Thứ bảy, 11/09/2021 09:37 GMT+7

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ công trực truyến, phát triển chính phủ số

Ngày 09/9, Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2021 đã được tổ chức trực tuyến với chủ đề "Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ công trực tuyến, phát triển chính phủ số giai đoạn 2021-2025 và phát triển đô thị thông minh, thương mại điện tử góp phần thúc đẩy kinh tế số".

Hội thảo do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) và Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông.



Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2021 được tổ chức dưới hình thức trực tuyến

 

Đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh hệ thống Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam có sự phát triển vượt bậc. Trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến, sau hơn một năm triển khai, cổng dịch vụ công đã tích hợp hơn 2.900 thủ tục hành chính của 21 bộ ngành và 63 tỉnh thành, hơn 57 triệu hồ sơ được xử lý, tiết kiệm ngân sách khoảng 8.000 tỷ đồng mỗi năm.

Theo thông tin tại Hội thảo, năm 2020, thứ hạng phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng hai bậc, lên vị trí thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ theo báo cáo của Liên hợp quốc.

Về lĩnh vực đô thị thông minh, hiện có 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai đề án đô thị thông minh. Việt Nam đã chủ động tiếp cận và định hướng phát triển đô thị thông minh khá sớm, bắt nhịp với các quốc gia trên thế giới; đã tích cực triển khai thực hiện chuyển đổi số; hạ tầng thông tin đã cơ bản được phủ sóng 4G; khả năng tiếp cận các dịch vụ về công nghệ thông tin và tỷ lệ sử dụng các thiết bị di động ở mức khá cao so với thế giới.

Về lĩnh vực thương mại điện tử, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 đã tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%; gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%; tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%. Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 - 2025 được dự đoán là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước đạt 52 tỷ USD.

Có thể nói, con đường đẩy mạnh chuyển đổi số các lĩnh vực thế mạnh sẽ giúp Việt Nam tạo được lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Xây dựng Chính phủ điện tử cần có cách làm và tư duy mới

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hoạt động dịch vụ công trực truyến, phát triển chính phủ số tại Việt Nam cũng như những giải pháp về phát triển đô thị thông minh, thương mại điện tử.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ: Tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số 2021-2025, định hướng tới năm 2030. Đây là lần đầu tiên sau 20 năm triển khai Chính phủ điện tử, Việt Nam ban hành một văn bản chiến lược ở tầm quốc gia với các tình huống lớn về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Chiến lược này trở thành kim chỉ nam xuyên suốt tất cả các hành động trong thập kỷ tới.

“Với tư duy và cách làm mới của chuyển đổi số là làm nhanh và làm trên nền tảng, tôi tin rằng mục tiêu này là hoàn toàn khả thi nếu có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết thêm.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng quan trọng ở các quốc gia trên toàn thế giới khi công nghệ số là công cụ mạnh mẽ cho các chính phủ. Việc sử dụng một cách chiến lược công nghệ số có thể tạo điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ công nhanh chóng và hiệu quả, đồng thời cải thiện trách nhiệm giải trình và tính cởi mở của chính phủ. Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự chuyển đổi trong hành chính công và dịch vụ công. Do đó, công nghệ số không còn là sự lựa chọn mà là nhiệm vụ cấp bách cho chính phủ mỗi quốc gia.

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục Hành chính (Văn phòng Chính phủ) để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong giải quyết thủ tục hành chính cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể, với phương châm “Lấy con người là trung tâm; cải cách dẫn dắt; công nghệ sẽ hỗ trợ, thúc đẩy” trong thực hiện chuyển đổi số.

Theo nhiều chuyên gia, trong giai đoạn tới, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả Chính phủ điện tử, đồng thời tập trung vào các lĩnh vực nhiều tiềm năng như Đô thị thông minh, thương mại điện tử - hai lĩnh vực được kỳ vọng sẽ góp phần thiết thực trong việc ổn định tình hình kinh tế, xã hội giai đoạn hậu Covid-19…

Trong khuôn khổ sự kiện, chương trình Bình chọn và vinh danh lãnh đạo chuyển đổi số tiêu biểu được tổ chức nhằm tìm kiếm, bình chọn và tôn vinh 18 lãnh đạo chuyển đổi số (Chief Digital Officer – CDO) khối Chính phủ tại Việt Nam - những người có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức, chỉ đạo triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT, ANTT và thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương, góp phần quan trọng trong việc đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các bộ ngành, địa phương. 


Trong khuôn khổ hội thảo, Ban tổ chức đã vinh danh 18 lãnh đạo chuyển đổi số tiêu biểu khối cơ quan Chính phủ

 

Chiều cùng ngày đã diễn ra 2 phiên chuyên đề song song với chủ đề "Phát triển Đô thị thông minh" và chủ đề "Chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới phát triển Thương mại điện tử".

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2556

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)