Thứ hai, 06/12/2021 16:03 GMT+7

Nhân rộng các mô hình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển Tây Nguyên

Sáng 5/12, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học công nghệ cấp Quốc gia “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế” giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên 2016-2020).

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh phát biểu tại hội nghị.

Đây là chương trình khoa học tổng hợp liên ngành khoa học tự nhiên và công nghệ, phòng tránh thiên tai, khoa học xã hội và an ninh quốc phòng; đồng thời là chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia lần thứ 4 về Tây Nguyên, được Chính phủ giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 cho biết, Chương trình tiếp nối Chương trình Tây Nguyên 3 giai đoạn 2011-2015, minh chứng cho chủ trương nhất quán của Đảng và Chính phủ là xây dựng Tây Nguyên thành địa bàn vững chắc về an ninh quốc phòng và vùng trọng điểm về kinh tế của cả nước.

Qua 5 năm thực hiện với phương châm bám sát mục tiêu, bám sát thực tiễn Tây Nguyên, Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 đã triển khai 32 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc 3 lĩnh vực: Khoa học công nghệ; khoa học tự nhiên và phòng tránh thiên tai; khoa học xã hội và an ninh quốc phòng. Các nhiệm vụ đã huy động được sự tham gia của 918 nhà khoa học thuộc 14 bộ, ngành, hội khoa học trên cả nước và từ Trung ương đến địa phương vùng Tây Nguyên. Trong đó, 7 nhiệm vụ khoa học do các trường, viện nghiên cứu đóng tại Tây Nguyên, khu vực Nam Trung Bộ triển khai thực hiện.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của các nhà khoa học, các chủ nhiệm đề tài và cơ quan chủ trì đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, thiên tai, dịch bệnh để hoàn thành tốt các nhiệm vụ khoa học với tất cả lòng đam mê, nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao và vì sự phát triển của Tây Nguyên.
 

Một số sản phẩm của Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020 được trưng bày tại hội nghị.

Tại hội nghị, các nhà khoa học phụ trách 3 lĩnh vực nghiên cứu của Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 đã báo cáo các kết quả nghiên cứu của từng lĩnh vực. Theo đó, các nhiệm vụ khoa học tự nhiên đã phát hiện nhiều điểm mới phục vụ quản trị tài nguyên đất, nước và rừng liên vùng, xuyên biên giới. Thí dụ như nhiệm vụ nghiên cứu hang động núi lửa Krông Nô-Đắk Nông đã lần đầu tiên phát hiện di chỉ người tiền sử hiếm gặp ở Đông Nam Á.

Việc phát hiện di chỉ người tiền sử cùng với các giá trị đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo là một phần quan trọng của công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông đã được UNESCO công nhận vào tháng 7/2020. Mô hình quân, dân y chăm sóc sức khỏe đồng bào biên giới ứng phó với biến đổi khí hậu, biến động dân cư và kiểm soát dịch bệnh đã và đang phát huy tác dụng tích cực…

Các nhiệm vụ khoa học công nghệ đã hoàn thiện, tích hợp các kết quả của giai đoạn trước và liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để triển khai, nhân rộng các mô hình kịp thời phục vụ phát triển kinh tế quốc phòng, an ninh biên giới. 

Các nhiệm vụ khoa học xã hội về đẩy mạnh liên kết vùng Tây Nguyên với các tỉnh Nam Trung Bộ; giải pháp giải quyết tranh chấp đất đai; bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ; hệ thống giải pháp giữ vững ổn định an ninh chính trị Tây Nguyên trong bối cảnh quốc tế mới… đã được tham khảo làm cơ sở định hướng cho chính sách phát triển Tây Nguyên trong giai đoạn tới. 

Thông qua thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, các nhà khoa học đã hỗ trợ và đào tạo 29 tiến sĩ, 54 thạc sĩ và hàng chục kỹ thuật viên về ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ cho Tây Nguyên. Đây là nguồn lực tri thức trình độ cao phục vụ phát triển Tây Nguyên hiện tại và tương lai. 

Đặc biệt, tập Atlas tổng hợp vùng Tây Nguyên và phụ cận khổ A2, Atlas các hệ sinh thái núi Tây Nguyên khổ A3 lần đầu tiên được xuất bản là những bộ dữ liệu lớn từ các kết quả nghiên cứu về Tây Nguyên, có giá trị nhiều mặt phục vụ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên. 

Đáng chú ý, tại hội thảo, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp để ứng dụng kết quả nghiên cứu của Chương trình vào thực tiễn. Tiến sĩ, nghiên cứu viên chính Nguyễn Đình Kỳ, Phó Chủ nhiệm, Chánh Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 cho biết, gần 100 nhiệm vụ khoa học công nghệ của Chương trình Tây Nguyên 3 và Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 đã đề xuất hàng trăm kết luận và kiến nghị khoa học tổng hợp, chuyên ngành, liên ngành thể hiện trong báo cáo tổng hợp, báo cáo kiến nghị, cơ sở dữ liệu GIS,… Các luận cứ khoa học, mô hình phát triển và quy trình sản xuất là khối tài sản trí tuệ rất lớn, cần được đầu tư khai thác phục vụ bổ sung chính sách, thể chế, thay đổi cơ chế và thiết chế văn hóa phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên theo kịp cuộc cách mạng 4.0, trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế.
 

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại hội nghị. 

Để có thể đưa các kết quả nghiên cứu của Chương trình vào ứng dụng trong thực tiễn phục vụ phát triển bền vững kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang đề nghị các sở, ban, ngành và cộng đồng doanh nghiệp của 5 tỉnh Tây Nguyên phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các đơn vị nghiên cứu để tiếp nhận kết quả của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm đáp ứng với yêu cầu  thực tiễn hiện nay và định hướng phát triển bền vững kinh tế-xã hội ở Tây Nguyên trong bối cảnh mới. 

Đồng thời, đề nghị các tỉnh Tây Nguyên tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan nghiên cứu triển khai, ứng dụng và nhân rộng các mô hình, các dự án thử nghiệm không những từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Chương trình Tây Nguyên 3 và Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 mà còn từ các công nghệ tiên tiến hiện nay của Việt Nam và trên thế giới. 

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ cho biết, thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, các đơn vị nghiên cứu, đặc biệt cùng các địa phương vùng Tây Nguyên tiếp tục tổ chức triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu nhằm phát triển bền vững kinh tế-xã hội Tây Nguyên. Các địa phương Tây Nguyên cần chủ động nghiên cứu, đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ vùng Tây Nguyên trong thời gian tới.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương vùng Tây Nguyên đều khẳng định giá trị của các kết quả nghiên cứu của Chương trình đối với việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh Lâm Đồng có tiềm năng về phát triển nông nghiệp, du lịch, do đó, các điều tra cơ bản của Chương trình cho biết thực trạng về chất lượng đất, tài nguyên nước… giúp cho địa phương định hướng phát triển, phát huy các thế mạnh của mình trong điều kiện hội nhập. Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện một số giải pháp trước mắt và lâu dài để ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai chia sẻ, các kết quả nghiên cứu của Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 là nguồn tài liệu vô cùng quý giá phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng của khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng, trong đó có những nhiệm vụ phục vụ hiệu quả trực tiếp như khai thác hiệu quả Atlas điện tử vùng Tây Nguyên.

Để tiếp tục khai thác tốt và hiệu quả cơ sở dữ liệu của Atlas điện tử Tây Nguyên, cần nâng cấp, cập nhật, bổ sung cơ sở dữ liệu chi tiết cho từng lĩnh vực, vùng, lãnh thổ; đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn chuyển giao việc khai thác cho các tỉnh Tây Nguyên…

Liên kết nguồn tin:

https://nhandan.vn/thong-tin-so/nhan-rong-cac-mo-hinh-khoa-hoc-va-cong-nghe-phuc-vu-phat-trien-tay-nguyen-676939/

 

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử

Lượt xem: 3712

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)