Thứ tư, 24/11/2021 12:35 GMT+7

Hội thảo góp ý dự thảo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030

Ngày 21/11/2021, tại Hội trường Đại học Huế, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Đại học Huế tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình và Giám đốc Đại học Huế PGS.TS. Nguyễn Quang Linh đồng chủ trì Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là xu thế tất yếu

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) được khẳng định là một nội dung đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao,

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, việc xây dựng Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 là một bước cụ thể hóa các nội dung về KH,CN&ĐMST được đề cập trong các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Thứ trưởng khẳng định, Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 sẽ kế thừa có chọn lọc quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và bổ sung những nội dung mới cho phù hợp với tình hình hiện nay. Cụ thể Chiến lược bổ sung nội hàm về đổi mới sáng tạo, là cầu nối đưa KH&CN vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm. Trong xu thế của toàn thế giới ngày nay, KH&CN gắn liền với sản xuất kinh doanh, gắn với quá trình thương mại hóa kết quả tạo thành một chuỗi KH,CN&ĐMST. Trong đó, khoa học công nghệ tạo ra tri thức, còn đổi mới sáng tạo nhằm biến tri thức thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ứng dụng vào cuộc sống.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo.
 

Thứ trưởng cho biết, mục tiêu trong 10 năm tới, ngành KH&CN sẽ đóng góp 45 - 50% vào chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp (TFP); Đạt tối thiểu 45% tỉ trọng giá sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo; Đến năm 2030, tỷ lệ tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển (NC&PT), trong đó đóng góp từ xã hội chi cho NC&PT chiếm từ 65% đến 70%; Phấn đấu đến năm 2030, số doanh nghiệp đạt tiêu chí của doanh nghiệp KH&CN và số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng khoảng 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp.

Xây dựng và phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu, các cụm liên kết ngành, trong đó các doanh nghiệp lớn có vai trò trung tâm dẫn dắt các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đổi mới sáng tạo. Các cơ quan quản lý Nhà nước có vai trò kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi, quan hệ liên kết giữa các doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất, các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức hỗ trợ để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.

Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ

Làm thế nào để các trường Đại học trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh và doanh nghiệp đóng vai trò là trung tâm? Giải pháp nào để các kết quả nghiên cứu của các trường đại học chuyển giao được cho doanh nghiệp, tạo ra những sản phẩm phục vụ cuộc sống người dân? Đây là những câu hỏi được nhiều nhà quản lý, nhà khoa học đặc biệt quan tâm, khi thực tế hiện nay, các tài sản trí tuệ, công trình nghiên cứu ở các trường đại học lại thiếu đi tính thực tiễn tại các doanh nghiệp, một bên doanh nghiệp lại thiếu đi tri thức, trình độ KH&CN để vận hành, cải tiến quy trình sản xuất.

Đề cập những khó khăn liên quan đến nguồn ngân sách cho các trường đại học trong việc đào tạo nhân lực nghiên cứu sinh, GS. Nguyễn Hoàng Lộc - Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho rằng: Thứ nhất, nên đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các trường đại học. Theo đó, các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ đóng góp một phần cho nguồn ngân sách KH&CN quốc gia, hoặc cho một trường đại học chủ thể để các cơ sở này đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng thị trường doanh nghiệp. Đây là nguồn ngân sách rất lớn đối với việc đào tạo và nghiên cứu khoa học đối với các trường đại học, nhằm duy trì hoạt động đào tạo nhân lực và phát triển. Thứ hai, khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận với các trường đại học, mạnh dạn đầu tư vào các đề tài, đề án để nghiên cứu một vấn đề cụ thể phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp.
 

 GS. Nguyễn Hoàng Lộc - Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế phát biểu góp ý.
 

Thảo luận tại Hội thảo về giải pháp phát triển KH,CN&ĐMST, đại diện Sở KH&CN thành phố Đà Nẵng góp ý, để phát triển các Viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức KH&CN khác trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh cần xem xét bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ các trường đại học và Viện nghiên cứu, tổ chức KH&CN mở rộng, phát triển các ngành, lĩnh vực đã được định hướng tại mục III Điều 1 trong dự thảo Chiến lược. Đồng thời cần đưa ra các giải pháp phát triển các tổ chức trung gian để kết nối và tư vấn về ứng dụng các kết quả nghiên cứu, phát triển thị trường KH&CN.
 

Đại diện Sở KH&CN thành phố Đà Nẵng góp ý tại Hội thảo.
 

Bàn về những khó khăn trong việc tiếp cận doanh nghiệp với các sản phẩm nghiên cứu, PGS.TS. Võ Thanh Tùng - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho biết, hiện nay Trường Đại học Khoa học đã đẩy mạnh sang các công trình, lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng rất nhiều, tuy nhiên sản phẩm ra thị trường chỉ số lượng rất ít. Dưới góc độ của nhà trường, đội ngũ nhà trường nghiên cứu là chính nên rất khó để tiếp cận doanh nghiệp với các sản phẩm nghiên cứu. Qua đó, PGS.TS. Võ Thanh Tùng kiến nghị Chính phủ cần có những cơ chế, chính sách rõ ràng để thuận lợi kết nối, tiếp cận doanh nghiệp với các sản phẩm nghiên cứu.

Góp ý tại Hội thảo về vấn đề xây dựng chiến lược lấy vai trò doanh nghiệp làm trung tâm, theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế, về mặt thể chế nên áp dụng mô hình luật hóa, các đối tượng thể chế chỉ mới dừng lại tại Bộ KH&CN, Sở KH&CN và các trường Đại học mà chưa đẩy mạnh về các cấp huyện, thị xã cần nên chăng cần có chính sách thúc đẩy, đẩy mạnh các đối tượng trên. Về nguồn lực cần đẩy mạnh đa dạng các nhóm nghiên cứu mạnh theo từng cấp độ, cần định hướng được các trung tâm nghiên cứu lớn do Bộ KH&CN đứng ra làm chủ trì ở các vùng miền để chuyển giao nghiên cứu ở tầm quốc gia và quốc tế. Đồng thời cần có những quy hoạch về mạng lưới KH&CN để kết nối các đơn đặt hàng cho nhóm khoa học cơ bản.
 

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế trình bày góp ý dự thảo Chiến lược.
 

Tại Hội thảo, các nhà khoa học bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao dự thảo, từ quan điểm, mục tiêu, định hướng cho đến những giải pháp phát triển KH,CN&ĐMST. Các nhà khoa học nhận định, dự thảo định hướng phát triển công nghệ tập trung chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, kinh doanh trong doanh nghiệp để bắt kịp với mặt bằng của thế giới, nâng cao chất lượng của nền kinh tế, tạo nền tảng công nghệ tiên tiến để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Bên cạnh sự đồng tình, ủng hộ dự thảo, các đại biểu vẫn còn một số vấn đề băn khoăn như Chiến lược có mục tiêu, giải pháp lớn nhưng nguồn lực chưa đảm bảo để thực hiện, hay việc thúc đẩy xã hội hóa các nguồn đầu tư cho KH,CN&ĐMST, đặc biệt từ doanh nghiệp,..

Để tháo gỡ những khó khăn giúp phát triển KH,CN&ĐMST, nhiều nhà khoa học mong muốn Chính phủ cần đổi mới cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, đầu tư công, ngân sách nhà nước, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về KH,CN&ĐMST; Xây dựng và phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn liền với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu; Phát triển các viện nghiên cứu, trường Đại học và các tổ chức KH&CN khác trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh; Phát triển nguồn nhân lực KH,CN&ĐMST có trình độ và năng lực sáng tạo cao; Đặc biệt, cần hoàn thiện hành lang pháp lý và tập trung nguồn lực để thực hiện nội dung đột phá chiến lược về KH,CN&ĐMST trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, tập trung các giải pháp phát triển thị trường KH&CN, các giải pháp thúc đẩy đầu ra cho các sản phẩm của doanh nghiệp và chủ động đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về KH,CN&ĐMST.

Tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ KH&CN  Bùi Thế Duy đã phát biểu tiếp thu ý kiến, đồng thời cung cấp thêm thông tin và làm rõ một số nội dung của các thành viên góp ý, thảo luận. Thứ trưởng cho biết, nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu ứng dụng KH,CN&ĐMST; trình độ ứng dụng KH&CN tại doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất nhiều hạn chế và chưa đồng bộ; mức độ sẵn sàng tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới vào thực tế sản xuất còn thấp...  Vì thế chúng ta cần xác định và phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, những thách thức tác động đến phát triển KH,CN&ĐMST của đất nước trong gian đoạn tới. Từ đó xác định mục tiêu làm sao trong 10 năm tới, KH,CN&ĐMST trở thành một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội được chú trọng và nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng đã gửi lời cảm ơn đến các nhà khoa học của Đại học Huế đã tích cực trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến hoàn thiện Chiến lược. Các ý kiến đóng góp sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu với tinh thần trách nhiệm cao nhất để đưa các nội dung góp ý vào dự thảo, góp phần xây dựng Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST chất lượng và có tính khả thi cao. Cụ thể, trong chiến lược về cơ chế, chính sách tài chính, về sự gắn kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp sẽ tiếp tục gỡ bỏ những rào cản, thiết lập các cơ chế thông thoáng nhằm giải phóng được tài sản trí tuệ của các trường đại học lẫn doanh nghiệp tạo sự phát triển mạnh mẽ cho ngành KH&CN và góp phần phát triển nền kinh tế - xã hội.

 

Nguồn: Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Sở KH&CN Thừa Thiên Huế, Văn phòng Bộ KH&CN

Lượt xem: 2722

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)