Về giá trị kinh tế: cá chẽm mõm nhọn hiện đang là đối tượng hải đặc sản. Giá cá chẽm mõm nhọn thương phẩm trên thị trường dao động từ 230.000 đến 260.000đ/kg thuộc loại có giá trị cao so với các đối tượng cá biển khác như cá dìa (90.000 - 140.000 đ/kg), cá chẽm (40.000 - 60.000 đ/kg), cá bớp (60.000 - 80.000 đ/kg). Tuy có giá thương phẩm thấp hơn cá mú (100.000 - 400.000 đ/kg tùy loài) nhưng cá chẽm mõm nhọn có ưu điểm là có thể tiêu thụ dưới dạng sống hay đông lạnh đều được và thị trường tiêu thụ không chỉ nước ngoài mà nhu cầu nội địa luôn luôn cao.
Về nhu cầu con giống: Nhu cầu con giống cá chẽm mõm nhọn luôn luôn cao cho các hộ nuôi. Tuy nhu cầu con giống rất lớn nhưng các hộ nuôi cá chẽm mõm nhọn hiện nay đều phụ thuộc vào nguồn giống khai thác tự nhiên, chỉ xuất hiện vài ngày trong năm ở những khu vực nhất định nên không thể thỏa mãn nhu cầu con giống. Hơn nữa con giống khai thác tự nhiên khi đưa vào nuôi thương phẩm thường có hiện tượng chết hàng loạt trong thời gian nuôi ban đầu.
Sản xuất giống nhân tạo cá chẽm mõm nhọn tại chỗ, chủ động con giống có chất lượng đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm sẽ góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá biển ở Khánh Hòa nói riêng và ở Việt Nam nói chung, đa dạng hóa đối tượng nuôi và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Một trong những yếu tố quyết định con giống có chất lượng cao đó là chất lượng tinh trùng đưa vào sinh sản nhân tạo phải cao. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng cá đó là: thời điểm thu mẫu khác
nhau trong mùa vụ sinh sản, nhiệt độ, dinh dưỡng, sốc, tiêm hormone, tạp nhiễm tinh dịch và bảo quản lạnh tinh trùng trong tủ lạnh và trong nitơ lỏng. Trong khuôn khổ của đề tài này chủ nhiệm đề tài chỉ nghiên cứu ba yếu tố ảnh hưởng lên chất lượng tinh trùng cá chẽm mõm nhọn đó là (1) thời điềm thu mẫu tinh dịch khác nhau, (2) loại, liều lượng và thời gian tiêm hormone, và (3) bảo quản lạnh tinh trùng.
Tại Trường Đại học Nha Trang, để chuẩn bị nghiên cứu đánh giá chất lượng tinh trùng cá chẽm mõm nhọn, các thiết bị và máy móc hiện đại đã được trang bị từ đề tài trước đó do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tài trợ năm 2011 để nghiên cứu một số đặc tính và bảo quản tinh trùng cá chẽm mõm nhọn. Kế thừa kết quả đề tài trước, nhóm tác giả do nhà nghiên cứu Lê Minh Hoàng đứng đầu muốn tiếp tục phát triển nghiên cứu sâu hơn và sử dụng cả sinh học phân tử vào để nghiên cứu cho ra kết quả chính xác hơn. Chính vì vậy, nhóm đã tiến hành đề tài: “Đánh giá chất lượng tinh trùng cá chẽm mõm nhọn Psammoperca waigiensis (Cuvier và Valenciennes, 1828) thông qua thời điểm thu mẫu, tiêm hormone và bảo quản lạnh”. Dựa vào kinh nghiệm nghiên cứu một số đặc tính và bảo quản tinh trùng một số loài cá biển (cá chẽm mõm nhọn, cá mú cọp…) của chính nhóm nghiên cứu đề tài này và tham khảo có chọn lọc, bổ sung kiến thức từ kết quả nghiên cứu nước ngoài thông qua các mối quan hệ quốc tế đã có, nhóm hy vọng sẽ thành công trong việc đánh giá chất lượng tinh trùng cá chẽm mõm nhọn thông qua thời điểm thu mẫu khác nhau trong mùa vụ sinh sản, tiêm hormone và bảo quản lạnh tinh trùng.
Sau đây là một số kết quả nổi bật của dự án:
Nội dung 1: Đánh giá chất lượng tinh trùng cá chẽm mõm nhọn thông qua thời điểm thu mẫu khác nhau
Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy, đặc tính lý học ở đầu, giữa và cuối mùa vụ lần lượt là: Thể tích (ml/cá đực): 0,7±0,2; 1,35±0,18; 1,3±,14; mật độ (x109tb/ml): 28,1±1,46; 30,46±1,97; 30±4,31; độ quánh (%):73±7,68; 86,25±3,19; 85,5±3,59; phần trăm tt hoạt lực (%): 92,3±3,8; 91,5±3,28; 90,8±4,38; số lượng tt (x109 tb/cá đực): 18,6±5,99; 41,15±7,52; 38,6±7,95; thời gian tt hoạt lực (s): 240±25; 227±5; 230±13; pH: 7,9±0,23; 7,67±0,18; 7,8±0,25; độ mặn (ppt): 24,8±1,68; 26,55±1,43; 29,8±1,85. Đặc tính hóa học với thành phần hóa học trong dịch tương tại thời điểm thu mẫu đầu, giữa và cuối mùa vụ lần lượt là: Na+(mmol/l): 154,66±1,34; 134,8±6,08; 166,7±7,9; K+(mmol/l): 17,01±0,95; 15,1±0,77; 17,2±0,97; Cl(mmol/l): 113,64±1,12; 110,8±2,19; 114,2±1,76; Mg2+ (mmol/l): 6,64±0,71; 6,4±0,63; 6,7±0,79); Ca2+ (mmol/l): 13,62±1,25; 12,8±1,15; 13,1±1,43; Tổng số protein (g/l): 1,17±0,23; 1,1±0,22; 1,3±0,26; NDTT (mOsm/kg): 345,49±8,83; 335±7,82; 351,5±6,46.: nồng độ thẩm thấu và protein tổng số lại cho kết quả ở cuối mùa vụ sinh sản là cao nhất với 351,5± 6,46 mOsm/kg và 1,3±0,26 g/l.
Kết quả phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt lực tinh trùng cá chẽm mõm nhọn trong nghiên cứu này chỉ rõ, với những giá trị ở các yếu tố sau thì hoạt lực tinh trùng là tối ưu cho từng mùa vụ sinh sản: Tỷ lệ pha loãng 1:100 ở giữa mùa vụ và 1:150 (tinh dịch: nước biển nhân tạo) ở đầu và cuối mùa vụ; pH=8 và nhiệt độ 300C cho cả 3 mùa vụ; NDTT 400mOsm/kg trong chính giữa mùa vụ và NDTT 450mOsm/kg trong đầu và cuối mùa vụ; Ca2+=0,1M ở đầu và giữa mùa vụ, Ca2+=0,15M ở vuối mùa vụ; Mg2+=0,1M ở cả 3 mùa vụ; K+ =0,6M ở đầu và giữa mùa vụ, K+=0,65 ở cuối mùa vụ; Na+ =0,55M ở đầu mùa vụ, Na+=0,6 ở giữa mùa vụ và Ca2+=0,65 ở cuối mùa vụ.
Nội dung 2: Đánh giá chất lượng tinh trùng cá chẽm mõm nhọn thông qua loại, liều lượng và thời gian tiêm hormone khác nhau
- Ảnh hưởng của hormone kích thích sinh sản đến đăc tính lý hóa của tinh dịch cá chẽm mõm nhọn
HCG với liều lượng 1000 IU/kg tại thời điểm sau 48h tiêm hormone làm tăng đáng kể thể tích tinh dịch và tổng số lượng tinh trùng trên cá thể đực.
- Ảnh hưởng của hormone kích thích sinh sản lên đặc tính sinh hóa của tinh dịch cá chẽm mõm nhọn.
Kết quả nghiên cứu này cho thấy có sự ảnh hưởng không đáng kể của loại, liều lượng, thời gian sau khi tiêm các loại hormone kích thích sinh sản lên đặc tính sinh hóa dịch tương cá chẽm mõm nhọn đực.
- Ảnh hưởng của hormone kích thích sinh sản lên hoạt lực của tinh trùng cá chẽm mõm nhọn
Ở nghiên cứu này, hormone tốt nhất để làm tăng đáng kể phần trăm hoạt lực, vận tốc và thời gian hoạt lực tinh trùng cá chẽm mõm nhọn là HCG với liều lượng 1000 IU/kg tại thời điểm sau 48h tiêm hormone.
- Ảnh hưởng của hormone kích thích sinh sản lên cấu trúc tinh trùng cá chẽm mõm nhọn
Kết quả nghiên cứu này cho thấycó sự ảnh hưởng không đáng kể của loại, liều lượng, thời gian sau khi tiêm các loại hormone kích thích sinh sản lên hình thái tinh trùng cá chẽm mõm nhọn đực.
Nội dung 3: Đánh giá chất lượng tinh trùng cá chẽm mõm nhọn thông qua bảo quản tinh trùng trong tủ lạnh
Các thông số lý học của tinh dịch cá chẽm mõm nhọn thu được tại các thời điểm giữa vụ sinh sản cho kết quả tốt nhất cụ thể: thể tích tinh dịch (1,43 ml/cá đực), mật độ tinh trùng (30,3 x 109 tb/ml), độ quánh (86,67%), hoạt lực (91,67%), vận tốc (140 µm/s), thời gian hoạt lực (225,67 s).
Hoạt lực và vận tốc tinh trùng tốt nhất khi pha loãng với tỷ lệ 1:3 và duy trì thời gian sống lên đến ngày thứ 27 đối với tinh trùng thu ở đầu và giữa vụ sinh sản. Trong khi đó, ở tỷ lệ pha loãng 1:7 tinh trùng chỉ sống đến ngày thứ 9. Đối với tinh trùng ở cuối vụ sinh sản, tỷ lệ pha loãng 1:5 cho kết quả tốt nhất với thời gian sống kéo dài đến ngày thứ 27 và thấp nhất ở tỷ lệ 1:7.
Việc bổ sung kháng sinh Gentamycin ở nồng độ 200ppm cho kết quả tốt nhất đối với tinh trùng thu ở đầu và giữa vụ sinh sản và kéo dài thời gian sống của tinh trùng lên 36 ngày và thấp nhất là 30 ngày với nồng độ 300ppm Gentamycin. Trong khi đó, tinh trùng thu ở cuối vụ sinh sản cho kết quả tốt nhất khi bổ sung 300ppm Gentamycin cũng với thời gian sống là 36 ngày và thấp nhất ở nồng độ 100ppm.
Nội dung 4: Đánh giá chất lượng tinh trùng cá chẽm mõm nhọn thông qua bảo quản tinh trùng trong nitơ lỏng.
Tinh trùng cá chẽm mõm nhọn bảo quản ở tỷ lệ 1:3 cho hoạt lực và vận tốc cao nhất (84,89±1,21% và 137,22±1,12 µm/s) và thấp nhất ở tỷ lệ 1:10 (52,00±1,57% và 135,56±1,79 µm/s).
Hoạt lực và vận tốc tinh trùng là cao nhất khi bảo quản trong ASP (84,89±1,21% và 137,22±1,12 µm/s) và thấp nhất trong RSW (34,78±2,20% và 105,56±2,03 µm/s).
DMSO ở nồng độ 10% là chất chống đông thích hợp cho bảo quản tinh trùng cá chẽm mõm nhọn với kết quả hoạt lực và vận tốc tốt nhất 84,89±1,21% và 137,22±1,12 µm/s. Trong khi đó, tinh trùng bảo quản trong Methanol ở nồng độ 20% cho kết quả thấp nhất 8,78±1,02% và 69,44±2,12 m/s.
Hoạt lực và vận tốc tinh trùng cá chẽm mõm nhọn quan sát được khi bảo quản theo quy trình 2 bước là cao nhất (84,89±1,21% và 137,22±1,12 µm/s) và thấp nhất ở quy trình làm lạnh trực tiếp (7,44±0,82% và 71,78±2,67µm/s).
Tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ nở sau khi bảo quản thu được:
+Sau 1 tuần: tỷ lệ thụ tinh: 66,93 ± 0,93% và tỷ lệ nở: 44,16 ± 1,47%
+Sau 1 tháng: tỷ lệ thụ tinh: 65,40±1,11% và tỷ lệ nở: 43,88±1,54%
+Sau 1 năm: tỷ lệ thụ tinh 65,13 ± 1,31% và tỷ lệ thụ tinh 43,24 ± 1,41%
Đánh giá chất lượng tinh trùng cá là một trong những khâu quan trọng trong sản xuất giống nhân tạo. Tuy nhiên, để có nguồn giống chất lượng cao không những chú trọng đến chất lượng tinh trùng mà còn chú ý quan tâm đến chất lượng trứng.
Thành công của dự án này giúp cung cấp nguồn tinh trùng sẵn có và ngân hàng bảo quản tinh trùng loài cá này có chất lượng cao phục vụ cho sinh sản nhân tạo loài cá này không những tại Khánh Hòa mà còn cho toàn quốc. Mục tiêu của đề tài là đánh giá chất lượng tinh trùng cá chẽm mõm nhọn thông qua thời điểm thu mẫu, tiêm hormone và bảo quản lạnh tinh trùng.
*Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14013) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.