Thứ ba, 08/06/2021 09:55 GMT+7

Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Trong số những công nghệ hỗ trợ phòng chống Covid-19, AI và blockchain đóng vai trò quan trọng. AI giúp giảm gánh nặng công việc của đội ngũ y tế bằng cách hỗ trợ chuẩn đoán hình ảnh, khám chữa bệnh từ xa, robot AI giúp dọn dẹp khu cách ly, camera AI phát hiện người có thân nhiệt cao, không đeo khẩu trang, không giãn cách đúng quy định... Trong khi đó, công nghệ chuỗi khối blockchain được sử dụng để quản lý chuỗi cung ứng y tế, giám sát việc triển khai hộ chiếu vắc-xin...

Chia sẻ trong Tọa đàm “AI, Blockchain và cuộc chiến chống Covid-19“ do VnExpress tổ chức, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, ngay từ đầu năm 2020, khi dịch xuất hiện, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp cho nghiên cứu các giải pháp công nghệ, thảo luận hàng tuần, từ đó giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các chuyên gia triển khai từng giải pháp một cách kiên trì.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy khẳng định, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, công nghệ ứng dựng như thế nào, phải tuỳ vào từng giai đoạn, điều kiện cụ thể. "Công nghệ phải vị nhân sinh, phải phục vụ người dân chứ không phải làm khó dễ người dân. Trong một số khâu chống dịch, phương pháp thủ công vẫn tối ưu hơn cho người dân, đội ngũ y tế thì công nghệ có thể tạm lui về phía sau, xử lý những bài toán hậu cần, chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải 'xông pha' tuyến đầu", ông Duy nói. Ngoài ra, với Việt Nam, "công nghệ không xuất hiện sau một vài ngày mà phải có sự tích lũy, xây dựng cơ sở dữ liệu, phải làm rất cụ thể và thiết thực", ông nhấn mạnh.

Lấy ví dụ về ứng dụng AI trong việc truy vết, Thứ trưởng cho biết khi có bất kỳ ổ dịch hoặc ca lây nhiễm cộng đồng mới, đội ngũ y tế sẽ bắt đầu điều tra lịch trình, lấy thông tin dịch tễ. Vì nhiều vấn đề khách quan, như không phải người dân nào cũng sử dụng smartphone hoặc thao tác trên di động, việc ghi chép bằng tay vẫn là phương án tối ưu.

Tuy nhiên, khi số lượng ca lây nhiễm trong cộng đồng lớn, việc nhập liệu từ các bản khai giấy mất rất nhiều thời gian, dễ nhầm lẫn. Nếu không số hoá những thông tin này, việc truy vết bằng công nghệ sẽ không thể phát huy tối đa hiệu quả. Ngay lập tức, công nghệ chuyển hình ảnh thành chữ viết với sự hỗ trợ của AI đã giúp số hoá toàn bộ tờ khai, phiếu điều tra dịch tễ và đưa lên hệ thống.
 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy. 
 

Sau này, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, AI đã hiện hữu ngay trong các khu cách ly, bệnh viện với robot tự động giúp khử khuẩn, giao hàng, đưa thuốc cho bệnh nhân... Ở bài toán vĩ mô, trải qua các đợt dịch bệnh, từ dữ liệu có được, AI có thể phân tích, đưa ra các dự đoán về quy mô tiếp theo của đợt dịch, đưa ra các kịch bản theo thời gian thực giúp cơ quan chức năng chủ động ứng phó, khoanh vùng dịch bệnh.

Cùng chia sẻ về vấn đề trên, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Tập đoàn Bkav khẳng định AI đang phát huy sức mạnh trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam và sắp tới có thể chứng minh hiệu quả lớn hơn nữa. Đầu tiên là việc ứng dụng camera AI vào việc xác định các đối tượng nhập cảnh trái phép. Camera có thể chạy 24/7 và phát đi cảnh báo cho cơ quan chức năng ngay khi phát hiện người nhập cảnh trái phép. Điều nay không chỉ giúp kiểm soát người nhập cảnh hiệu quả mà còn tối ưu về con người, giảm rủi ro cho đội ngũ canh gác.

Tiếp theo là theo dõi hoạt động giãn cách ở những nơi công cộng hoặc trong các khu cách ly. Đội ngũ y tế không thể theo dõi sát sao từng nhóm người mọi lúc, mọi nơi, nhưng camera AI thì có thể phát hiện được ai đang không đeo khẩu trang, ở đâu đang có tụ tập đông người.

Ngoài AI, một công nghệ mới cũng đang phát huy sức mạnh trong đại dịch Covid-19 là Blockchain. Theo ông Huy Nguyễn - Co-Founder & CTO KardiaChain, nhiều quốc gia trong khu vực, như Singapore, Hàn Quốc, Malaysia đang ứng dụng Blockchain vào việc quản lý "hộ chiếu vaccine" để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế. Tại Việt Nam, blockchain cũng đang được một số bệnh viện ứng dụng để quản lý hồ sơ bệnh nhân, tạo ra các nền tảng kinh doanh mới trong bối cảnh thói quen mua sắm của người dùng có nhiều thay đổi.

"Trong tương lai, Blockchain sẽ càng trở nên quan trọng trong việc mở cửa lại đất nước. Công nghệ này đang được nhiều nước trên thế giới ứng dụng trong việc xác nhận một người đã tiêm vaccine chưa, loại vaccine đó là gì, do cơ quan nào chịu trách nhiệm...", ông Huy nói.

Liên quan tới việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phục vụ chống dịch Covid-19, lực lượng công nghệ hoạt động 24/7 phục vụ phòng chống dịch Covid-19 do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa thành lập, có tên gọi là Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia (Trung tâm). Trung tâm công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia sẽ là đầu mối điều phối các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, hợp tác liên quan đến kỹ thuật, công nghệ để hỗ trợ phòng, chống dịch.

Trung tâm có nhiệm vụ làm đầu mối điều phối, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, hợp tác liên quan đến kỹ thuật, công nghệ để hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19; thiết kế, tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các nền tảng, hệ thống công nghệ phòng, chống dịch Covid-19.

Quản lý thống nhất, kết nối tập trung và phân phối dữ liệu khai báo y tế điện tử, dữ liệu khai báo di chuyển nội địa, dữ liệu phản ánh của người dân, dữ liệu điểm kiểm dịch và dữ liệu kiểm soát vào ra các điểm kiểm dịch giữa các hệ thống công nghệ phòng, chống dịch Covid-19.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 145/TB-VPCP Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ về tình hình thực hiện nhiệm vụ, những vấn đề tồn đọng cần giải quyết.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ cần chủ động phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch COVID-19, trong đó lưu ý hỗ trợ hoạt động sản xuất vaccine.

Bộ Khoa học và Công nghệ cần chú trọng hơn công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên; tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xây dựng các công cụ phù hợp để phân cấp mạnh hơn gắn với việc cụ thể hoá trách nhiệm cá nhân, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra… Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách liên quan đến khoa học công nghệ, truyền cảm hứng, tôn vinh trí thức, nhà khoa học.

Bộ chủ động, tích cực hơn trong hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ; tranh thủ trao đổi, tiếp nhận những thành tựu khoa học công nghệ của thế giới, nhất là những công nghệ mới, tiên tiến của thế giới, tận dụng tối đa cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu và đặc biệt là phòng chống dịch COVID-19 trong thời điểm hiện nay.


Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/cong-nghe-dong-vai-tro-quan-trong-trong-viec-kiem-soat-dich-benh-d187721.html

 

Nguồn: vietq.vn

Lượt xem: 8312

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)