Cá bỗng là loại cá quý hiếm phân bố tự nhiên ở vùng trung và thượng lưu các sông lớn ở các tỉnh phía Bắc như sông Lô, sông Gâm và sông Miện. Cá bỗng nổi tiếng là một trong năm loài cá “tiến vua” bởi chất lượng thịt thơm ngon. Hiện nay, cá bỗng đã nằm trong sách đỏ thuộc diện cần bảo vệ khẩn cấp, cấp độ V. Đây là loài thành thục muộn, nuôi khoảng 10 năm cá bỗng mới bắt đầu sinh đẻ nhưng tỷ lệ sống thấp, chỉ khoảng từ 30% đến 40%. Trước thực trạng đó, nhằm bảo vệ được nguồn gen quý, Trung tâm Thủy sản Hà Giang được sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 1 đã thực hiện thành công kỹ thuật cho cá bỗng sinh sản nhân tạo và Trung tâm trở thành đơn vị đầu tiên làm chủ kỹ thuật nhân giống, sinh sản nhân tạo cá bỗng. Nhờ đó, Hà Giang chủ động nguồn giống để phát triển nghề nuôi cá bỗng, đồng thời bảo vệ được nguồn gen quý cá bỗng Hà Giang.
Ở Hà Giang, cá bỗng gắn với đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Tày. Người dân tộc Tày quý trọng và nâng niu cá bỗng như của cải có giá trị, họ dâng lên trời đất, tổ tiên để tỏ lòng kính trọng. Với phương thức chăn nuôi truyền thống, cá bỗng Hà Giang nổi tiếng thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao, vì vậy, giá thành cá bỗng ở Hà Giang cũng cao hơn một số khu vực khác.
Nhà sàn, ao cá của người Tày ở Hà Giang
Cá bỗng Hà Giang được người Tày nuôi từ rất lâu đời nên thích nghi với nhiệt độ môi trường nước ở Hà Giang, cá khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao. Cá bỗng Hà Giang có màu xám thẫm, lưng màu đen hoặc xám xanh, nhạt dần về phía bụng. Vảy cá bỗng ở Hà Giang cứng, da dày. Khi cá bỗng Hà Giang có khối lượng cá từ 2 kg trở lên, cá có hàm lượng chất béo thô từ 3,06% đến 8,70%, hàm lượng protein thô từ 17,52% đến 19,64%, hàm lượng cholesterol từ 213,90 mg/kg đến 414,60 mg/kg, hàm lượng axit amin tổng số từ 14,15% đến 16,77%, tỷ lệ cơ thịt cao, từ 37,0% đến 51,1%.
Cá bỗng được nuôi tại xã Phương Độ, thành phố Hà Giang
Để có những chất lượng như vậy là nhờ đặc thù của khu vực địa lý. Khu vực nuôi cá bỗng ở Hà Giang có mật độ sông, suối, ao, hồ dày đặc. Nguồn nước được lấy từ nước suối hoặc nước mó (nước từ trong các khe chảy ra) nên nước nuôi cá bỗng Hà Giang có độ trong cao, từ 60 cm đến 85 cm. Đây chính là nguyên nhân làm cho màu sắc của cá bỗng ở Hà Giang có màu sậm hơn cá được nuôi ở lòng hồ Tuyên Quang. Cũng do quá trình dẫn nước về ao, nước chảy xuống va đập vào vách núi đã làm cho hàm lượng ô xy hòa tan trong nước cao từ 6,10 mg/l đến 8,44 mg/l giúp cho cá bỗng Hà Giang khỏe hơn vùng khác. Hàm lượng CaCO3 trong nước cao từ 30,24 mg/l đến 40,14 mg/l, vì vậy mà vảy cá bỗng ở Hà Giang cứng, da cá dày nên sau khi chế biến, ăn rất ngon.
Cá bỗng được người dân tộc Tày ở Hà Giang nuôi từ lâu đời, do đó cá thích nghi tốt với môi trường nơi đây, và trở thành loài cá đặc hữu của Hà Giang. Trải qua thời gian từ đời này sang đời khác, phần lớn người dân nuôi cá bỗng Hà Giang vẫn giữ phương pháp nuôi quảng canh, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương, cho ăn thức ăn xanh, chủ yếu là rau, lá sắn, thân chuối băm nhỏ, có thể tận dụng bèo. Vì vậy, để cá có khối lượng từ 2 kg, thời gian nuôi phải mất 3 năm, cá chậm lớn hơn các địa phương khác nên chất lượng cá bỗng có độ thịt cá chắc, dai, vị thơm ngon.
Danh tiếng của cá bỗng Hà Giang có được nhờ tổng hợp của các yếu tố tự nhiên, nguồn giống, quá trình chăm sóc. Truyền thống nuôi cá bỗng và phong tục của người dân tộc Tày ở Hà Giang đã tạo nên nét văn hóa riêng, thu hút khách du lịch đến khám phá. Bên cạnh đó, bí quyết chế biến truyền thống của bà con đã tạo ra những món ăn mà khách thập phương ưa thích, không thể quên.
Khu vực địa lý: Xã Trung Thành, xã Việt Lâm, xã Quảng Ngần, xã Minh Tân, xã Phú Linh, xã Phương Tiến, xã Thanh Thủy, xã Cao Bồ, xã Thượng Sơn, xã Thuận Hòa thuộc huyện Vị Xuyên; xã Đường Âm, xã Yên Định, xã Minh Sơn, xã Lạc Nông, xã Giáp Trung, xã Yên Cường, thị trấn Yên Phú thuộc huyện Bắc Mê; xã Xuân Giang, xã Hương Sơn thuộc huyện Quang Bình; xã Tiên Kiều, xã Quang Minh, xã Việt Vinh, thị trấn Việt Quang thuộc huyện Bắc Quang; xã Phương Thiện, xã Phương Độ, xã Ngọc Đường và phường Quang Trung thuộc thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang.