Thứ tư, 27/10/2021 17:36 GMT+7

Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội truyền thống danh tướng Phạm Tử Nghi trên địa bàn quận Lê Chân

Ngày 26/10/2021, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị tư vấn, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố: “Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống danh tướng Phạm Tử Nghi trên địa bàn quận Lê Chân”. Thạc sĩ Nguyễn Văn Phiệt, Phó Bí thư Quận uỷ - Chủ tịch UBND quận làm chủ nhiệm đề tài; Bà Đào Khánh Hà - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy làm Chủ tịch Hội đồng.


Thạc sỹ Nguyễn Văn Phiệt - Chủ tịch UBND quận Lê Chân, Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo trước Hội nghị

 

Nghiên cứu cho thấy, trong 66 di tích thờ Phạm Tử Nghi ở 11/14 quận, huyện trên địa bàn thành phố, quận Lê Chân được coi là nơi thờ chính với 7 di tích tại 5 địa phương Trong đó, có 5 di tích tiêu biểu tạo nên một quần thể di tích thờ danh tướng. Lễ hội tưởng niệm công đức danh tướng Phạm Tử Nghi tại quận Lê Chân được tổ chức từ ngày 2/2 đến ngày 15/2 để kỷ niệm ngày sinh; từ 4/9 đến ngày 14/9 âm lịch hàng năm để kỷ niệm ngày mất của Ông. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị, ý nghĩa tốt đẹp, lễ hội danh tướng Phạm Tử Nghi còn tồn tại các hạn chế, như: phát triển xa dần nội dung truyền thống, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập...



Đào Khánh Hà - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy làm Chủ tịch Hội đồng kết luận Hội nghị
 

Từ thực trạng đó, nhóm tác giả đề xuất 03 nhóm giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống danh tướng Phạm Tử Nghi trên địa bàn quận. (1) Về mô hình tổ chức lễ hội, nhấn mạnh việc phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng, cơ quan quản lý cũng  như các tổ chức chính trị, xã hội trong tổ chức lễ hội (Hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, đào tạo nguồn nhân lực nhằm kiện toàn, nâng cao năng lực trong việc hướng dẫn tổ chức, quản lý và phục dựng lễ hội. Tạo điều kiện cho các nghệ nhân tham gia các khoa tập huấn nâng cao nhận thức, tổ chức truyền dạy, quảng bá di sản…). (2) Về nội dung và nghi thức tổ chức lễ hội, cần tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và ý kiến đóng góp của cộng đồng dân cư, từ đó ban hành quy trình thống nhất để tổ chức thực hiện. (3) Về đầu tư, quản lý sử dụng tài chính, cơ sở vật chất của lễ hội, cần xây dựng cơ chế chính sách trong đầu tư tài chính, cơ sở vật chất nhằm đẩy mạnh xã hội hóa trong tổ chức lễ hội; xây dựng các dự án, đề án về bảo tồn, phục hồi lễ hội và các di tích thờ tự để thu hút nguồn tài chính, cơ sở vật chất khác; thực hiện thành lập Tổ chức tiếp nhận và quản lý nguồn kinh phí tài trợ dưới sự giám sát của cộng đồng và nhân dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động của các cơ sở di tích và lễ hội nhằm giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội…

Kết quả nghiên cứu của đề tài được Hội đồng khoa học thành phố đánh giá cao, đạt loại Xuất sắc nhờ ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong việc bảo tồn, quản lý, phát huy giá trị lễ hội truyền thống quận Lê Chân. Đây là cơ sở để quận nâng cấp lễ hội; đồng thời, góp phần giáo dục giá trị nhân văn sâu sắc cho cộng đồng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội quận Lê Chân nói riêng, thành phố nói chung trong thời gian tới./.

 

Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng

Lượt xem: 767

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)