin và truyền thông; công nghệ tiên tiến trong khai thác vũ trụ, đại dương và Bắc Cực.
Liên bang Nga sẽ tập trung tăng cường tiềm lực KH&CN phục vụ phát triển kinh tế số với mục tiêu đảm bảo độc lập và tự chủ về công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh về công nghệ 4.0 ở cấp độ toàn cầu và đảm bảo an ninh quốc gia. Mục tiêu đến năm 2024, tăng chi từ tất cả các nguồn cho kinh tế số lên gấp 3 lần so với năm 2017, sử dụng phần mềm nội địa trong tất cả các cơ quan chính quyền trung ương và địa phương, hình thành ít nhất 10 công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ 4.0 có khả năng cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.
|