Thứ ba, 02/11/2021 15:24 GMT+7

Hội đồng tư vấn giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện dự án Khoa học và Công nghệ cấp cơ sở năm 2022 của tỉnh Cao Bằng

Ngày 28/10/2021, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng đã tổ chức hội đồng tư vấn giao trực tiếp dự án Khoa học và Công nghệ cấp cơ sở năm 2022: “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển cây dược liệu Cát Sâm (Callerya speciosa (Champ. ex Benth.) Schot) đạt năng suất và chất lượng cao tại tỉnh Cao Bằng” đã được tiến hành.

Dự án do Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Ông Lương Đức Tố, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng là Chủ tịch Hội đồng.
 

Ông Lương Đức Tố - Phó Giám đốc Sở KHCN Cao Bằng – Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo cuộc họp

Tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Thị Thu – Chủ nhiệm dự án - Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt thuyết minh của dự án.

Cát Sâm (Callerya speciosa) là 1 trong 100 cây dược liệu có giá trị Y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển giai đoạn 2020 – 2030 (Quyết định số 3657/ QĐ-BYT, ngày 20/8/2019). 

Cát Sâm (Callerya speciosa) là loài cây làm thuốc quý hiếm thuộc họ Đậu (Fabaceae), có trong Sách đỏ Việt Nam (2007) cần có biện pháp khai thác hợp lý, đồng thời đưa vào trồng trọt để bảo vệ nguồn gen và phát triển.

Về giá trị theo Y học cổ truyền, rễ củ của Cát Sâm được dùng làm thuốc có tác dụng thông kinh hoạt lạc, bổ nhuận phế, chữa cơ thể suy nhược, kém ăn, ho nhiều đờm, nhức đầu, sốt, bí tiểu tiện. 

Cao Bằng là tỉnh được thiên nhiên tạo nên sự đa dạng sinh học cao, nơi sinh trưởng hơn 617 loài cây thuốc quý; trong đó có nhiều loại cây thuốc quý đạt tiêu chuẩn cao về hàm lượng, công dụng y học và giá trị kinh tế. Tuy nhiên, nguồn dược liệu quý ở địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện đang đứng trước nguy cơ suy giảm cạn kiệt; trong khi, việc nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn cây dược liệu quý hiện vẫn chưa được quan tâm ưu tiên tập trung phát triển.

Trong tự nhiên, cây Cát Sâm phân bố ở một vài tỉnh phía Bắc Việt Nam và hiện nay ghi nhận được phân bố ở tỉnh Cao Bằng, như ở xã Cai bộ, huyện Quảng Hòa. Tỉnh Cao Bằng hiện đang có chủ trương tập trung ưu tiên phát triển cây con đặc sản tạo sản phẩm có lợi thế so sánh để phát triển kinh tế xã hội vùng nông thôn miền núi Cao Bằng.

Chính vì vậy mà đề tài tập trung ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển cây dược liệu Cát Sâm với mục tiêu: Đánh giá thực trạng cây dược liệu Cát Sâm trên địa bàn tỉnh, xây dựng được mô hình trồng cây dược liệu Cát Sâm (Callerya speciosa (Champ. ex Benth.) Schot) và đề xuất giải pháp phát triển cây dược liệu Cát Sâm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
 

TS. Nguyễn Thị Thu – Chủ nhiệm dự án – Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt thuyết minh dự án

Qua xem xét hồ sơ của cá nhân, tổ chức đăng ký chủ trì thực hiện dự án khoa học công nghệ “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển cây dược liệu Cát Sâm (Callerya speciosa (Champ. ex Benth.) Schot) đạt năng suất và chất lượng cao tại tỉnh Cao Bằng”, Hội đồng đã đánh giá cao thuyết minh dự án được xây dựng khá chi tiết, có tính khoa học và tính thực tiễn cao, nêu được khái quát về tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến nội dung nghiên cứu của dự án, luận giải rõ ràng về tính cấp thiết phải thực hiện dự án. Nội dung nghiên cứu bám sát mục tiêu và yêu cầu đặt hàng. Phương pháp nghiên cứu phù hợp với các nội dung đề ra. Sản phẩm khoa học dự kiến đạt được có định lượng cụ thể. Tổ chức và các cá nhân đăng ký tham gia thực hiện có đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai đề tài. Đồng thời, yêu cầu chủ nhiệm và nhóm thực hiện nhiệm vụ chỉnh sửa một số nội dung, rà soát kinh phí cho phù hợp với nội dung nghiên cứu theo ý kiến của các thành viên Hội đồng để hoàn thiện thuyết minh, triển khai thực hiện.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Thị Thu đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý của Hội đồng và chỉnh sửa trong đề cương sắp tới.

Nguồn: Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng

Lượt xem: 1177

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)