Nhằm đánh giá thực trạng cánh đồng lớn; thực trạng quy hoạch, thiết kế cánh đồng lớn trong sản xuất lúa vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí quy hoạch, thiết kế cánh đồng lớn sản xuất lúa đáp ứng cơ giới hóa sản xuất, thâm canh, tiết kiệm chi phí phục vụ xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long cũng như đề xuất giải pháp thực hiện quy hoạch, thiết kế cánh đồng lớn trong sản xuất lúa vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, nhóm nghiên cứu do PGS. TS Đoàn Doãn Tuấn, Viện Nước, tưới tiêu và môi trường đứng đầu đã tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đề xuất bộ tiêu chí quy hoạch, thiết kế cánh đồng lớn sản xuất lúa gắn với xây dựng nông thôn mới tại đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long”.
Sau một thời gian triển khai, nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả như sau:
- Đánh giá thực trạng cánh đồng mẫu lớn, thực trạng quy hoạch, thiết kế cánh đồng lớn trong sản xuất lúa (hệ thống canh tác, quy mô vùng, ô thửa, hệ thống công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng); tại 8 điểm vùng ĐB sông Hồng và ĐB sông Cửu Long.
- Xây dựng được bộ tiêu chí quy hoạch, thiết kế cánh đồng lớn sản xuất lúa đáp ứng cơ giới hóa sản xuất, thâm canh, tiết kiệm chi phí phục vụ xây dựng nông thôn mới tại các vùng sinh thái chủ yếu của vùng sản xuất lúa ĐB sông Hồng và ĐB sông Cửu Long.
- Đề xuất giải pháp thực hiện quy hoạch, thiết kế cánh đồng lớn tiết kiệm nước giảm chi phí đầu vào tăng hiệu quả sản xuất lúa.
- Mẫu thiết kế mô hình cánh đồng lớn cho vùng ĐB sông Hồng.
- Mẫu thiết kế mô hình cánh đồng lớn cho vùng ĐB sông Cửu Long.
- Sổ tay hướng dẫn quy trình quy hoạch, thiết kế cánh đồng lớn sản xuất lúa tại ĐB sông Hồng và ĐB sông Cửu Long.
- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng về quy hoạch, thiết kế cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa tại ĐB sông Hồng và ĐB sông Cửu Long.
Thực tế triển khai mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa cho thấy hiệu quả kinh tế xã hội như sau:
Do diện tích nhỏ lẻ, manh mún nên việc xây dựng cánh đồng lớn tại ĐB sông Hồng luôn gắn với dồn điền, đổi thửa. Từ năm 2009 đến nay thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã đồng loạt triển khai công tác dồn điền đổi thửa nên nhìn chung cấu trúc đồng ruộng ở ĐB sông Hồng đã được cải thiện nhiều so với trước năm 2000, diện tích trung bình các thửa ruộng lớn hơn gấp 3-5 lần. ĐB sông Hồng số thửa đất bình quân chỉ còn 2-3 thửa/hộ, diện tích các ô thửa trung bình từ 0,1-0,2 ha.
Nhìn chung hệ thống kênh tưới cấp trên của kênh mặt ruộng không có sự thay đổi sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa. Tại tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, khoảng cách giữa các kênh mương cấp III có nhiệm vụ tưới tiêu kết hợp là 100m, khi quy hoạch lại dồn điền đổi thửa địa phương thường bổ sung thêm đường lô vào giữa, do vậy chiều rộng lô (chiều dài thửa) là 50m. Chiều dài lô ruộng phụ thuộc vào khoảng cách của các kênh tưới tiêu cấp cao hơn (kênh cấp II), như ở Nam Định khoảng 450800 m, Thái Bình 300-600m, Hưng Yên 250-350m. Do quy mô hộ nhỏ, việc dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn dựa trên cơ sở hệ thống kênh mương đã có nên phần lớn thửa ruộng có chiều rộng 20-40 m và chiều dài 50-100 m. Lô ruộng có chiều rộng xác định theo khoảng cách hai kênh cấp cuối cùng và là chiều dài thửa ruộng (50-100 m). Chiều dài lô là khoảng cách hai kênh cấp trên, dài trung bình 300-600 m. Như vậy cánh đồng thường có kích thước 3 - 6 ha.
Đồng bằng sông Cửu Long, với quy mô diện tích đất lúa bình quân 1 hộ tương đối lớn, với số hộ có diện tích trên 0.5 ha chiếm trên 60% là lợi thế để xây dựng “cánh đồng lớn”. Hiện tại, các khu ruộng được quy hoạch với chiều rộng dựa vào khoảng cách của hai kênh nội đồng (cấp III) và chiều dài là khoảng cách giữa hai kênh cấp trên. Trung bình khoảng cách giữa các kênh cấp III khoảng 300-600m. Chiều dài khu ruộng là ranh giới giữa kênh cấp II và đê bao vùng khoảng cách từ 500 - 1500m.
Việc xây dựng cánh đồng lớn dựa trên cơ sở hệ thống kênh mương đã có nên phần lớn thửa ruộng có chiều rộng 20-50 m và chiều dài 150-300 m. Lô ruộng có chiều rộng xác định theo khoảng cách hai kênh cấp cuối cùng và là chiều dài thửa ruộng (150-300 m). Chiều dài lô là khoảng cách hai kênh cấp trên, dài trung bình 500-1500 m.
Cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa trong nước và trên thế giới cho thấy để triển khai xây dựng và nhân rộng cánh đồng lớn sản xuất lúa vùng ĐB sông Hồng và ĐB sông Cửu Long thành công, cần tuân thủ tiêu chí và giải pháp thực hiện cánh đồng lớn sản xuất lúa như sau:
i) CĐL phải được xây dựng trên nền tảng của sự liên kết, trong đó các hình thức liên kết được thể hiện thông qua hợp đồng giữa các tổ chức, doanh nghiệp với HTX hoặc tổ hợp tác sản xuất.
ii) Việc lựa chọn hệ thống cánh tác CĐL trồng lúa ĐBSH chỉ bố trí ở các chân đất cấy 2 vụ lúa (lúa xuân-lúa mùa) ăn chắc hoặc trên các chân đất cấy 2 vụ lúa và làm 1 vụ đông (lúa xuân-lúa mùa – cây vụ đông). Trên các chân đất này năng lực tưới tiêu của các công trình thủy nông phải đảm bảo. Đối với ĐBSCL: Chỉ bố trí CĐL trồng lúa trên các chân đất từng làm 2 vụ lúa hay 3 vụ lúa nhưng chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm. không nên bố trí CĐL trên chân đất tôm-lúa vì dễ gặp rủi ro vì đất nhiễm mặn.
iii) Việc lựa chọn máy móc cơ giới hóa cần thực hiện trên cơ sở tiến trình tích tụ ruộng đất theo hai bước:
Bước 1. Với quy hoạch diện tích lô thửa chưa lớn (diện tích mỗi thửa 1500-3000 m2, chiều dài (50-100 m), rộng (20-40) m).
Bước 2. Khi quy hoạch diện tích lô thửa đủ lớn (diện tích mỗi thửa 1.-2 ha, chiều dài (100) m, rộng (30-90) m)
iv) Đối với quy hoạch kích thước lô thửa ruộng, giao thông thủy lợi nội đồng cũng cân thực hiện phù hợp với hai bước:
Bước 1. Quy hoạch đồng ruộng phù hợp với thực tế của một số địa phương và hệ thống máy móc cơ giới phù hợp để sử dụng hiệu quả nhất cho giai đoạn trước mắt
Bước 2. Quy hoạch đồng ruộng cho tương lai, khi có đủ điều kiện tích tụ ruộng đất, quy mô cánh đồng mẫu lớn, áp dụng CGH mức độ cao theo hướng sản suất hàng hóa.
Áp dụng tiêu chí quy hoạch, thiết kế cánh đồng lớn vảo thiết kế mô hình mẫu vùng ĐB sông Hồng cho thấy do ruộng đất manh mún, quy mô hộ nhỏ nên vùng ĐB sông Hồng phải xây dựng kênh mương, đường giao thông với mật độ khá lớn dẫn đến suất đầu tư cao, khoảng 150-200 triệu đồng/ha đối với phương án hiện tai, chưa đủ điều kiện để tích tụ ruông đất, kênh mặt ruộng thực hiện tưới tiêu kết hợp, nên chưa đáp ứng yêu cầu thâm canh lúa. Kinh phí đầu tư/ha trong phương án tương lai, khi đủ điều kiện tích tụ ruộng đất, kênh mặt ruộng đảm bảo tưới tiêu tách biệt, chủ động cấp nước đáp ứng nhu cầu thâm canh, chỉ cao hơn phương án đầu tư trong điều kiện chưa tích tụ được ruộng đất hiện nay khoảng 10 triệu đ/ha.
Tại ĐB sông Cửu Long, quy mô hộ lớn, tạo điều kiện để xây dựng ô thửa lớn, khoảng cách kênh và đường giao thông nội đồng cũng lớn nên suất đầu tư xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa khoảng 70 triệu đ/ha, chưa bằng một nửa suất đầu tư vùng ĐB sông Hồng. Như vậy ruộng đất nhỏ lẻ là một khó khăn trở ngại không những trong liên kết, tổ chức sản xuất mà còn trong nhu cầu kinh phí đầu tư lớn và hiệu quả đầu tư thấp khi xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất lúa.
Từ những kết quả đạt được, nhóm nghiên cứu khuyến nghị một số giải pháp về cơ chế chính sách như sau:
i). Đối với Chính phủ và các Bộ, Ngành
- Tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy liên kết thông qua cơ chế, chính sách và chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
- Bộ Nông nghiệp và PTNT trình chính phủ sửa đổi bổ sung khắc phục những hạn chế của QĐ 62 và TT15, bổ sung “tổ hợp tác” vào đối tượng áp dụng.
- Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ bố trí nguồn kinh phí cho các địa phương để triển khai, xây dựng chính sách hỗ trợ theo QĐ 62.
- Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn về vùng nguyên liệu xuất khẩu gạo. Xây dựng hệ thống thông tin và dự báo về sản xuất và thị trường thống nhất từ trung ương đến địa phương.
ii). Đối với các địa phương
- Tiếp tục thực hiện hoàn thành dồn điền đổi thửa, xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng tạo điều kiện để phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng cánh đồng lớn.
- Khuyến khích thành lập, củng cố phát triển tổ chức đại diện nông dân (Hợp tác xã, Tổ hợp tác) trong liên kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp, đặc biệt ở các vùng định hướng xây dựng cánh đồng lớn.
- Xây dựng mỗi tỉnh một số mô hình điểm áp dụng liên kết sản xuất theo Quyết định 62 của thủ tướng chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liê kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản để rút kinh nghiệm ra diện rộng
iii). Đối với doanh nghiệp và HTX
- Các doanh nghiệp xây dựng dự án/phương án cánh đồng lớn trình UBND tỉnh phê duyệt
- Các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo gắn nông dân với thị trường, cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Doanh nghiệp cần tham gia ngay từ đầu vụ sản xuất và xây dựng vùng nguyên liệu ổn định để nông dân an tâm sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Liên kết giữa doanh nghiệp cần thực hiện khép kín từ cung ứng vật tư đến tiêu thụ sản phẩm. Củng cố và phát huy hiệu quả của các hoạt động của nhóm cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân thực hiện các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác để nâng cao hiệu quả sản xuất và nâng cao tỉ lệ thành công của hợp đồng ký giữa doanh nghiệp và người sản xuất lúa gạo
- Nông dân liên kết trong tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất tập trung, sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, đúng quy trình kỹ thuật.
- Hợp tác xã, tổ hợp tác có vai trò liên kết nông dân, là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp.
*Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14648/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.