Chủ nhật, 20/06/2021 22:47 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ

Ngày 18/6/2021, đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Viện Đánh giá) về công tác của Viện giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch công tác giai đoạn 2021-2025. Cùng tham dự buổi làm việc có đồng chí Trần Văn Tùng, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ KH&CN và Thủ trưởng một số đơn vị liên quan của Bộ.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao vai trò của công tác đánh giá khoa học, đánh giá định giá công nghệ trong việc hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, phục vụ cho Lãnh đạo Bộ, các đơn vị liên quan trên cơ sở các kết quả đánh giá chương trình, đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ, định giá công nghệ, tài sản trí tuệ. Cung cấp thông tin hỗ trợ công tác hoạch định các chính sách, góp phần tạo động lực để phát triển kinh tế dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).

Thay mặt Lãnh đạo Viện Đánh giá báo cáo tại buổi làm việc, Viện trưởng Trần Hậu Ngọc đã tóm tắt về chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của Viện Đánh giá và các kết quả nổi bật Viện đã đạt được trong giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch công tác giai đoạn 2021 – 2026. Trong thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ KH&CN, sự lãnh đạo của Chi ủy, Lãnh đạo Viện, toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong Viện luôn đoàn kết, nhất trí cao và nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ giao. Các mặt công tác của Viện đã có nhiều đóng góp cho công tác quản lý của Bộ. Các kết quả nghiên cứu của Viện gắn với hoạt động của Bộ, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn về đánh giá khoa học và định giá công nghệ, được Viện và một số đơn vị trong Bộ sử dụng để phục vụ công tác quản lý nhà nước về KH&CN.

Viện đã chủ trì, tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập một số văn bản quy phạm pháp luật của Bộ. Cơ sở dữ liệu chuyên gia KH&CN của Bộ giao cho Viện quản lý hàng năm đã cung cấp trên 12.000 lượt chuyên gia cho khoảng 15 đơn vị chức năng trong và ngoài Bộ sử dụng để thành lập gần 1.000 Hội đồng tư vấn nhiệm vụ cấp Quốc gia và một số các hoạt động khác có nhu cầu sử dụng chuyên gia.

Trong giai đoạn 2016-2020, Trên cơ sở nhiệm vụ được phân công tại Mục 6.3, Quyết định số 3041/QĐ-BKHCN của Bộ trưởng Bộ KH&CN về quy trình quản lý các chương trình KH&CN quốc gia, Viện đã triển khai đánh giá một số chương trình KC giai đoạn 2011-2015. Các nhiệm vụ đã cung cấp kết quả để các cấp Lãnh đạo Bộ và các đơn vị liên quan tham khảo trong quá trình quản lý và xây dựng các chương trình nghiên cứu cấp quốc gia, đồng thời tiếp tục hoàn thiện phương pháp luận phù hợp với hiện trạng và bối cảnh hoạt động KH&CN ở Việt Nam, tiếp cận với thông lệ quốc tế về công tác đánh giá khoa học. Đặc biệt Viện đã được Lãnh đạo Bộ giao hoàn thiện khung Báo cáo đánh giá kết quả các chương trình KH&CN quốc gia phục vụ tái cơ cấu các chương trình Quốc gia giai đoạn 2021-2025, cung cấp cơ sở lý luận, phương pháp quy trình đánh giá chương trình và kết quả đánh giá cho một số đơn vị trong Bộ sử dụng.

Theo quy định về đánh giá tổ chức KH&CN đã được quy định tại Điều 16&17, Luật KH&CN và hướng dẫn đánh giá tại Thông tư số 38/2014/TT-BKHCN, Thông tư số 18/2019/TT-BKHCN, Viện đã triển khai các hoạt động đánh giá tổ chức KH&CN trong các lĩnh vực Vật liệu, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và truyền thông, Đánh giá một số tổ chức NC&PT trên địa bàn TP HCM phục vụ Chương trình phát triển tổ chức KH&CN tiên tiến giai đoạn 2016-2020 của TP HCM (Nhiệm vụ do UBND Thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng Thông qua kết quả của nhiệm vụ đã lựa chọn được 3 tổ chức để ưu tiên đầu tư thành tổ chức nghiên cứu mạnh của Thành phố từ năm 2019). Đặc biệt, triển khai chương trình hợp tác giữa Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT giai đoạn 2016-2020, Viện được giao nhiệm vụ: Đánh giá một số tổ chức KH&CN điển hình thuộc Bộ NN&PTNT để ưu tiên đầu tư thành tổ chức nghiên cứu mạnh có thể giải quyết các vấn đề quan trọng của ngành, Viện đang hoàn thiện Báo cáo đánh giá để báo cáo Lãnh đạo Bộ và các đơn vị liên quan phục vụ xây dựng chương trình hợp tác giữa hai Bộ giai đoạn 2021-2025.

Các kết quả nghiên cứu tiếp tục góp phần tích cực vào công tác phục vụ quản lý của Bộ, của Sở KH&CN các địa phương và tiếp tục hoàn thiện phương pháp luận đánh giá khoa học, định giá công nghệ. Giai đoạn 2016-2020, thông qua các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực đánh giá khoa học, đánh giá và định giá công nghệ, Viện đã có gần 40 bài báo được công bố trên các tạp chí KH&CN trong và ngoài nước, Kỷ yếu Hội thảo cấp Quốc gia và Hội thảo quốc tế, 02 cuốn sách chuyên khảo. Bên cạnh đó, Viện cũng đã triển khai đánh giá, định giá trên 40 công nghệ, tài sản trí tuệ phục vụ chuyển giao kết quả nghiên cứu cho Doanh nghiệp; hỗ trợ nhiều địa phương đánh giá trình độ và năng lực công nghệ của doanh nghiệp, tốc độ đổi mới công nghệ... nhằm phát triển thị trường KH&CN của đất nước.

Đồng chí Trần Hậu Ngọc cũng đưa ra 6 phương hướng hoạt động của Viện Đánh giá trong thời gian tới gồm: (1) Tiếp tục quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả và nâng cấp cơ sở dữ liệu chuyên gia của Bộ giao cho Viện quản lý; (2) Triển khai hoạt động đánh giá chương trình KH&CN phục vụ công tác quản lý của Bộ; (3) Triển khai đánh giá tổ chức KH&CN công lập phục vụ tái cơ cấu các tổ chức; (4) Triển khai công tác đánh giá định giá công nghệ, tài sản trí tuệ hình thành từ các nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước; (5) Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tổng kết, đánh giá việc triển khai các văn bản pháp luật do Viện chủ trì về công tác đánh giá khoa học và định giá công nghệ trong bối cảnh tái cơ cấu các chương trình quốc gia và sắp xếp bộ máy tổ chức công lập; (6) Xây dựng nguồn lực phục vụ công tác đánh giá khoa học và định giá công nghệ. Đồng thời đề xuất với Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ quan tâm ưu tiên đầu tư, giao cho Viện Đánh giá triển khai một số nhiệm vụ cụ thể để cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Lãnh đạo Bộ và các cơ quan quản lý sử dụng trong quá trình ra quyết sách, đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng tốt hơn nữa nhiệm vụ phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý của Bộ, của ngành và của cộng đồng khoa học.

Tại buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ đều đánh giá cao các kết quả của Viện đã đạt được trong thời gian qua, đã có nhiều ý kiến trao đổi, góp ý với tinh thần xây dựng, hỗ trợ hoạt động của Viện và tăng cường sự phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ để hoạt động của Viện Đánh giá ngày càng đóng góp trực tiếp, thiết thực hơn cho công tác quản lý nhà nước của Bộ và của đất nước. Các đại biểu cho rằng công tác đánh giá khoa học và đánh giá, định giá công nghệ là công việc khó nhưng rất cần thiết, cần được Lãnh đạo Bộ đặt hàng trong thời gian tới, cần nâng cấp, cập nhật cơ sở dữ liệu chuyên gia (CSDLCG) cả về phần mềm cũng như bổ sung thêm số lượng, tăng chất lượng chuyên gia trong cơ sở dữ liệu và có cơ chế chính sách đãi ngộ các chuyên gia có nhiều đóng góp.
 

Thứ trưởng thường trực Trần Văn Tùng phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, sau khi nghe ý kiến các cán bộ chủ chốt của Viện Đánh giá và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ tham dự cuộc họp, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã phát biểu đánh giá cao những kết quả và nỗ lực của Viện Đánh giá, mặc dù số cán bộ không nhiều, công việc khối lượng lớn nhưng vẫn đáp ứng tốt yêu cầu Lãnh đạo Bộ giao về công tác đánh giá khoa học, đánh giá, định giá công nghệ và quản lý CSDLCG. Thời gian qua, Viện đã đánh giá được một số chương trình KC, KX và cung cấp phương pháp luận cho việc tái cấu trúc chương trình; công tác đánh giá, định giá công nghệ cũng đã bước đầu phục vụ nhu cầu một số nhu cầu tổ chức, cá nhân trong xã hội; Viện cũng đã xây dựng được một cơ sở dữ liệu chuyên gia trên 4000 chuyên gia, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước nhưng cần tiếp tục được nâng cao chất lượng chuyên gia trong thời gian tới. Đối với kế hoạch công tác thời gian tới, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đề nghị Viện cần làm tốt những công việc: (i) Đề nghị Viện phối hợp các đơn vị liên quan trong rà soát, bổ sung,xây dựng hành lang pháp lý cho công tác đánh giá khoa học và định giá công nghệ, đây là cơ sở quan trọng cho hoạt động của Viện; (ii) Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong công tác đánh giá chương trình và phải đánh giá đầu kỳ, cuối kỳ để kịp thời phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ; (iii) Đánh giá, định giá công nghệ, tài sản trí tuệ là một nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, yêu cầu Viện phải làm cho bằng được, trả lời được câu hỏi về giá trị công nghệ, đảm bảo đủ tư cách pháp nhân để triển khai nhằm phục vụ phát triển thị trường KH&CN và phát triển kinh tế xã hội của đất nước; (iv) Nâng cấp CSDL chuyên gia với yêu cầu vừa đảm bảo chất lượng và tăng số lượng chuyên gia như ý kiến Lãnh đạo một số đơn vị; (v) Nghiên cứu thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm để tạo điều kiện phát triển Viện, tăng nguồn thu nhập cho cán bộ và quan tâm công tác đào tạo cán bộ. Đề nghị Viện chủ động làm việc với các đơn vị có liên quan để triển khai tốt các nội dung trên.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo cho buổi làm việc của Lãnh đạo Bộ với Viện, ghi nhận biểu dương các kết quả Viện Đánh giá đã đạt được trong thời gian qua. Bộ trưởng đồng tình với các chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Văn Tùng, cho rằng ý kiến chia sẻ, góp ý của Lãnh đạo các đơn vị cho thấy sự ủng hộ của các đơn vị với hoạt động của Viện. Bộ trưởng lưu ý công tác đánh giá phải được Viện thực hiện khách quan, tin cậy, trách nhiệm; Bộ sẽ đặt hàng Viện đánh giá hiện trạng các tổ chức KH&CN công lập phục vụ quy hoạch mạng lưới các tổ chức KH&CN. Bộ trưởng yêu cầu rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định về thể chế, chính sách để tạo thuận lợi và có hành lang tốt cho hoạt động đánh giá khoa học và đánh giá, định giá công nghệ. Trên thực tế nhu cầu về đánh giá, định giá công nghệ là rất lớn, chính vì thế trong thời gian tới Viện cần đẩy mạnh hoạt động này ở quy mô rộng lớn hơn. Đối với hoạt động CSDLCG, cần xây dựng cơ chế chính sách để tôn vinh các nhà khoa học, các chuyên gia có nhiều đóng góp cho hoạt động của Bộ. Về các đề xuất, kiến nghị của Viện, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị xem xét, tạo điều kiện đáp ứng đề xuất của Viện. Bộ trưởng kỳ vọng dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, Lãnh đạoViện, toàn thể công chức, viên chức và người lao động của Viện Đánh giá sẽ đoàn kết, sáng tạo, chung sức, đồng lòng để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ KH&CN giao phó.
 

Viện trưởng Trần Hậu Ngọc thay mặt Lãnh đạo Viện tiếp thu chỉ đạo của Bộ trưởng và Thứ trưởng Trần Văn Tùng.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và Thứ trưởng thường trực Trần Văn Tùng, đồng chí Trần Hậu Ngọc thay mặt Lãnh đạo Viện cam kết sẽ cùng tập thể cán bộ, công chức viên chức và người lao động của Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ sẽ cụ thể hoá các nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả để công tác đánh giá khoa học và đánh giá, định giá công nghệ sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực và hiệu quả hơn nữa vào sự phát triển chung của Bộ và ngành KH&CN.

 

Nguồn: Viện Đánh giá Khoa học và Định giá công nghệ

Lượt xem: 2644

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)