Thứ sáu, 27/08/2021 12:20 GMT+7

Tọa đàm trực tuyến “Khoa học mở - cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”

Sáng ngày 25/8/2021, tại Hà Nội, được sự cho phép của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Vụ Hợp tác quốc tế và Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Khoa học mở - cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mở ra cơ hội đan xen thách thức lớn đối với các nền kinh tế, nhất là dưới tác động của đại dịch Covid-19, vấn đề Khoa học mở (Open Science) với triết lý thúc đẩy sự chia sẻ, sử dụng chung các nguồn lực và thành quả nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) đang trở thành một xu hướng quốc tế rộng khắp và tác động mạnh mẽ tới chính sách phát triển KH&CN của các quốc gia.

Nắm bắt xu thế đó, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã xây dựng tài liệu Khuyến nghị về Khoa học mở với 7 nhóm khuyến nghị, dự kiến được trình thông qua tại Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 vào tháng 11/2021 sắp tới.

Mục đích Tọa đàm nhằm tạo diễn đàn chia sẻ trong diện hẹp các nhà khoa học và quản lý về vấn đề Khoa học mở để nắm bắt được mức độ tiếp cận, quan điểm và góc nhìn của giới học thuật Việt Nam về xu hướng Khoa học mở trên thế giới, các cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, từ đó gợi mở các giải pháp tiếp cận phù hợp từ góc độ chính sách quản lý KH&CN.

Tọa đàm có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học và quản lý đến từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam; đại diện các Bộ Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo; đại diện một số Vụ chuyên ngành, Cục Sở hữu trí tuệ, Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
 

Hình ảnh Tọa đàm qua hình thức trực tuyến

Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia chia sẻ dẫn đề về các vấn đề cơ bản của Khoa học mở, cơ hội và thách thức khi áp dụng tại Việt Nam, tạp chí truy cập mở và xuất bản số, xuất bản mở. Các thảo luận xoay quanh 7 nhóm khuyến nghị về Khoa học mở của UNESCO, bao gồm: Nâng cao nhận thức và hiểu biết chung về Khoa học mở - các lợi ích và thách thức; tạo lập môi trường chính sách thúc đẩy Khoa học mở; đầu tư cho hạ tầng và dịch vụ Khoa học mở; giáo dục và đào tạo mở; thúc đẩy văn hóa Khoa học mở; tiếp cận mở trong các khâu của quy trình nghiên cứu (đánh giá, bình duyệt; dữ liệu nghiên cứu mở và kết quả đầu ra); thúc đẩy hợp tác quốc tế trong khoa học mở.

Nhiều nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận như: Vấn đề khuyến khích các nhà khoa học chấp nhận Khoa học mở, chia sẻ mở và hỗ trợ các tạp chí mở; Khoa học mở với các khía cạnh về tiếp cận văn hóa và phản văn hóa; Khoa học mở và các vấn đề công bố khoa học, đánh giá khoa học, tài trợ khoa học; đảm bảo chất lượng công bố và đạo đức, liêm chính trong nghiên cứu; nguyên tắc bộc lộ thông tin mở và vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Kết quả Tọa đàm sẽ được tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ, chuẩn bị cho Hội thảo diện rộng về Khoa học mở có sự tham gia của chuyên gia UNESCO và Anh Quốc do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức trong Quý IV năm 2021.

Nguồn: Vụ Hợp tác quốc tế - Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên

Lượt xem: 1667

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)