Tham dự tọa đàm có lãnh đạo IDG Việt Nam, Hội phần mềm, Hội chuyển đổi số, Hiệp hội Tin học Việt Nam (Vinasa); các diễn giả từ Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế; các khách mời đến từ các cơ quan chính phủ, các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ thông tin; các khách mời quan tâm đến giải pháp hạn chế sự lây lan và khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19. Ông Lê Trung Thành, Giám đốc Chuyển đổi số IDG Việt Nam chủ trì tọa đàm.
Toàn cảnh phiên khai mạc (Ảnh VISTIP chụp từ màn hình facebook)
Tại Tọa đàm, các diễn giả thảo luận sôi nổi các chủ đề gợi ý của ban tổ chức. Trong một vài năm trở lại đây, công cuộc chuyển đổi số đã diễn ra trong mọi ngành nghề, lĩnh vực tại Việt Nam và đã có sự thay đổi đáng kể. Cùng với đó, vai trò nhiệm vụ của lãnh đạo công nghệ thông tin trong mọi tổ chức từ Chính phủ đến các doanh nghiệp đều có sự thay đổi. Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, khi dịch Covid-19 bùng phát, mọi người đã đặt câu hỏi công nghệ thông tin đã giúp gì cho ngành Y tế và cho Chính quyền trong việc chống dịch và vai trò của người lãnh đạo công nghệ thông tin trong việc chống dịch covid là gì đã được các diễn giả chia sẻ kỹ tại buổi tọa đàm.
Dưới góc nhìn quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, ông Nguyễn Xuân Sơn- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế- một tỉnh nhiều năm có thành tựu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chính quyền điện tử cho biết: Nếu trước kia lãnh đạo công nghệ thông tin phải loay hoay việc làm thế nào để có hạ tầng cho đủ mạnh, các cá nhân nhận thức đầy đủ về vai trò của công nghệ thông tin trong quản lý điều hành chính quyền và phục vụ xã hội cũng như cách thức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành cơ quan nhà nước để phục vụ cho công tác quản lý thì hiện nay dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chiến lược chuyển đổi số thì cách làm của lãnh đạo công nghệ thông tin cũng phải thay đổi. Mỗi ngành nếu như chỉ hoạt động độc lập thì gây ra rủi ro lãng phí lớn, cho nên trong giai đoạn này công nghệ thông tin phải huy động từng ngành và xác định mối quan hệ giữa các ngành với nhau để cùng huy động thực hiện xây dựng được lộ trình kết hợp giữa các ngành. Lãnh đạo công nghệ thông tin dùng bằng chứng dữ liệu để phân tích chứng minh tính hiệu quả tham mưu cho việc ra quyết định của cấp quản lý. Cùng với đó, lãnh đạo công nghệ thông tin phải giải trình huy động được sự ủng hộ của chính quyền và tranh thủ được sự ủng hộ, xã hội hóa các nguồn lực trong quá trình chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Xuân Sơn- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế phát biểu tại tọa đàm (Ảnh VISTIP chụp từ màn hình Webex)
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tin học Việt Nam, vai trò xuyên suốt của lãnh đạo công nghệ thông tin trong cả cơ quan nhà nước và đặc biệt là các doanh nghiệp phải đặt trong bối cảnh mới, nhiều thách thức hơn, trách nhiệm nặng nề hơn thời gian trước. Theo đó, để đáp ứng chiến lược chuyển đổi số thì lãnh đạo công nghệ thông tin (CIO) phải được trang bị và tự mình trang bị nhiều kiến thức hơn ngoài hiểu biết về kỹ thuật công nghệ thông tin. Lãnh đạo công nghệ thông tin phải có sự hiểu biết thêm các lĩnh vực như quá trình vận hành của tổ chức, quản trị tài chính và hiệu quả đầu tư, phân tích tình huống kinh doanh và sự phối hợp giữa các nguồn lực. CIO trong tổ chức và doanh nghiệp phải nâng cao khả năng thuyết trình, khả năng kết nối với hệ sinh thái trong các lĩnh vực mà mình tham gia. CIO là cầu nối quan trọng hơn rất nhiều thời gian trước đây trong việc tham mưu cho CEO, chủ tịch tập đoàn, công ty cũng như người đứng đầu tổ chức, cơ quan đơn vị nhằm thực hiện tham vọng chuyển đổi số một cách có hiệu quả.
Ông Nguyễn Đình Thắng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch Hội chuyển đổi số Việt Nam (góc ngoài cùng bên trái) chia sẻ tại Tọa đàm (Ảnh VISTIP chụp từ màn hình Webex)
Tại tọa đàm, TS Trần Việt Hùng, sáng lập viên kiêm Giám đốc điều hành nền tảng Goit chia sẻ “Đại dịch Covid-19 với số lượng người bị nhiễm và bị bệnh khổng lồ là một thách thức thực sự với hệ thống y tế ở bất kỳ quốc gia nào, với số lượng bác sỹ và cơ sở y tế có hạn đã từng gây ra sự quá tải và suy kiệt hệ thống y tế. Đây chính là cơ hội để công nghệ góp sức vào quá trình dập dịch bằng cách đưa ra các giải pháp tăng hiệu suất cho các hoạt động y tế, giảm tải cho đội ngũ y bác sỹ. Trên thế giới và cả ở Việt Nam cũng đã có nhiều sáng kiến công nghệ thực sự hiệu quả”.
TS Trần Việt Hùng, người sáng lập kiêm CEO nền tảng Logistics- Goit chia sẻ thông tin liên quan đến vai trò của lãnh đạo công nghệ thông tin và kinh nghiệm đầu tư các nền tảng ứng dụng CNTT tại tek talk (Ảnh VISTIP chụp màn hình webex)
Cùng quan điểm nhận định về vai trò của công nghệ thông tin trong phòng chống dịch COVID-19, ông Nguyễn Đình Thắng cho biết, kể từ thời điểm bùng phát dịch bệnh đến nay, các nhà công nghệ thông tin của Việt Nam đã sáng tạo vận hành các nền tảng phòng chống dịch trên toàn quốc như: Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào điểm công cộng bằng QR Code (Bluezone,Vietnam Health…); Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến; Nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin Covid-19; Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Tele-Health) tới 100% cơ sở y tế tuyến huyện trở lên đã đạt những kết quả rất khả quan giúp cho ngành y tế, chính quyền. Các nhà quản lý kịp thời ra chính sách; các cấp nắm được thông tin về dịch bệnh để ra các quyết định giải quyết kịp thời như cách ly y tế, giãn cách xã hội, tiêm chủng và hỗ trợ cộng đồng… Tuy nhiên theo ông Thắng, trên thực tiễn ngoài việc hiệu quả của nền tảng công nghệ thông tin phòng chống dịch, thống kê bệnh nhân, F0, F1, F2… và cách ly y tế, giãn cách xã hội thì một bài toán nữa cần được giải quyết là bài toán xã hội trong đại dịch, đó là “phát huy sức mạnh của công nghệ thông tin và tổ chức xã hội phòng chống dịch Covid-19 và cứu trợ người dân gặp khó khăn sao cho hiệu quả nhất”. Thực tế cho thấy trong hoàn cảnh đại dịch, nhất là khu vực phía Nam đã xảy ra tình huống các nhà hảo tâm, hệ thống cứu trợ các ngành, các cấp quan tâm chưa đều đến những thành viên xã hội dễ bị tổn thương nhất (người neo đơn, người đặc biệt khó khăn trong đại dịch) do còn thiếu thông tin hoặc thông tin chưa kịp thời do hiện nay còn rất nhiều người chưa có điện thoại thông minh để tương tác. Các nhà hảo tâm và cơ quan mặt trận tổ quốc, cơ quan chữ thập đỏ cùng với chính quyền các địa phương chưa có nền tảng thông tin dữ liệu đã được tổng hợp phân tích cho việc cứu trợ, từ thiện, hỗ trợ xã hội dẫn đến có chỗ được trợ cấp nhiều lần, trong khi đó chỗ khác hỗ trợ chưa đến tay người đang gặp khó khăn.
Các diễn giả tại tọa đàm cùng thảo luận bài trình bày chia sẻ quan điểm của PGS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm tin học và tính toán, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) với những nội dung xoay quanh các vấn đề tích hợp công nghệ số và y tế công cộng để phòng chống đại dịch và phát triển hậu COVID: Hoạch định chính sách và xây dựng nguồn lực sáng tạo quốc gia cùng đi đến đề xuất cộng đồng công nghệ thông tin xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin bằng website, APP trên Smart phone để hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn do Covid-19; mạnh dạn ứng dụng trí thông minh nhân tạo AI, nền tảng chat box tư vấn trong đại dịch; chia nhánh tổng đài tư vấn hỗ trợ Covid; kê khai hộ nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp trong đại dịch…..
Các diễn giả và đại biểu tại tọa đàm một lần nữa đặt hàng những nhà lãnh đạo tiên phong trong lĩnh vực công nghệ thông tin bằng năng lực sáng tạo của mình tìm ra các giải pháp, nền tảng, ứng dụng công nghệ thông tin tối ưu nhất tham gia cùng với ngành y tế, nhà quản lý và các cấp chính quyền trong việc kiểm soát dịch bệnh, chăm sóc y tế cũng như hỗ trợ kịp thời những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong đại dịch Covid-19.
Các diễn giả và chuyên gia tham dự tek talk bằng kinh nghiệm của mình cũng dành những động viên và lời khuyên tới Startup công nghệ khi xem xét đầu tư nền tảng công nghệ cần có bằng chứng dữ liệu xác đáng, đủ tin cậy về nhu cầu thực tế của người dùng, tận dụng hệ sinh thái hiện có. Hợp tác, chia sẻ nguồn lực tránh lãng phí cũng như tránh rủi ro, đổ vỡ trong việc đầu tư nâng cao hiệu quả của bản thân doanh nghiệp cũng nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của xã hội.