Thứ ba, 24/08/2021 15:59 GMT+7

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho hoạt động đo lường

Thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng một hệ thống văn bản kỹ thuật đo lường khá đầy đủ để thực thi các công việc cụ thể như thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo và chuẩn đo lường nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo công bằng xã hội.

Hiện trạng hoạt động đo lường tại Việt Nam

Những năm qua, hệ thống văn bản pháp luật về đo lường đã được sửa đổi nhiều lần và đến nay Việt Nam đã có một hệ thống văn bản pháp lý về đo lường tương đối hoàn thiện, bao gồm: Luật Đo lường (2011) và các văn bản dưới Luật, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật hiện nay của đất nước và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Song hành với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thời gian qua, chúng ta cũng đã xây dựng được hệ thống văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam (ĐLVN) khá đầy đủ để thực thi các công việc cụ thể như thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo và chuẩn đo lường nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo công bằng xã hội.

Cho đến nay, đã có 179 văn bản ĐLVN được ban hành, hầu hết các phương tiện đo trong danh mục phải kiểm định đều đã có quy trình kiểm định tương ứng và dần phù hợp với các khuyến nghị, tiêu chuẩn quốc tế. Đây thực sự là thành tựu của việc nghiên cứu, ứng dụng đưa các kết quả nghiên cứu khoa học của thế giới vào phục vụ công tác đo lường ở nước ta. Cùng với đó, Việt Nam hiện là thành viên của 04 tổ chức quốc tế và khu vực về đo lường, đã tham gia một số Ban kỹ thuật/tiểu ban kỹ thuật của các tổ chức đo lường quốc tế và được quốc tế thừa nhận khả năng đo và hiệu chuẩn đối với nhiều phép đo. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước về đo lường được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương (ở Trung ương là Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; ở địa phương là 63 Sở KH&CN và Chi cục TCĐLCL).
 

Cán bộ kỹ thuật bộ phận Đo lường Y tế, Viện Đo lường Việt Nam thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện đo lường thử nghiệm cho máy thở VFS-510. 
 

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đo lường, đã thực hiện tốt việc duy trì các hệ thống chuẩn đo lường quốc gia với 30 chuẩn đo lường quốc gia đã được phê duyệt, thực hiện việc dẫn xuất chuẩn, đảm bảo tính liên kết chuẩn.

Đồng thời, đảm bảo đo lường chính xác trong việc phục vụ quản lý nhà nước về đo lường trong cả nước. Tổng cục cũng thực hiện nghiên cứu xây dựng văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam và nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp máy chuẩn đo lường. Nghiên cứu xây dựng phát triển hệ thống chuẩn giải quyết các vấn đề tồn tại và phục vụ quản lý nhà nước. Mạng lưới các cơ quan quản lý và đơn vị kỹ thuật hoạt động trong lĩnh vực đo lường phục vụ cho các đối tượng tại các Bộ quản lý chuyên ngành như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và một số Bộ, ngành khác.

Ngoài ra, hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật từ Luật đến Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành được ban hành thay thế cho các quy định trước đây không còn phù hợp; hệ thống tổ chức ngày càng hoàn thiện; nhiều nhiệm vụ được triển khai đồng bộ, đạt kết quả to lớn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, góp phần vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, tạo thế cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Tạo hành lang pháp lý quan trọng

Hệ thống cơ sở pháp lý, kỹ thuật, tổ chức và kinh nghiệm trong hoạt động đo lường đã được xây dựng, củng cố trong suốt nhiều năm qua. Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành là hành lang pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất và đồng bộ cho việc triển khai hoạt động quản lý nhà nước về đo lường (trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng phương tiện đo, chuẩn đo lường, lượng của hàng đóng gói sẵn, phép đo…).

Cùng với đó, việc xây dựng và phát triển hệ thống chuẩn đo lường quốc gia, đảm bảo tính thống nhất, chính xác của đơn vị đo lường pháp định để sử dụng trong toàn xã hội góp phần đảm công bằng xã hội trong thương mại; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khoẻ, môi trường; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân; nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đảm bảo an ninh, quốc phòng; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ.

Trong bối cảnh mới hiện nay, hoạt động đo lường Việt Nam cần phải có những giải pháp thiết thực nhằm phát triển lên một tầm cao mới, khẳng định vị trí là công cụ đắc lực hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 2261

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)