Thứ sáu, 19/11/2021 11:21 GMT+7

Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn để phát triển kinh tế - xã hội

“Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” là chương trình khoa học về lĩnh vực xã hội, nhân văn duy nhất trong số 7 chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý giai đoạn 2016-2020. Kết quả của chương trình đã góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách, pháp luật, chiến lược phát triển của Trung ương, bộ, ngành và địa phương.

Quang cảnh Hội nghị tổng kết Chương trình “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, tháng 10-2021.

Nhiều đề tài đạt được kết quả vượt trội

Chương trình “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” tích hợp 4 trụ cột nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn về kinh tế, xã hội, văn hóa và con người. Chương trình được xây dựng nhằm các mục tiêu: Cung cấp luận cứ khoa học về những vấn đề trọng yếu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nhằm đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Từ đó, đề xuất chính sách và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức, quản lý, phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ công tác hoạch định và thực thi chính sách, vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Chủ nhiệm Chương trình “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, chương trình gồm 52 đề tài, bao trùm các lĩnh vực: Kinh tế và phát triển kinh tế; xã hội và quản lý xã hội; con người, văn hóa và chính trị. Một số đề tài nghiên cứu mang tính chất giao thoa giữa kinh tế - xã hội - văn hóa - con người. Qua 5 năm thực hiện, mặc dù còn một số khó khăn trong quá trình phối hợp, triển khai, song các đề tài đều nỗ lực đạt được mục tiêu đề ra, nhiều đề tài đạt những kết quả vượt trội, góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chương trình đã xuất bản 53 cuốn sách chuyên khảo, 3 cuốn giáo trình, gần 400 bài báo trong nước và quốc tế, trong đó tỷ lệ bài báo công bố quốc tế đạt trên 10%. Số đề tài có công bố quốc tế đạt trên 30%. Số bài báo được công bố trên các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng thuộc danh mục ISI, Scopus chiếm tỷ lệ 60% trên tổng số các công bố quốc tế.

Trong quá trình triển khai thực hiện, chương trình đã tổ chức gần 100 hội thảo khoa học quốc gia, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, góp phần đào tạo 95 tiến sĩ và 144 thạc sĩ. 15/52 đề tài đạt kết quả xuất sắc, nhiều kết quả nghiên cứu được chắt lọc và chuyển giao cho Tổ xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần xây dựng và hoàn thiện văn kiện phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bên cạnh việc chuyển giao và đóng góp trực tiếp cho công tác quản lý, hoạch định chính sách cấp trung ương, nhiều kết quả nghiên cứu còn được chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp. Điển hình là các đề xuất nhằm giải quyết vấn đề an ninh việc làm cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được chuyển giao cho Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Nam và Đà Nẵng; các vấn đề về phát triển du lịch nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long được chuyển giao cho các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long...

Các sản phẩm khoa học tạo ra đều đã, đang và sẽ được ứng dụng trong việc hoạch định, thực thi chính sách trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội thông qua những giải pháp nhằm đổi mới sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo thêm việc làm, tăng doanh thu, thay đổi mô hình tăng trưởng, giảm ô nhiễm môi trường, phát triển nền kinh tế xanh, nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.

Tái cấu trúc theo hướng nghiên cứu chuyên sâu

Bộ Khoa học và Công nghệ rất chú trọng đến xây dựng và triển khai các chương trình khoa học xã hội và nhân văn phục vụ công tác hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước.

Định hướng cho giai đoạn tới, ông Lê Quang Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, giai đoạn 2021-2025, chương trình được tái cấu trúc theo các lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu, giải quyết vấn đề trong 10 năm: Chuyển đổi mô hình kinh tế, nghiên cứu hoàn thiện thể chế, nhận diện phát huy giá trị nguồn lực nhân văn, nghiên cứu vấn đề quốc tế...

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng mong muốn các nhà khoa học đề xuất, xây dựng để hình thành nên bộ tiêu chí đánh giá tác động hiệu quả kinh tế - xã hội từ kết quả các nghiên cứu mang lại. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng và triển khai các đề tài phải chú ý đến tính tích hợp, liên ngành giữa các vấn đề nghiên cứu cũng như tính kế thừa kết quả nghiên cứu của các đề tài để tăng tính hiệu quả của chương trình.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, trong thời gian tới, chương trình tập trung giải quyết các vấn đề trọng điểm cấp quốc gia trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nhằm đề xuất các chủ trương, chính sách, giải pháp thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Các nghiên cứu cần hướng đến những vấn đề mang tính dài hạn, xuyên suốt nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững gắn với khai thác và phát triển các giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xây dựng nền kinh tế tri thức, hội nhập.

Liên kết nguồn tin:

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Khoa-hoc/1017708/nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van-de-phat-trien-kinh-te---xa-hoi

Nguồn: Báo Hànộimới

Lượt xem: 4144

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)