Thứ tư, 14/07/2021 16:23 GMT+7

Hội thảo “Nghiên cứu cấu trúc các hạt nhân giàu nơtron trên thiết bị máy gia tốc”

Được sự cho phép của Lãnh đạo Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (KH&KTHN), ngày 9/7/2021 Trung tâm Vật lý hạt nhân (TT VLHN) đã tổ chức thành công hội thảo “Nghiên cứu cấu trúc các hạt nhân giàu nơtron trên thiết bị máy gia tốc”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp nhằm mục đích giới thiệu, trao đổi và tổng kết một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu thực nghiệm về cấu trúc và các tính chất của hạt nhân không bền.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự hội thảo có PGS.TS. Phạm Đức Khuê – Viện trưởng Viện KH&KTHN, TS. Phạm Ngọc Đồng – Phó Viện trưởng Viện KH&KTHN cùng các đại biểu đến từ Viện KH&KTHN, Viện Vật lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (KHTN) Hà Nội, Trường Đại học KHTN Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ bức xạ cơ sở Đà Nẵng.

Chủ trì và báo cáo tại hội thảo, TS. Lê Xuân Chung (Phó Giám đốc TT VLHN) đã giới thiệu về các nội dung nghiên cứu và kết quả đạt được của đề tài “Nghiên cứu cấu trúc hạt nhân và phản ứng hạt nhân trên các thiết bị lớn của trung tâm nghiên cứu hạt nhân tiên tiến trên thế giới” thuộc Chương trình Phát triển Vật lý đến năm 2020, do Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân chủ trì. Trong bài báo cáo, TS. Lê Xuân Chung đặc biệt nhấn mạnh vào hướng nghiên cứu “Cấu trúc của các hạt nhân không bền” và đây cũng là chủ đề chính mà các báo cáo sẽ tập trung.

Tiếp đó, các báo cáo viên đại diện cho các nhóm nghiên cứu đã trình bày kết quả nổi bật gần đây trong lĩnh vực nghiên cứu thực nghiệm về cấu trúc và các tính chất của hạt nhân không bền. Trong đó, bài báo cáo của TS. Trần Đình Trọng (Viện Vật lý) trình bày về “Đo tiết diện trao đổi điện tích của các đồng vị C giàu nơtron tại RCNP”, kết quả đã được đăng tải trên Tạp chí Nature Communications có chỉ số rất cao IF=14.919; TS. Vi Hồ Phong (Trường Đại học KHTN Hà Nội, hiện đang là postdoc của Viện nghiên cứu Hoá Lý RIKEN) trình bày về “Phổ phân rã beta của các hạt nhân đồng vị giàu nơtron xung quanh khối lượng A=130 trong khuôn khổ dự án BRIKEN tại RIBF”, kết quả đã được đăng trên tạp chí Physical Review C có IF=3.296; ThS. Bùi Duy Linh (Viện KHKTHN) trình bày về “Nghiên cứu cấu trúc của các hạt nhân giàu nơtron 49Cl và 49Ar thông qua phản ứng knockout 1 nucleon”, kết quả đang được gửi đăng tại Tạp chí Physical Review C; Ở Phần cuối chương trình, TS. Lê Xuân Chung trình bày về “Khả năng nghiên cứu thí nghiệm Vật lý hạt nhân trên máy gia tốc pelletron tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội”, trình bày thí nghiệm đo phản ứng 10B(⍺,p): kết quả đạt được và những hạn chế cần khắc phục. Có được các kết quả trên là do có sự hợp tác nghiên cứu giữa các cán bộ đến từ nhiều Viện nghiên cứu và Trường đại học trong nước, có kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài và hợp tác quốc tế nhiều năm. Các thí nghiệm được thực hiện trên các thiết bị gia tốc tiên tiến nhất hiện nay đặt tại Viện Nghiên cứu Hoá Lý RIKEN và Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân RCNP, Nhật Bản. Các kết quả đã được trình bày trong hội thảo lần này là những công trình khoa học rất có chất lượng. Hơn nữa, việc chính các diễn giả tại hội thảo là tác giả chính hứa hẹn triển vọng và cơ hội phát triển hướng nghiên cứu thực nghiệm vật lý hạt nhân tại Việt Nam. Hội thảo cũng đã dành nhiều thời gian để thảo luận về một số thí nghiệm khả thi đã và đang đề xuất khai thác trên máy gia tốc pelletron tại Trường Đại học KHTN Hà Nội.

Hội thảo kết thúc trong không khí sôi nổi. Đây là dịp để các cán bộ chuyên môn có thêm cơ hội học hỏi, trao đổi kiến thức và thông tin trong lĩnh vực vật lý hạt nhân nói chung, vật lý hạt nhân thực nghiệm nói riêng. Phát biểu bế mạc hội thảo, Lãnh đạo Viện KH&KTHN khẳng định: hợp tác và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học thực sự là yếu tố quan trọng giúp các cán bộ nghiên cứu có thêm thông tin, kiến thức và kinh nghiệm để phát triển chuyên môn. Lãnh đạo Viện bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu, thúc đẩy và khai thác trên các thiết bị nghiên cứu tại Việt Nam. Viện KH&KTHN luôn ủng hộ và tạo điều kiện cho các cán bộ để hướng nghiên cứu vật lý hạt nhân thực nghiệm phát triển./.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 1292

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)