Thứ tư, 28/07/2021 15:04 GMT+7

Bộ trưởng dự Lễ trao Huân chương Sư tử Phần Lan cho cán bộ Bộ Khoa học và Công nghệ

Ngày 21/7/2021 tại Hà Nội, Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam Kari Kahiluoto, thừa ủy quyền Tổng thống Phần Lan đã trao Huân chương Sư tử Phần Lan tước hiệu Hiệp sỹ hạng Nhất cho chị Trần Thị Thu Hương, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, nguyên Giám đốc Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) vì các đóng góp cho thành công của Chương trình IPP2 giai đoạn 2015-2019, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa hai nước Việt Nam - Phần Lan.

Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Ông Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình IPP2; Ông Tomi Sarkioja, nguyên Tham tán Đại sứ - đồng Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình IPP2 và đại diện cán bộ Sứ quán Phần Lan tại Hà Nội.

Ra đời từ trong thế chiến thứ hai (1942) theo Sắc lệnh của Tổng thống Phần Lan, Huân chương Sư tử Phần Lan là một trong hai hình thức vinh danh cao quý của Nhà nước Phần Lan cùng với Huân chương Hoa hồng trắng Phần Lan, do Tổng thống Phần Lan trao tặng cho công dân Phần Lan hoặc công dân nước ngoài có cống hiến cho đất nước Phần Lan trên các lĩnh vực khác nhau.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng đây là sự ghi nhận rất có ý nghĩa đối với những nỗ lực của chị Trần Thị Thu Hương và Chương trình IPP2, cũng là vinh dự đối với Bộ Khoa học và Công nghệ, minh chứng cho sự đơm hoa, kết trái trên chặng đường Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Ngoại giao Phần Lan đồng hành trong tình hữu nghị và hợp tác gần một thập kỷ để đặt những viên gạch đầu tiên cho con đường phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bộ trưởng đề nghị chị Trần Thị Thu Hương tiếp tục nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực hơn nữa cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Phần Lan trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đánh giá cao vai trò của Đại sứ Kari Kahiluoto, người trong nhiệm kỳ của mình đã luôn quan tâm ủng hộ, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Bộ Ngoại giao Phần Lan, hết lòng tạo điều kiện để Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan IPP2 nói riêng, quan hệ hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nói chung giữa hai nước đạt được nhiều thành công tốt đẹp, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới Đại sứ, đồng thời, mong muốn trong thời gian tới, kế thừa các thành tựu đạt được, hai bên tiếp tục quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, năng lượng sạch và phát triển bền vững.

Bộ trưởng chúc Đại sứ kết thúc nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam với nhiều kỷ niệm sâu sắc về đất nước và con người Việt Nam, dù trên cương vị nào cũng tiếp tục đóng góp thiết thực hơn nữa cho tình bạn, tình hữu nghị, mối quan hệ hợp tác tin cậy giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
 


Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Đại sứ Kari Kahiluoto và các đại biểu chụp hình kỷ niệm tại Lễ trao Huân chương Sư tử Phần Lan

 

IPP2 là Chương trình hợp tác phát triển giữa hai Chính phủ Việt Nam và Phần Lan, do Bộ Ngoại giao Phần Lan và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đồng chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2018, kết thúc năm 2019. IPP2 là Chương trình tiên phong hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, góp phần đặt nền móng quan trọng cho việc hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

IPP2 giành được nhiều thiện cảm và uy tín tốt đẹp trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam và quốc tế; được bình chọn là một trong Ấn tượng Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm 2021 vừa qua, Bộ Ngoại giao Phần Lan tổ chức đợt đánh giá độc lập quốc tế mới về giai đoạn chuyển đổi 10 năm Chính phủ Phần Lan triển khai các dự án hỗ trợ phát triển ở Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau. Một lần nữa, IPP2 được nhắc tới như một dự án tiên phong điển hình ghi dấu thành công và ảnh hưởng tích cực của Chính phủ Phần Lan trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo ở một nước đang phát triển, có thể nhân rộng ở các địa bàn khác trên thế giới.

Một số kết quả nổi bật của Chương trình bao gồm:

- Cung cấp các hỗ trợ tài chính và tư vấn ươm tạo 35 dự án doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, dự án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, dự án hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học với mục đích thử nghiệm chính sách để nhân rộng mô hình hỗ trợ khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững ở Việt Nam. Nhiều dự án đã thành công nổi bật như: Abivin - phân tích xử lý dữ liệu lớn (sau này là Quán quân Techfest Việt Nam 2018; đạt giải thưởng khởi nghiệp 1 triệu USD tại Hoa Kỳ 2019); sản xuất thiết bị y tế Plasma lạnh (được bình chọn là một trong 10 kết quả KH&CN nổi bật của Việt Nam năm 2016); Beeketing; Ezcloud; Hamona; Sen Platform; Fablabs; HATCH; iAngel; Mekong Startup; SIIP.

- Đưa các chuyên gia quốc tế giỏi vào Việt Nam tư vấn soạn thảo các chính sách lớn như: Đề án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016); Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi (Quốc hội thông qua tháng 6/2017); chế định về khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm được lồng ghép vào Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (Quốc hội thông qua tháng 6/2017). Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực tại Phần Lan và Singapore cho gần 100 cán bộ hoạch định và thực thi chính sách của các Bộ, ngành cấp trung ương, địa phương và lãnh đạo các trường đại học về quản trị đổi mới sáng tạo.

- Thiết kế Chương trình đào tạo khung về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo theo chuẩn quốc tế, thử nghiệm đào tạo và cấp chứng chỉ cho 12 chuyên gia tư vấn về khởi nghiệp và 150 giảng viên nguồn về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ 50 trường đại học trên toàn quốc (nhiều người trong số đó sau này trở thành các hạt nhân nòng cốt tiếp tục phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam); góp phần cung cấp nguồn chuyên gia tư vấn và giảng viên chất lượng cao, đổi mới tư duy và lan tỏa văn hóa đổi mới sáng tạo; thúc đẩy việc đưa chương trình đào tạo về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào giảng dạy tại các trường đại học Việt Nam, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong khuôn viên đại học.

- Kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam với khu vực và thế giới thông qua các sự kiện Slush Phần Lan, Slush Singapore. Slush Phần Lan - Ngày hội khởi nghiệp lớn nhất Bắc Âu đã truyền ý tưởng và cảm hứng để Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo quốc gia thường niên - Techfest Việt Nam từ năm 2015 đến nay.

- Tham gia tài trợ các sự kiện lớn về khởi nghiệp trong nước như Techfest, SURF Đà Nẵng, Startup Day, WHISE,… Triển khai Chương trình VMAP (năm 2017) và VMAP+ (2018) kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ Phần Lan sang tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đối tác Việt Nam, qua đó đào tạo gần 30 chuyên gia Việt Nam đủ năng lực cung cấp dịch vụ tư vấn về đầu tư và thị trường cho doanh nghiệp nước ngoài.

Đến nay, trang Website của IPP2 (http://ipp.vn) vẫn được duy trì hoạt động tới năm 2024 để cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam có thể truy cập, khai thác các học liệu, tài liệu, thông tin, bài giảng về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam./.

 

 

Nguồn: Vụ Hợp tác quốc tế, Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội

Lượt xem: 3930

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)