Thứ năm, 23/09/2021 00:10 GMT+7
Hội thảo ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa trong trồng trọt và tiêu thụ nông sản
Sáng 22/9, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa trong trồng trọt và tiêu thụ nông sản” với sự tham dự của đại diện Lãnh đạo Sở, các phòng thuộc Sở, Trung tâm Phát triển KHCN và Đổi mới sáng tạo và các doanh nghiệp, đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố. Mục đích của Hội thảo nhằm giúp các tổ chức, doanh nghiệp, các Hợp tác xã và các hộ nông dân tiếp cận và ứng dụng những giải pháp công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp.
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở KH&CN Phạm Thị Sen Quỳnh cho biết: Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp đã mang lại những giá trị và lợi ích to lớn. Các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỉ trọng khoảng 35% trong giá trị sản xuất của các sản phẩm chủ yếu đến năm 2020. Nông sản Việt Nam từng bước khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường thế giới và đã có mặt tại 180 quốc gia. Điều đó cho thấy, KH&CN thực sự trở thành nền tảng và động lực then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một hướng đi tất yếu, góp phần hiện đại hóa nền nông nghiệp, giúp nông dân giảm sự lệ thuộc vào thời tiết và chủ động trong sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.
Tại hội thảo, nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng tự động hóa được chia sẻ thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến, như: Giải pháp toàn diện cho nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại các doanh nghiệp sản xuất rau hoa (Công ty TNHH nông nghiệp thông minh HND Việt Nam); Nông nghiệp trong nhà màng tương lai của canh tác công nghệ cao (Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Vùng Xanh); Giải pháp ứng dụng máy bay không người lái phun thuốc sâu tự động cho nông nghiệp công nghệ cao (Công ty cổ phần Mcorp); Ứng dụng công nghệ ECA của Sanodyna trong ngành thủy canh phòng trừ nấm, vi khuẩn, virus (Công ty TNHH Sanodyna Việt Nam); Giải pháp truy xuất nguồn gốc nông sản ứng dụng QR Code Viettel.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu tham dự được chia sẻ, giải đáp các thắc mắc về ứng dụng các giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp phù hợp điều kiện thực tế của Hải Phòng, giá thành các dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, hướng dẫn sử dụng cài đặt các dịch vụ…, góp phần hướng tới phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm nông sản sạch, chất lượng phục vụ người dân trên địa bàn và các tỉnh/thành lân cận.