Thứ hai, 01/11/2021 16:29 GMT+7

Nghiên cứu trong lĩnh vực viễn thám được thế giới quan tâm nhiều nhất

Đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, TS Nguyễn Kim Anh - nhà khoa học của Viện Địa lý vừa được Hội Địa Vật lý Nhật Bản (JPGU) trao tặng Giải thưởng “Bài báo khoa học được nhiều người quan tâm nhất năm 2021”. Đây là niềm vinh dự đối với nhà khoa học trẻ trên chặng đường đóng góp tri thức cho cộng đồng khoa học thế giới.

TS Nguyễn Kim Anh nhận giải thưởng “Bài báo khoa học được nhiều người quan tâm nhất năm 2021”.

Bài báo của TS Nguyễn Kim Anh và cộng sự có tên là “Đánh giá độ mặn của đất bằng cách sử dụng kênh cận hồng ngoại và chỉ số độ mặn của thực vật chiết xuất từ dữ liệu ảnh vệ tinh landsat 8 OLI: một nghiên cứu thí điểm ở Trà Vinh, đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam”. Bài báo được đăng ở tạp chí Progress in Earth and Planetary Science (PEPS) - tạp chí uy tín của Nhật Bản, có hệ số ảnh hưởng cao. PGS, TS Hà Quý Quỳnh, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, giải thưởng được xét duyệt dựa trên chất lượng bài báo, tính quan trọng của nội dung nghiên cứu và số lượt bạn đọc tải, trích dẫn. Sau một năm công bố, đến nay, bài báo đã có 18 nghìn lượt đọc, 26 lượt trích dẫn (theo số liệu của Google Scholar), vượt qua 66 bài báo chất lượng đăng trên tạp chí nổi tiếng này. Trong khi đó, trung bình lượt trích dẫn của một bài báo quốc tế có chất lượng lĩnh vực viễn thám có khoảng vài chục đến một trăm lượt.

Chia sẻ về giải thưởng, TS Nguyễn Kim Anh cho biết, đây là vinh dự trong cuộc đời làm khoa học của mình. Nhiều bài báo của tác giả đã đăng tải công khai nhiều năm nay nhưng số lượt đọc, trích dẫn vẫn dừng ở con số vài trăm. Sở dĩ bài báo thu hút được lượng đọc, trích dẫn kỷ lục là do vấn đề nghiên cứu có tính thời sự, đó là mức độ nhiễm mặn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long. Đồng bằng sông Cửu Long được nhiều người trên thế giới biết đến vì là vựa lúa phục vụ nhu cầu lương thực của Việt Nam và xuất khẩu, gắn liền với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Giá trị nhất của nghiên cứu là đưa ra được phương pháp đánh giá tình trạng đất nhiễm mặn dựa trên ảnh vệ tinh viễn thám. Đây là phương pháp hoàn toàn mới, độ chính xác cao và tiết kiệm thời gian, chi phí hơn các phương pháp truyền thống khác. 

Ảnh vệ tinh được nhóm khai thác miễn phí từ ảnh vệ tinh landsat 8, được lọc nhiễu để loại bỏ các yếu tố ảnh hưởng như ngoại cảnh khí hậu, thời tiết, từ đó tăng chất lượng và độ chính xác của hình ảnh khi đánh giá. Do mỗi đối tượng trên ảnh vệ tinh đều có giá trị phản xạ riêng, nhóm đã sử dụng công cụ chuyên dụng để phân tích các phản xạ từ các đối tượng thực vật, tính toán ra các thông tin về độ nhiễm mặn bằng các chỉ số như: độ mặn của thực vật, thực vật được điều chỉnh trong đất… Các chỉ số được so sánh với số liệu khảo sát thực địa, và kết quả cho thấy độ tương quan và đồng nhất cao. Từ phương pháp mới này, bài báo đã chứng minh ảnh vệ tinh có tiềm năng cao trong việc giám sát bề mặt không gian về mặt vật lý độ mặn của đất ở lớp đất trên cùng. Phương pháp này có thể ứng dụng để hỗ trợ tối ưu cho các cơ quan quản lý về tình hình nhiễm mặn để kịp thời có kế hoạch trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

TS Nguyễn Kim Anh cho biết, do cùng chung vấn đề “nóng” về biến đổi khí hậu ở khu vực, cho nên các nhà khoa học ở châu Á trích dẫn bài báo nhiều nhất, như Ấn Độ, Trung Quốc, Iran, Srilanka, Qatar,… Bài báo đã đóng góp tri thức mới cho cộng đồng khoa học thế giới, từ đó có thể mở ra những hướng nghiên cứu mới cho các nhà khoa học. Với nhóm nghiên cứu, bài báo là bước khởi đầu để nhóm tiếp tục phát triển phương pháp đo có ứng dụng trí tuệ thông minh nhân tạo để tính toán nhanh chóng, chính xác hơn.

Kiên trì hướng nghiên cứu về đánh giá độ tổn thương môi trường sinh thái, đến nay, TS Nguyễn Kim Anh đã gặt hái được những thành công được đồng nghiệp đánh giá cao. Trong 5 năm gần đây, TS Nguyễn Kim Anh là tác giả của ba cuốn sách, 13 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI, 10 bài báo hội nghị quốc tế, hơn 50 bài thuyết trình hội nghị quốc tế, 12 giải thưởng khoa học quốc tế. Nghiên cứu khoa học, nhất là những chuyến đi thực địa mở ra cho Nguyễn Kim Anh nhiều ý tưởng mới, khao khát biến những ý tưởng thành hiện thực để khoa học ngày càng phục vụ  nhiều hơn cho cuộc sống. 

Một trong những ấp ủ hiện nay của TS Nguyễn Kim Anh là ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm xây dựng hệ không gian số cho toàn bộ cây xanh đô thị Việt Nam để kiểm soát và quản lý cây xanh trực tuyến, trực quan qua hệ thống thông tin địa lý GIS. Dựa vào đó, xây dựng cơ sở dữ liệu giám sát sự sinh trưởng, phát triển và thay đổi của không gian xanh, nhất là theo dõi cây xanh trong mùa mưa bão để có các hành động kịp thời. Công nghệ cũng sẽ cho phép người dân cùng tham gia quản lý cây xanh, báo cho cơ quan quản lý biết tình trạng cây xanh thông qua ứng dụng. Ý tưởng đó xuất phát từ một nghiên cứu mà TS Nguyễn Kim Anh và các cộng sự ở nước ngoài đã nghiên cứu, áp dụng ở nước ngoài.

Liên kết nguồn tin:

https://nhandan.vn/nhan-vat/nghien-cuu-trong-linh-vuc-vien-tham-duoc-the-gioi-quan-tam-nhieu-nhat-671787/

 

 

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử

Lượt xem: 2646

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)