Thứ ba, 10/08/2021 21:43 GMT+7

Nghiên cứu ứng dụng ozone và tia cực tím (UV) trong nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng

Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm siêu thâm canh ở nước ta phát triển rất mạnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Tuy nhiên, quá trình thâm canh hóa tôm nuôi càng tăng sẽ càng làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, lây lan mầm bệnh, thậm chí gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng do sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi.

Theo nghiên cứu, tia cực tím có tác dụng diệt trừ một số loại vi khuẩn, vi rút và các loại vi sinh vật có hại khác. Khi đặt nguồn phát UV trong môi trường nước, phần lớn bức xạ UV bị hấp thụ, một phần phản xạ, hoàn toàn không phát sinh phụ phẩm ảnh hưởng đến chất lượng nước.

Ozone được sử dụng trong hệ thống tuần hoàn nhằm mục đích cải thiện chất lượng nước như: oxy hóa nitrit thành nitrat, kết tủa các chất hữu cơ hòa tan. Ozone có hiệu quả làm bất hoạt virus, vi khuẩn, nấm và sinh vật đơn bào gây bệnh cho nhiều đối tượng thủy sản, chúng có khả năng tiêu diệt 99,9% vi khuẩn gây bệnh như: Vibrio alginolyticus, Aeromonas salmonicida, Vibrio anguillarum, Vibrio salmonicida, Yersinia rucker… Ozone được chứng minh là không gây độc, tăng tỷ lệ nở của trứng và tỷ lệ sống cho tôm postlavae khi chúng tiếp xúc với ozon ở nồng độ loại bỏ virus gây bệnh hiện diện trong môi trường nuôi tôm. Đồng thời, Ozone có khả năng loại bỏ độc tố của tảo; làm giảm nitrit, vật chất hữu cơ lơ lửng, tiêu diệt vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng gây bệnh cho vật nuôi. Tuy nhiên, việc ứng dụng Ozone vào ao nuôi có diện tích lớn đòi hỏi chi phí khá cao, hơn nữa do tính oxy hóa của nó sẽ ảnh hưởng đến đối tượng nuôi.

Khắc phục hạn chế đó, việc phối hợp giữa đèn UV và Ozone sẽ mang lại hiệu quả rất cao trong khử trùng nguồn nước. Ozone sẽ bổ sung khiếm khuyết của đèn UV như đèn UV giảm tác dụng khi vật chất hữu cơ cao, các tế bào tảo có vách dày UV không tiêu diệt được hoàn toàn. Nhưng khi kết hợp Ozone sục trên đường nước cấp thì Ozone sẽ tiêu diệt tảo, giảm vật chất lơ lửng, khí độc, mầm bệnh và Ozone sẽ được khử hoàn toàn dư lượng khi tiếp xúc với UV. Khi UV khử Ozone sẽ tạo ra một gốc OH tự do, gốc OH này có tính oxy hóa khử mạnh bằng với Flo và cao hơn rất nhiều lần so với Clo, chính vì vậy nó mang lại hiệu quả rất cao trong khử trùng nguồn nước, mặc khác, gốc OH tự do này phân hủy rất nhanh nên không ảnh hưởng đến đối tượng nuôi.

Về nuôi tôm: Nuôi tôm theo ba giai đoạn có lợi ích đối với toàn bộ chuỗi cung cấp. Hệ thống ao ương chịu sự kiểm soát liên tục chất lượng nước và sức khỏe tôm. Thức ăn được tối ưu hoá và sử dụng hiệu quả hơn. Khi chuyển tôm từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 và 3 giống có sức đề kháng mạnh, thích nghi được với môi trường ao nuôi. Điều này dẫn đến tỉ lệ sống tốt hơn trong những ngày đầu thả nuôi và nhằm làm giảm tối đa việc bùng phát dịch bệnh. Hệ thống ao nuôi cho phép nhiều vụ được thực hiện luân phiên.

Từ những cơ sở khoa học trên cho thấy, ứng dụng Ozone và đèn UV trong nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng ba giai đoạn sẽ khử trùng tốt nguồn nước, diệt trừ tảo độc và độc tố của tảo, nâng cao chất lượng thức ăn tươi (luân trùng) cho tôm…, tăng tỷ lệ sống, tăng năng suất, chất lượng tôm thương phẩm. Đồng thời, ứng dụng Ozone và tia UV nuôi tôm sẽ hoàn toàn không sử dụng kháng sinh, hóa chất, hạn chế sự ô nhiễm, giảm dịch bệnh trong quá trình nuôi, tăng sản lượng thu hoạch, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển nghề nuôi tôm địa phương theo hướng ổn định, bền vững.

Trước thực tế đó, ThS Đặng Thị Thanh - Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng các cộng sự đã đề xuất và xây dựng thuyết minh đề tài: Nghiên cứu ứng dụng Ozone và tia cực tím trong nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng (Lipopenaeus vannamei) ba giai đoạn tại Hải Phòng. Với mục tiêu đề ra, thuyết minh chỉ rõ ý tưởng khoa học, đó là: Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát thực tế, tổng quan tài liệu, điều tra thực trạng, dự thảo quy trình ứng dụng hệ thống… Trên cơ sở hệ thống trang thiết bị tích hợp công nghệ tia cực tím và Ozone, đề tài tiến hành các nghiên cứu thực nghiệm một số hộ nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh cao tại quận Dương Kinh và đề xuất quy trình nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng ba giai đoạn, đây là quy trình hoàn toàn mới đối với nghề nuôi thủy sản của thành phố. Đồng thời, giải pháp tiến bộ kỹ thuật này sẽ được áp dụng, giúp quản lý nghề nuôi tốt hơn, có thể ứng dụng trong quy trình nuôi được khuyến kích như: thực hành nuôi tốt (GAP), thực hành quản lý tốt (BMP), nuôi an toàn sinh học, nuôi kết hợp, nuôi sinh thái. Theo đó, nhóm nghiên cứu dự kiến nuôi 6 vụ/năm tại Tân Thành, Dương Kinh với tổng diện tích 10.500m2, năng suất dự kiến 20-27 tấn/ha/vụ.
 


Ngày 03/8/2021, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng tổ chức Hội nghị tư vấn thuyết minh đề tài khoa học cấp thành phố: Nghiên cứu ứng dụng Ozone và tia cực tím trong nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng (Lipopenaeus vannamei) ba giai đoạn tại Hải Phòng, do TS. Trần Quang Tuấn chủ trì. Tại hội nghị, các thành viên hội đồng trao đổi và đưa ra nhiều ý kiến, đóng góp nhằm giúp Ban chủ nhiệm nhiệm vụ hoàn thành thuyết minh đề tài, như: Làm rõ sự khác nhau giữa nuôi thâm canh và siêu thâm canh, giữa nuôi 2 giai đoạn và 3 giai đoạn, cách xử lý nước truyền thống và xử lý nước bằng Ozone và tia UV, từ đó làm căn cứ cho việc lựa chọn phương pháp tối ưu; bổ sung các quy trình công nghệ (nuôi, xử lý nước, môi trường…) cho thấy công nghệ nào giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế; bổ sung việc bố trí máy, cơ chế hoạt động của máy cũng như rà soát toàn bộ số lượng giống, thức ăn… đây là những căn cứ khoa học để đề tài được triển khai đúng hướng và hiệu quả.

Kết luận hội nghị, TS. Trần Quang Tuấn đánh giá cao tính thực tiễn của đề tài, đồng ý phê duyệt nhiệm vụ và đề nghị nhóm nghiên cứu hoàn thiện thuyết minh theo góp ý của các thành viên hội đồng; yêu cầu Ban Chủ nhiệm  triển khai thực hiện theo đúng tiến độ, đảm bảo đúng mục tiêu, nội dung nghiên cứu khi được phê duyệt./.

Nguồn: Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng

Lượt xem: 2139

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)