Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Chiều 21/10, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Bên lề hành lang của Quốc Hội, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt về dự án Luật này.
Từ khi được ban hành năm 2005 đến nay, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt, đó là tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này là rất cần thiết. Tại sao vậy, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Đúng vậy, bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005. Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra loại tài sản này để phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Trong khi đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2009 và năm 2019 chủ yếu để đáp ứng các cam kết khi gia nhập WTO và thi hành các cam kết ngay khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, vì vậy, chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho việc đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Điều này đã được thể hiện trong các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay với việc Việt Nam tham gia nhiều điều ước quốc tế, trong đó đòi hỏi nâng cao đáng kể mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, điển hình là Hiệp định CPTPP và Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Những cam kết quốc tế này phải được nội luật hóa thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ.
Việc sửa đổi sẽ được thực hiện theo hướng nào để phát huy vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khai thác quyền sở hữu trí tuệ và đặc biệt là nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ được thực hiện theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Nội dung sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ lần này cơ bản sẽ tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn, bao gồm: Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền; Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước; Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền; Bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng; Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; Nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.
Đối với các tài sản trí tuệ hình thành từ các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước, lợi ích của người có bằng sáng chế và lợi ích Nhà nước được bảo đảm tính công bằng ra sao trong việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Đối với các đề xuất sửa đổi nhằm thực hiện chính sách khuyến khích tạo ra, khai thác tài sản trí tuệ do Nhà nước đầu tư, dự thảo Luật đề xuất giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH&CN được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc sau:
Thứ nhất, trao quyền đăng ký tự động và không bồi hoàn để sau đó các tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước trở thành chủ văn bằng bảo hộ đối với các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thiết kế bố trí sẽ tạo động lực rất lớn cho các tổ chức này thực hiện các thủ tục xác lập quyền sớm nhất cũng như thực hiện các biện pháp để bảo vệ, khai thác các tài sản này. Với tư cách là chủ văn bằng bảo hộ, tổ chức chủ trì sẽ có quyền sở hữu, sử dụng, cho phép người khác sử dụng, ngăn cấm... Trên cơ sở các quyền này, tổ chức chủ trì có thể chủ động khai thác, chuyển giao quyền hay hợp tác với doanh nghiệp để thương mại hóa thu lợi nhuận và các lợi ích khác.
Thứ hai, khi các hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được thúc đẩy thì Nhà nước thu được thuế từ hoạt động này; đồng thời bảo đảm thực hiện được các mục tiêu chính sách như tạo ra công ăn việc làm cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Đối với việc phân chia lợi ích cho tác giả, Điều 122 và Điều 135 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành đã có quy định bảo đảm lợi ích cho các tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí. Cụ thể, trừ trường hợp có thỏa thuận khác, mức thù lao tối thiểu mà tác giả nhận được sẽ là 10% số tiền làm lợi mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và 15% tổng số tiền chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng.
Từ đó, Nhà nước thực hiện được mục tiêu lớn là tăng cường hiệu quả đầu tư cho KH&CN, nâng cao năng lực nội sinh về KH&CN, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên tri thức.
Phù hợp với chuyển đổi số và những cam kết trong các FTA thế hệ mới
Mới đây, khi cho ý kiến về một số điều sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý xem xét, bổ sung nội dung chuyển đổi số cần quy định trong Luật. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này thế nào?
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Liên quan đến chuyển đổi số, tại lần sửa đổi năm 2019, Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định cho phép việc nộp đơn sở hữu công nghiệp trực tuyến tại Điều 89. Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã nâng cấp và hiện đang duy trì ổn định hệ thống nộp đơn điện tử đăng ký sở hữu công nghiệp ở cấp độ 4.
Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã triển khai số hóa các đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp từ trước tới nay và hiện nay, hệ thống cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp liên tục được cập nhật và công khai trực tuyến trên mạng internet tại địa chỉ http://iplib.ipvietnam.gov.vn/. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, từ năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã triển khai bổ sung thêm công cụ tra cứu trực tuyến Wipopublish với nhiều tính năng ưu việt và đồng bộ với thế giới khi hệ thống này được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới hỗ trợ triển khai tại nhiều quốc gia (địa chỉ công cụ tra cứu trực tuyến Wipopublish tại http://wipopublish.ipvietnam.gov.vn/). Dựa trên kết quả tra cứu, cá nhân, tổ chức có thể đánh giá khả năng bảo hộ đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp hoặc sáng chế mà mình có nhu cầu đăng ký bảo hộ.
Bộ KH&CN sẽ tiếp tục rà soát và nghiên cứu để có thể đề xuất Chính phủ xem xét, sửa đổi thêm các quy định về vấn đề thông tin sở hữu công nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc khai thác thông tin của xã hội.
Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhất là với những nước phát triển, đem lại điều gì cho Việt Nam trong việc phát huy các lợi ích từ thực thi quyền sở hữu trí tuệ, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vốn dĩ được coi là một công cụ để khuyến khích, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, chống cạnh tranh không lành mạnh để đưa các sản phẩm sáng tạo, đặc biệt là công nghệ mới để phát triển kinh tế, phục vụ đời sống xã hội.
Do đó, đáp ứng cam kết về sở hữu trí tuệ trong các FTA thế hệ mới với một chế độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao, bên cạnh việc góp phần tạo ra một môi trường tốt có khả năng thu hút chuyển giao công nghệ của nước ngoài để nâng cao chất lượng sản phẩm quốc nội, tạo điều kiện từng bước nâng cao năng lực công nghệ nội sinh thì còn tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp Việt Nam trong việc hưởng lợi ích đối với thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo.
Cụ thể là: Quyền được bảo hộ rộng hơn, dễ dàng hơn; thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp minh bạch, công bằng và hợp lý hơn… Khi thực thi một cách có hiệu quả các cam kết có lợi ích thì các hành vi xâm phạm sẽ được xử lý nghiêm minh hơn, tạo dựng lòng tin về một môi trường kinh doanh lành mạnh và cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, cơ hội, lợi ích cũng luôn đi kèm thách thức, khó khăn. Bên cạnh những lợi ích phải đánh đổi để tạo khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội xâm nhập được thị trường quốc tế thì những khó khăn, thách thức trong tiến trình hội nhập cũng sẽ ngày càng nhiều. Việc tận dụng cơ hội, giảm thiểu thách thức hay cao hơn là biến thách thức trở thành cơ hội là công việc cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của cả Nhà nước, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức khác trong xã hội. Có như thế, Việt Nam mới có thể thực sự hưởng lợi từ nỗ lực hội nhập của mình.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Bo-truong-Huynh-Thanh-Dat-Viet-Nam-khong-con-thuan-tuy-la-nuoc-su-dung-tai-san-tri-tue/450339.vgp