Thứ hai, 30/08/2021 16:11 GMT+7

Bộ Khoa học và Công nghệ đồng hành cùng các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tìm kiếm giải pháp tổng thể để xử lý ô nhiễm môi trường ao nuôi cá tra

Nghề nuôi cá Tra từ lâu đã đem lại nguồn lợi lớn cho kinh tế cả nước nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng, là một trong những sản phẩm chủ lực quốc gia, tạo sinh kế cho hàng triệu người dân trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kim ngạch xuất năm 2020 đạt gần 3tỷ USD. Hiện nay, tổng diện tích canh tác 7.800 ha, năng suất bình quân đạt 222 tấn /ha, tổng sản lượng đạt 1.420 nghìn tấn/năm. Riêng tỉnh Đồng Tháp có diện tích nuôi và sản lượng chiếm khoảng 30% của toàn Vùng. Sản phẩm cá tra được xuất khẩu đến 132 nước, trong đó, cao nhất là Mỹ (chiếm 24%), tiếp đến là Trung Quốc (23%), EU (11%), Asean (9%),.. (Hiệp hội cá Tra Việt Nam, 2020).

Bên cạnh giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển còn lớn, thì nghề nuôi cá Tra đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức về môi trường như: ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường đất, môi trường không khí do phát sinh mùi hôi, dịch bệnh lan rộng, quá tải về nước thải, bùn thải,…Nguyên nhân chính là trong quá trình nuôi, người nông dân thả cá với mật độ quá dày (40-70 con/m2), thức ăn thừa,nước thải và phân cá từ ao nuôi chưa được xử lý (ước tính khoảng 90%) xả trực tiếp ra kênh, rạch, sông... Đồng thời, trước mỗi vụ nuôi mới, người nông dân thường cải tạo ao nuôi bằng cách tháo cạn nước,vét bớt bùn lỏng, rải vôi bột cân bằng độ pH và phơi đáy ao tiệt trùng, quá trình này tiêu tốn khá nhiều thời gian, công lao động và hiệu quả chưa cao. Đáng chú ý, một số vùng nuôi cá Tra vị trí đặt sâu trong nội đồng, khả năng trao đổi nước không tốt gây tích tụ trong các tuyến đường thủy và tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước. Bên cạnh đó, một vấn đề lớn nữa là việc thu gom bùn thải đến nay vẫn được thực hiện thủ công vào cuối vụ thu hoạch, quá trình này làm tăng nhanh lượng ô nhiễm tại khu vực môi trường ao nuôi, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của cá; đồng thời lượng bùn thải nạo vét từ các ao hiện tại chưa có phương pháp xử lý tổng thể, tích tụ theo thời gian tiềm ẩn nguy cơ tạo ổ dịch bệnh và gây ô nhiễm nặng môi trường.

Để giúp người dân tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có được giải pháp công nghệ tiên tiến trong xử lý môi trường nuôi – một vấn đề có tính cấp bách trong nuôi cá Tra thâm canh đang phát triển nhanh hiện nay, bảo đảm tính bền vững và tạo sản phẩm cá chất lượng và giá trị kinh tế ngày càng cao. Trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Đồng Tháp, Vụ Phát triển KH&CN địa phương, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Bộ KH&CN đồng hành với địa phương, huy động các nhà khoa học để tìm kiếm giải pháp khoa học và công nghệ, quy trình kỹ thuật nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm trong thâm canh cá Tra một cách tổng thể, bền vững. Cụ thể hóa mục tiêu này bằng việc tổ chức nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu giải pháp tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường ao nuôi cá tra thâm canh tại tỉnh Đồng Tháp và Vùng phụ cận”. Hy vọng rằng, kết quả của nhiệm vụ sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất bền vững và góp phần nâng cao giá trị gia tăng của nghề nuôi cá tra cho tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Cho cá tra ăn.
 

Mật độ nuôi dày đặc.


Một số phương pháp thu thập bùn đáy ao (thủ công)
 

Cá tra chết trong quá trình nuôi.

 

Nguồn: Vụ Phát triển KH&CN địa phương

Lượt xem: 2030

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)