PGS.TS. Lê Tất Khương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết hoa lan hồ điệp ưa khí hậu mát mẻ, nếu nuôi tự nhiên sẽ ra hoa vào tháng 3 hàng năm, hoa nở rải rác không đồng đều, chỉ 35,5% số cây cho hoa nở một lần. Điều này đặt ra bài toán cho các nhà khoa học để có lượng lớn hoa lan hồ điệp cung cấp vào đúng dịp nhu cầu thị trường cao như lễ tết, kiểm soát được thời gian nở của hoa theo ý muốn khiến giá trị của hoa cao hơn.
Nhận thấy thị trường lan quý có thể mang lại giá trị kinh tế, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đã nghiên cứu nhân giống và hoàn thiện quy trình, ứng dụng công nghệ nuôi trồng lan hồ điệp thương phẩm trong nhà lưới hiện đại. Theo PGS Khương, với trang bị công nghệ hiện đại gồm các cảm biến nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng giúp khắc phục được sự bất thuận của thời tiết, có độ an toàn cao.
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện nhân giống trên lan hồ điệp LVR2, LVR4 và Tiểu Kiều Tím và một số giống hoa lan hồ điệp nhập nội từ Đài Loan. Để tạo ra lượng giống lớn, công nghệ nhân giống tối ưu là nuôi cấy mô tế bào. "Phương pháp nuôi cấy mô tế bào có ưu điểm cho ra lượng lớn cây giống sạch bệnh, có độ đồng đều cao, đáp ứng được số lượng, chất lượng giống cho sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao", PGS Khương nói.
Nhóm nghiên cứu thực hiện điều chỉnh nhiệt độ và thời gian để kiểm soát chính xác ngày hoa nở. Mức nhiệt tối ưu được chọn là hạ nhiệt độ ban đêm duy trì 16-18 độ C, ban ngày là 20-24 độ C, trong khoảng 33 ngày, cây có tỷ lệ bật ngồng cao nhất. Sau khi xử lý ra hoa duy trì ở nhiệt độ ổn định mức 22-24 độ C, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Lan hồ điệp ra hoa đều và chất lượng hoa tốt hơn so khoảng thời gian và mức nhiệt khác.
Nhờ công nghệ mới, dự án đã xây dựng mô hình nhân giống hoa lan hồ điệp quy mô 30.000 cây/năm, chiều cao cây đạt từ 4-5cm; cây giống được đưa vào sản xuất cây thương phẩm quy mô 20.000 cây/năm, số lượng hoa/cành đạt được 14 bông trên mỗi cành, tối thiểu là 8 bông. "Việc trồng hoa ở mọi thời vụ trong năm, ra hoa theo ý muốn với chất lượng đồng đều mang hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần", PGS Khương cho biết.
Mô hình liên kết sản xuất và thương mại giống và hoa lan hồ điệp mang lại hiệu quả cao. Trong ba năm, dự án ươm nuôi được 90.000 cây hoa lan hồ điệp giống, sản xuất bán ra thị trường 60.000 lan thương phẩm.
Ông Nguyễn Văn Lam, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng cho biết, công nghệ mới có tính khoa học và thực tiễn cao, giá trị kinh tế khi tăng 30-50% đối với nhân giống hoa lan. Giống có độ đồng nhất cao, tỷ lệ sống cao, giúp sản xuất với quy mô lớn, giảm chi phí đầu vào. "Đối với hoa lan thương phẩm việc áp dụng phương pháp xử lý ra hoa tại chỗ giảm 20% chi phí đầu vào, hoa nở đều đẹp chất lượng tốt, có thể kiểm soát ra hoa chính xác ngày theo ý muốn", ông nói.
Đây là một phần kết quả của dự án "Hoàn thiện và ứng dụng quy trình sản xuất giống, thâm canh bơ, bưởi, cam, hoa lan hồ điệp và liên kết tiêu thụ sản phẩm quy mô hàng hóa ở một số tỉnh phía Bắc" do Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng chủ trì, thực hiện từ năm 2017 đến tháng 12/2020. Quá trình triển khai, dự án có những đóng góp mới về công nghệ trong đó hoàn thiện kỹ thuật ủ mắt ghép trong quy trình nhân giống bơ, bưởi và cam, quy trình thâm canh nâng cao chất lượng quả bơ, bưởi đồng thời đưa ra các định hướng phát triển cây ăn quả trên vùng gò, đồi, vùng bán sơn địa khu vực miền Bắc. Kết quả nghiên cứu góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa mang lại giá trị gia tăng cao và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Nhóm cũng xây dựng mô hình nhân giống cây bơ (số lượng 10.000 cây/năm), bưởi-cam (số lượng 50.000 cây/năm) có tính ứng dụng cao vào thực tiễn sản xuất. Đã có 2 mô hình liên kết với doanh nghiệp để sản xuất và thương mại hóa sản phẩm được xây dựng từ kết quả này.
"Mô hình nhân giống cây ăn quả của dự án cho giá trị kinh tế tăng hơn 20% so với mô hình phổ biến tại địa phương. Mô hình thâm canh cam, bưởi, cho quả chất lượng tốt số lượng quả loại 1 tăng 25-30% so với mô hình thông thường", ông Lam cho biết thêm.
PGS Khương cho biết, dựa trên các kết quả này, nhóm sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình của dự án, chuyển giao công nghệ cho người dân và doanh nghiệp tại các tỉnh phía Bắc nhân giống hoa lan hồ điệp và hoa lan hồ điệp thương phẩm, cũng như với các cây ăn quả bơ, bưởi cam để sản xuất cung cấp cho thị trường.
Thông tin về các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, xin liên hệ: - Văn phòng các Chương trình khoa học và Công nghệ quốc gia – Bộ Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 113 - Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: (84.24) 3.5551.726 – Fax: (84.24) 3.5551.725. Email: vpctqg@most.gov.vn. Webiste:http://vpctqg.gov.vn
|
Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/nha-khoa-hoc-dung-cong-nghe-ep-lan-ho-diep-ra-hoa-nhu-y-4379921.html