Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo còn có Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward, Trưởng Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam Christian Manhart, các nhà khoa học, quản lý đến từ Bộ KH&CN, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam... Kết nối trực tuyến với Hội thảo từ các đầu cầu nước ngoài có các chuyên gia quốc tế về khoa học mở, về sở hữu trí tuệ của UNESCO, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Vương quốc Anh.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh, khoa học mở chính là cách thức chia sẻ tri thức, kết quả nghiên cứu khoa học với mong muốn tạo ra “không gian” tri thức đóng góp cho cộng đồng, lan tỏa những tiến bộ nhân loại cho mọi người dân trên toàn thế giới. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ chặt chẽ hơn nữa từ UNESCO, Vương quốc Anh để hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam tiếp tục trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030. Khoa học mở sẽ trở thành một cách thức tiếp cận mới để tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các đề án quốc gia quan trọng như Đề án Hệ tri thức Việt số hóa… thông qua việc hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung trong cả nước.
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho rằng khoa học mở sẽ tạo điều kiện cho mọi người dân có thể tiếp cận với dữ liệu, kết quả nghiên cứu khoa học, công bố khoa học với sự tham gia của giới khoa học toàn cầu, giúp cho xã hội ngày càng phát triển minh bạch và lành mạnh hơn. Với mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong 7 năm qua, hai bên đã có sự hợp tác tích cực trong việc chia sẻ thông tin dữ liệu, kinh nghiệm điều trị Covid 19 thông qua Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và trường Đại học Oxford của Vương quốc Anh. Đại sứ hy vọng sẽ tiếp tục có nhiều dự án hợp tác thiết thực, tạo tiền đề thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa hai nước về lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.
Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia hiệu quả của Việt Nam vào các hoạt động của UNESCO thời gian qua, đặc biệt là những đóng góp tích cực đối với Dự thảo Khuyến nghị Khoa học mở của UNESCO. UNESCO sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực trẻ cũng như hợp tác chặt chẽ trong việc thúc đẩy chuỗi hoạt động về khoa học mở tại Việt Nam trong tương lai.
Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo đã được nghe các bài trình bày của các chuyên gia về khuyến nghị khoa học mở của UNESCO và các cơ hội, thách thức đối với các quốc gia cũng như đối với KH&CN Việt Nam, về cách tiếp cận khoa học mở của Vương quốc Anh, về khoa học mở và các vấn đề liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và về tạp chí truy cập mở. Hội thảo đã tạo được diễn đàn chia sẻ quan điểm, gợi mở những giải pháp về chính sách để thúc đẩy việc áp dụng khoa học mở Việt Nam nhằm tận dụng và khai thác tối đa các cơ hội mà khoa học mở mang lại, qua đó, giúp phát triển tiềm lực, trình độ KH&CN của đất nước trong giai đoạn tới.
Các diễn giả và bài trình bày
Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt, khi tài liệu Khuyến nghị về Khoa học mở của UNESCO đã được hoàn thiện và dự kiến trình thông qua tại Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 vào tháng 11/2021 sắp tới. Đây cũng là mở đầu cho các hoạt động về khoa học mở trong các lĩnh vực chuyên sâu như sở hữu trí tuệ, dữ liệu mở, truy cập mở,... tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy khoa học mở tại Việt Nam trong thời gian tới.
Đại hội đồng lần thứ 40 UNESCO (tháng 11/2019), 193 quốc gia thành viên đã giao cho UNESCO xây dựng một bộ công cụ tiêu chuẩn hóa về khoa học mở ở dạng Khuyến nghị Khoa học mở của UNESCO, bao gồm 07 nhóm khuyến nghị của UNESCO gồm: Nâng cao nhận thức và hiểu biết chung về khoa học mở, các lợi ích và thách thức, tạo lập môi trường chính sách thúc đẩy khoa học mở, đầu tư cho hạ tầng và dịch vụ khoa học mở, giáo dục và đào tạo mở, thúc đẩy văn hóa khoa học mở, tiếp cận mở trong các khâu của quy trình nghiên cứu (đánh giá, bình duyệt; dữ liệu nghiên cứu mở cho đến các kết quả đầu ra), thúc đẩy hợp tác quốc tế trong khoa học mở.
Việt Nam (Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam) đã tích cực tham gia góp ý đối với Dự thảo Khuyến nghị Khoa học mở do UNESCO đưa ra và cử đại diện tham gia cuộc họp chuyên gia liên chính phủ với sự tham gia của các chuyên gia từ các nước thành viên UNESCO vào tháng 5/2021. Theo lộ trình, Dự thảo Khuyến nghị Khoa học mở sẽ được chính thức trình Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 xem xét thông qua vào tháng 11/2021.
|