Thứ bảy, 24/07/2021 16:14 GMT+7

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Thủ đô: Cần cơ chế, chính sách đặc thù

Để phát triển bền vững Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn năm 2045, Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII đã đề ra 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó xác định thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để tạo tiền đề cho sự phát triển này, Hà Nội cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.

Việc xây dựng chính sách đặc thù phù hợp góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ trên địa bàn Thủ đô. Trong ảnh: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sử dụng nhiều máy móc hiện đại ứng dụng công nghệ cao trong điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: TTXVN

Vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế

Hà Nội đứng đầu cả nước về những yếu tố thuận lợi để phát triển khoa học và công nghệ. Đó là, có tiềm lực, hạ tầng khoa học và công nghệ mạnh nhất (chiếm hơn 80% số trường đại học, viện nghiên cứu của cả nước, 82% phòng thí nghiệm trọng điểm, 65% số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học và tiến sĩ của cả nước, 105 tổ chức khoa học và công nghệ công lập); nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của Hà Nội cũng cao nhất cả nước... Song thành phố vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế này.

Cụ thể hơn, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương, thời gian qua, kinh tế của Hà Nội vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng; công nghệ chậm được đổi mới; số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn khiêm tốn; nguồn cung thị trường khoa học và công nghệ vẫn chậm phát triển...

Chỉ ra một phần nguyên nhân của thực trạng này, Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) Lê Thanh Hiếu cho biết: Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của thành phố cũng như của các doanh nghiệp địa phương còn gặp nhiều vướng mắc khi triển khai do khung pháp lý chưa đồng bộ. Hiện có nhiều luật, văn bản hướng dẫn cùng điều chỉnh hoạt động của các tổ chức thực hiện dịch vụ khoa học và công nghệ nên gây chồng chéo, khó triển khai.

Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp khoa học công nghệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải Lưu Hải Minh còn bức xúc ở việc, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 1-2-2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ có quy định tài sản góp vốn có thể là quyền sở hữu công nghệ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp rất khó khăn khi đăng ký vốn điều lệ, tăng tài sản từ sở hữu trí tuệ. Điều này gây cản trở cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư; đó cũng là rào cản cho các tổ chức muốn góp vốn bằng bản quyền công nghệ vào dự án đầu tư.

Về thực tế nêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội nhìn nhận, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển đồng bộ. Vì thế, việc xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá cho ngành Khoa học và công nghệ Hà Nội là một đòi hỏi cấp thiết. Đặc biệt trong bối cảnh thành phố đang nghiên cứu để đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, trong đó có vấn đề về phát triển khoa học và công nghệ.

Tọa đàm khoa học “Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù nhằm phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Thủ đô Hà Nội”, ngày 14-7.Ảnh: Trần Nhân

Cần tư duy dài hạn

Gỡ vướng những rào cản trước mắt cho phía doanh nghiệp, ông Lưu Hải Minh cho rằng, để các tổ chức muốn góp vốn bằng bản quyền công nghệ vào dự án đầu tư cần có sự ràng buộc bằng văn bản pháp lý với cơ quan xét duyệt, nhất là khi đã có quy định về thực hiện việc này. Còn bà Lê Thanh Hiếu cũng nhấn mạnh, cần có chính sách đặc thù cho Quỹ Phát triển khoa học công nghệ của thành phố, trong đó có cơ chế cho vay vốn ưu đãi đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Ở tầm vĩ mô, theo Ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương Trần Quốc Toản, hoạt động khoa học - công nghệ Hà Nội đủ nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững. Điều quan trọng là cơ chế, chính sách đi kèm phải thay đổi để huy động được các nguồn lực tập trung cho chương trình này.

Cùng chung quan điểm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn đề xuất, cần tư duy dài hạn và phải có cơ chế, chính sách đủ mạnh để khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Theo đó, muốn phát huy được thế mạnh về hạ tầng khoa học, công nghệ của thành phố, cần có cơ chế đi kèm và chính sách cho chủ thể vận hành hạ tầng ấy. Chẳng hạn, Hà Nội cần được chủ động ra quyết định thành lập, phê duyệt chủ trương đầu tư, ban hành quy chế hoạt động; cơ chế, chính sách đặc thù với khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn phù hợp với quy hoạch phát triển của thành phố. Hiện tại, theo Luật Công nghệ cao năm 2018, thẩm quyền ban hành các quy định này là của Chính phủ.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng, Quyền Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội, để Luật Thủ đô được sửa đổi theo hướng phát triển khoa học và công nghệ là mũi nhọn đột phá, cần phân cấp, phân quyền và cho phép thành phố Hà Nội có những cơ chế đặc thù về thể chế khoa học - công nghệ, cơ chế tài chính và trọng dụng nhân tài.

Liên quan đến vấn đề trên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn khẳng định: “Trước mắt, đơn vị sẽ tham mưu thành phố đề xuất với trung ương cho phép thực hiện cơ chế, thử nghiệm chính sách mới, trước hết là chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, triển khai mô hình kinh tế mới, mô hình hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thu hút nguồn lực đầu tư để thúc đẩy lĩnh vực này của Thủ đô phát triển xứng tầm”.

Liên kết nguồn tin:

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Khoa-hoc/1006654/phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-thu-do-can-co-che-chinh-sach-dac-thu

Nguồn: Báo Hànộimới

Lượt xem: 2467

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)