Thứ ba, 18/05/2021 08:18 GMT+7

TS Nghiêm Vũ Khải: 'Thúc đẩy chính sách phát triển trụ cột trong khoa học'

Theo TS Khải, nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi cho đội ngũ nhà khoa học trẻ, nguồn nhân tài quốc gia cần được cụ thể hóa và triển khai trong thực tế.

Là người luôn theo sát những chuyển động khoa học công nghệ nước nhà, TS Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, một số chỉ tiêu về công trình công bố hàng năm tăng nhiều, chỉ số đổi mới sáng tạo, nhất là của doanh nghiệp tăng liên tục từ năm 2017, khoảng cách về chỉ số năng lực cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu được rút ngắn. Hiện Việt Nam đứng thứ 42 về chỉ số đổi mới sáng tạo trong 130 quốc gia và là một trong ba nước ASEAN nằm trong top đầu của đổi mới sáng tạo.

"Điều này được thể hiện rõ nhất trong công tác phòng chống Covid-19 hơn một năm qua khi Việt Nam là một trong 43 nước sản xuất được vaccine, làm chủ công nghệ xét nghiệm nhanh, chế tạo được máy thở hạn chế lây lan bệnh dịch", ông nói.

TSKH Nghiêm Vũ Khải. Ảnh: NVCC.

TSKH Nghiêm Vũ Khải cho rằng, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa bao giờ được đề cập sâu sắc và toàn diện trong văn kiện đại hội Đảng như Đại hội lần thứ 13 vừa qua. Phương châm xây dựng "3 trụ cột" là thể chế, nhân lực và hạ tầng được đề cập trong văn kiện Đại hội 13 mang tính chất bao trùm và xuyên suốt. Phương châm này hoàn toàn đúng đắn trong thực hiện mục tiêu phát triển nền khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

"Riêng trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội được Đại hội thông qua có gần 40 lần cụm từ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được nhắc tới, cùng với các quan điểm, chủ trương coi đây thực sự là quốc sách hàng đầu của đất nước", ông nhấn mạnh.

Vì vậy, nhiều chính sách, luật khoa học công nghệ được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện để phù hợp với thực tế như luật công nghệ cao, luật chuyển giao công nghệ, các chủ trương đầu tư ưu tiên trước một bước được đưa ra nhằm tạo nguồn lực và sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, Luật Khoa học và Công nghệ quy định, ngân sách nhà nước hàng năm dành không dưới 2% ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ; tổng đầu tư của toàn xã hội vẫn chưa được 1% GDP, trong khi các nền kinh tế lớn trên thế giới chi khoảng 3 -5% GDP cho khoa học công nghệ.

"Khi đầu tư chưa đủ thì khó có thể tạo nên cơ sở hạ tầng và tập hợp đội ngũ khoa học tinh hoa để thực hiện các dự án khoa học có ý nghĩa đột phá để nâng cao năng lực, vị thế của nền khoa học quốc gia phục vụ phát triển đất nước", ông nói và cho biết, các yếu tố thúc đẩy trụ cột phát triển khoa học làm chưa tới nơi, như vậy khó tạo ra môi trường để các nhà khoa học trẻ tiếp cận và tạo đột phá.
 

Sinh viên tại phòng thí nghiệm Đại học Phenikaa. Ảnh: HM.

Theo TS Khải, Việt Nam có một tài sản vô cùng quý giá là đội ngũ tri thức gồm các nhà khoa học được đào tạo từ các nước G7, G20, luôn mang tâm thế sẵn sàng trở về được cống hiến, ưu tiên công việc nghiên cứu hơn đãi ngộ và sự tôn vinh ghi nhận của xã hội.

Hơn lúc nào hết, ngành Khoa học cần sự chung tay để thực hiện quyết liệt các chính sách phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu: Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/ts-nghiem-vu-khai-thuc-day-chinh-sach-phat-trien-tru-cot-trong-khoa-hoc-4277596.html

Nguồn: vnexpress.net

Lượt xem: 4254

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)