Thứ bảy, 17/07/2021 17:09 GMT+7

Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030: Lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 về việc Ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia đến năm 2030.

Những mục tiêu cụ thể

Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị giao dịch hàng hoá KH&CN hàng năm tăng bình quân 25-30%. Tỷ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt trên 15%, tỷ trọng giao dịch các công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển đạt 30%. Tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đạt trên 35% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước. Hình thành và phát triển 80 tổ chức trung gian và 3 mạng lưới tổ chức trung gian chuyên sâu cho 3 ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Đến năm 2030, giá trị giao dịch hàng hóa KH&CN hàng năm bình quân đạt 30-35%. Tỷ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt trên 20%, tỷ trọng giao dịch các công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển đạt 35%. Tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước. Phát triển trên 240 tổ chức trung gian KH&CN và 6 mạng lưới tổ chức trung gian chuyên sâu cho 6 ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Số hóa các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ có tiềm năng thương mại hóa trên thị trường. Hiện đại hóa hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN, kết nối hiệu quả với mạng lưới tổ chức trung gian khu vực và toàn cầu.

Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý và thúc đẩy nguồn cung, cầu

Để tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN, hàng loạt giải pháp được Chương trình đưa ra: 1) Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thị trường KH&CN, thúc đẩy các giao dịch hàng hóa KH&CN; 2) Xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực cạnh tranh để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường KH&CN; cơ chế liên thông thị trường KH&CN với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính và lao động; cơ chế đẩy mạnh hợp tác viện, trường - doanh nghiệp; chính sách thương mại hoá, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh; 3) Nghiên cứu và đề xuất cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả chuyên gia KH&CN là người nước ngoài và chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường KH&CN của Việt Nam; 4) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, chế độ báo cáo thống kê của thị trường KH&CN.

Nguồn cầu của thị trường KH&CN được chú trọng thông qua việc điều tra, thống kê, đánh giá nhu cầu công nghệ, năng lực giải mã, hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn cầu công nghệ và xuất bản báo cáo phân tích nhu cầu công nghệ của một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp - viện, trường theo hướng đặt hàng công nghệ hoặc hình thành dự án nghiên cứu, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN. Hỗ trợ tổ chức, cá nhân đánh giá, định giá, thẩm định giá công nghệ; tìm kiếm, lựa chọn và tiếp nhận, thử nghiệm công nghệ; khai thác, phát triển tài sản trí tuệ...

Các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sẽ được cơ cấu lại theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng và số lượng nguồn cung hàng hóa KH&CN trên thị trường. Đẩy mạnh hoạt động thúc đẩy chuyển giao công nghệ; nhập khẩu, giải mã các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển, có tiềm năng tác động lớn và lan tỏa, trước hết là đối với một số lĩnh vực công nghiệp/ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Hỗ trợ thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; ưu tiên hỗ trợ các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp phụ trợ, cơ giới hoá, chế biến sâu trong nông nghiệp, phục vụ yêu cầu phát triển vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh hình thành và phát triển một số tổ chức trung gian có vai trò đầu mối, cung cấp các dịch vụ công có tính hệ thống về thị trường KH&CN. Nâng cao năng lực hoạt động các tổ chức trung gian, nhất là các tổ chức trung gian thuộc tổ chức KH&CN lớn, đa ngành và gắn với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN thuộc khu vực tư nhân...

Bên cạnh đó, các hoạt động như tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường KH&CN; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, truyền thông và hội nhập quốc tế về thị trường KH&CN; phát triển hạ tầng quốc gia... cũng được coi là các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng cần thực hiện trong thời gian tới.

Liên kết nguồn tin:

https://vjst.vn/vn/tin-tuc/4975/chuong-trinh-phat-trien-thi-truong-khcn-quoc-gia-den-nam-2030--lay-doanh-nghiep-lam-trung-tam.aspx

Nguồn: Tạp chí KH&CN Việt Nam điện tử

Lượt xem: 2010

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)