Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) đã diễn ra tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh từ ngày 31/10 đến 13/11/2021. Đây là Hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, đồng thời là cuộc họp thứ ba của các bên tham gia Hiệp định Paris. Kết thúc Hội nghị, 197 nước đã thông qua Hiệp định Khí hậu mới (Hiệp định Glasgow) với mục tiêu giữ nhiệt độ khí quyển chỉ tăng thêm 1,50C vào giữa thế kỷ 21bằng việc cắt giảm mạnh phát thải khí nhà kính và tiến tới đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng “0” (Net-Zero) vào năm 2050. Trong thời gian tới, các nước sẽ cần phải có những hành động và giải pháp mạnh mẽ, trong đó năng lượng hạt nhân được xemlà một trong các giải pháp tiềm năng có nhiều đóng góp trong việc hiện thực hóa mục tiêu đầy tham vọng này.
Nhìn lại lịch sử, Hội nghị COP21 năm 2015 là thời điểm chứng kiến sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và sự đồng thuận của chính phủ các nước trong hợp tác toàn cầu để giải quyết thách thức biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị COP21, đã có hơn 190 nước tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (sau đó có trên 200 nước tham gia) với cam kết sẽ nỗ lực tối đa để hạn chế nền nhiệt toàn cầu tăng dưới ngưỡng 20C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.
Trong những năm qua, các nước đã có nhiều hành động tích cực để thực hiện cam kết của Hiệp định Paris nhưng vẫn là chưa đủ. Tình trạng ô nhiễm khí thải carbon vẫn gia tăng, các mức nhiệt qua thời gian cũng chạm những ngưỡng cao mới, những kỷ lục về nhiệt độ xuất hiện với mật độ ngày càng dày đặc. Bên cạnh đó, khả năng đạt được các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris càng trở nên xa vời khi nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donal Trump đơn phương rút khỏi Hiệp định.Theo cơ chế được nêu trong Hiệp định Paris, sau mỗi 05 năm, các quốc gia tham gia sẽ đánh giá lại quá trình thực hiện các cam kết đồng thời đưa ra các mục tiêu mới về chống biến đổi khí hậu và nâng mức cam kết cắt giảm khí thải nhà kính. Cơ chế này cùng với sự “trở lại” của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã mang lại nhiều hy vọng trong việc từng bước hiện thực hóa các mục tiêu của Hiệp định Paris tại COP26.
Hội nghị COP26 về cơ bản đã thành công khi thông qua được Hiệp định Khí hậu mới nhưng việc phải kéo dài thêm một ngày (dự kiến kết thúc vào ngày 12/11/2021) và việc phải điều chỉnh câu chữ từ “xóa bỏ dần than đá - coal phase-out” thành “giảm dần than đá - coal phase-down” trong Hiệp định Glasgow cho thấy việc lựa chọn giữa môi trường hay ưu tiên phát triển kinh tế luôn là vấn đề khó khăn đối với các nước, nhất là các nước đang phát triển và đặc biệt trong bối cảnh bức thiết cần khôi phục phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Các quốc gia sẽ cần các hành động và các giải pháp mạnh mẽ hơn nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế (trong đó có yêu cầu về phát triển năng lượng) đồng thời vẫn đảm bảo các mục tiêu đã cam kết của Hiệp định. Trong bối cảnh này, năng lượng hạt nhân đang là một trong những giải pháp tiềm năng mà các nước có thể xem xét vì nó đáp ứng cả hai tiêu chí về phát triển kinh tế và đảm bảo thực hiện các cam kết về môi trường.
Báo cáo đặc biệt của IAEA “Nuclear energy for a Net zero World”.
Trước Hội nghị COP26, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã phát hành Báo cáo đặc biệt “Năng lượng hạt nhân vì một thế giới không phát thải khí nhà kính” trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của năng lượng hạt nhân trong việc đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris và Chương trình nghị sự đến năm 2030 của Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững. Theo báo cáo của IAEA, trong 5 thập kỷ qua,năng lượng hạt nhân đã tránh cho toàn cầu phát thải một lượng tích lũy khoảng 70 tỉ tấn CO2 và hiện tiếp tục tránh phát thải khoảng 1 tỉ tấn CO2 mỗi năm. Năng lượng hạt nhân đóng vai trò quan trọng để đạt được mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng “0” bằng cách đảm bảo cung cấp năng lượng 24/7, mang lại sự ổn định, tin cậy cho lưới điện, tạo điều kiện tích hợp nhiều hơn vào lưới điện các dạng năng lượng tái tạo như gió và năng lượng mặt trời nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Ngoài ra, năng lượng hạt nhân với tư cách là nguồn cung cấp điện không phát thải carbon rất thích hợp để thay thế than đá và các dạng nhiên liệu hóa thạch khác, đồng thời cung cấp nhiệt và hydro để loại bỏ dần carbon trong các lĩnh vực khó giảm thiểu như công nghiệp, hóa chất, giao thông vận tải… Không chỉ có vậy, điện hạt nhân với tỷ lệ hiện nay khoảng 10% tổng điện năng toàn cầu đã tạo ra hơn 800.000 việc làm cho thế giới. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế, các khoản đầu tư vào năng lượng hạt nhân tạo ra tác động kinh tế lớn hơn so với vào các dạng năng lượng khác, khiến nó trở thành một trong những giải pháp hiệu quả nhất để phục hồi kinh tế bền vững cũng như chuyển đổi sang hệ thống năng lượng không phát thải CO2. Đây là những lý do quan trọng khiến cho năng lượng hạt nhân dù trải qua nhiều biến cố song vẫn luôn có vị trí quan trọng trong các cuộc thảo luận về chính sách năng lượng và khí hậu của các nước. Theo đánh giá của IAEA, sau khi đại dịch Covid-19 qua đi, năng lượng hạt nhân có thể là một trong những khoản đầu tư hiệu quả nhất cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu, đóng góp trực tiếp vào các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc về năng lượng, mở rộng phát triển kinh tế và hành động vì khí hậu. Cũng trong Báo cáo của IAEA, 09 quốc gia bao gồm Canada, Trung Quốc, Phần Lan, Pháp, Nhật Bản, Ba Lan, Nga, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã đưa ra các tuyên bố ủng hộ vị trí và đóng góp của năng lượng hạt nhân đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ở những quốc gia phát triển, năng lượng hạt nhân từ lâu đã là nguồn cung cấp năng lượng carbon thấp chiếm tỷ lệ lớn trong hệ thống lưới điện. Tuy đánh mất vị thế là lựa chọn hàng đầu sau sự cố tại Fukushima năm 2011, năng lượng hạt nhân vẫn tiếp tục phát triển dù chậm hơn so với các dạng năng lượng carbon thấp khác. Nhiều dự án điện hạt nhân mới hoặc mở rộng tại nhiều nước đã được xem xét và triển khai. Năm 2020, số lượng các quốc gia thành viên IAEA vận hành nhà máy điện hạt nhân đã tăng lên 32 nước sau khi Belarus và UAE đấu nối thành công nhà máy điện hạt nhân đầu tiên lên lưới điện. 19 trong số 32 nước này đang có dự án xây mới hoặc mở rộng công suất điện hạt nhân quốc gia. Khoảng 50 lò phản ứng hạt nhân đã được lên kế hoạch hoặc đang được xây dựng. Khoảng 30 nước khác đang bắt đầu tham gia hoặc xem xét việc phát triển điện hạt nhân. Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ đang triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên theo đúng tiến độ đề ra. Đây có thể coi là những bước nhỏ nhưng chắc chắn trong giai đoạn 10 năm “khó khăn” của ngành năng lượng hạt nhân trên thế giới.
Thống kê số lượng lò phản ứng hạt nhân sản xuất điện hoạt động trên thế giới (sau giai đoạn đóng cửa hàng loạt bởi sự cố Fukushima, từ 2012 đến nay nhiều lò phản ứng đang được khởi động lại hoặc đưa vào vận hành mới) (Nguồn. WNA, IAEA Pris).
Để đạt được mục tiêu Net-Zero là không hề dễ dàng khi mà thế giới hiện vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các dạng năng lượng hóa thạch, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Với sự tiến bộ về công nghệ, các dạng năng lượng tái tạo mới như gió, mặt trời, thủy triều, sinh khối, địa nhiệt… ngày càng có giá thành cạnh tranh và xuất hiện nhiều hơn trong kế hoạch phát triển của các nước. Tuy nhiên, sự “không ổn định” của năng lượng tái tạo khiến cho chúng không bao giờ được chọn để vận hành phụ tải đáy trong các hệ thống lưới điện. Ngoài ra, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và yêu cầu về đa dạng hóa nguồn cấp phát điện, các nước vẫn cần những nguồn cung năng lượng ổn định, công suất lớn để chiếm một tỉ lệ nhất định trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Với những ưu điểm vượt trội như tuổi thọ cao đến 60 năm, tỷ lệ chi phí nhiên liệu trong giá thành thấp, diện tích đất sử dụng ít, công nghệ đã được phát triển hoàn thiện tối ưu…, năng lượng hạt nhân đang có nhiều cơ hội trở thành giải pháp tiềm năng đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa tham vọng Net-Zero của các nước.