Phát biểu khai mạc các Cuộc họp nói trên, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Cơ quan pháp quy hạt nhân của Việt Nam) Nguyễn Tuấn Khải khẳng định vai trò quan trọng trong hợp tác kỹ thuật giữa Việt Nam và IAEA trong thời gian vừa qua, mong muốn thông qua các cuộc họp này, các Cơ quan/Đơn vị có liên quan có cơ hội để đánh giá tổng quan kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2016-2020, cũng như cùng phối hợp xây dựng kế hoạch hợp tác với IAEA trong giai đoạn tiếp theo (2021-2026).
Cuộc họp ngày 05/5/2021 tập trung đánh giá kết quả các Dự án TC hợp tác với IAEA trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2016-2020. Đại diện các đơn vị tham gia báo cáo tham luận gồm có GS.TS. Lê Ngọc Hà, Chủ nhiệm Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện TW Quân đội 108 (Chủ dự Dự án VIE6029 và VIE6033); GS.TS. Mai Trọng Khoa, Bệnh viện Bạch Mai (Chủ Dự án VIE6031); và TS. Đặng Thanh Lương, Phó trưởng khoa Y, Trưởng ngành Vật lý y khoa, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (Chủ dự án VIE6030). Các Dự án nói trên là các dự án sử dụng kỹ thuật hạt nhân hiện tại trong việc kết hợp hình ảnh PET/CT để lập kế hoạch xạ trị trong điều trị bệnh ung thư (VIE6029), ứng dụng cấy hạt phóng xạ I-125 trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt (VIE6031) nói riêng hay quản lý việc điều trị bệnh ung thư (VIE6033) ở Việt Nam nói chung. Cũng tại Cuộc họp, TS. Đặng Thanh Lương đã đề cập đến vấn đề phơi nhiễm bức xạ trong các thủ tục chẩn đoán y tế là một vấn đề rất đáng được quan tâm nghiên cứu nhằm đảm bảo an toàn bức xạ trong y học bức xạ, từ đó đặt ra yêu cầu cấp thiết xây dựng chương trình đào tạo vật lý y khoa một cách hệ thống tại các cấp học khác nhau.
Cuộc họp Nhóm chuyên gia trong lĩnh vực y tế ngày 05/5/2021 tại Cục ATBXHN
Cùng với lĩnh vực y tế, Cuộc họp ngày 07/5/2021 là dịp để các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp trình bày các kết quả nổi bật của các Dự án TC hợp tác với IAEA trong lĩnh vực nông nghiệp trong giai đoạn 2016-2020. Nổi bật ở giai đoạn này phải kể đến các kết quả trong chọn giống đột biến đối với các giống cây trồng (54 giống lúa đột biến, 16 giống đậu tương đột biến, v.v) đã đem lại tác động kinh tế - xã hội to lớn đối với ngành nông nghiệp và người nông dân trên khắp cả nước trong thời gian qua (Dự án VIE5020 do GS.TS. Lê Huy Hàm, Viện Di truyền Nông nghiệp làm Chủ Dự án). Dự án VIE5021 do TS. Nguyễn Thị Thanh Hiền, Viện Bảo vệ thực vật làm Chủ Dự án cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc quản lý trên diện rộng ruồi đục quả bằng biện pháp ứng dụng công nghệ hạt nhân hiện đại (kỹ thuật tiệt sinh côn trùng), góp phần quan trọng vào quá trình đàm phán để đưa quả thanh long của Việt Nam đến với các thị trường nhập khẩu khó tính trên thế giới. Ngoài ra, cũng trong lĩnh vực nông nghiệp, Dự án VIE5019 và VIE5021 do Cục Thú y làm Cơ quan chủ quản cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần vào việc khống chế các loại dịch bệnh trên động vật lây truyền qua biên giới, đồng thời, cũng đã góp phần hỗ trợ công tác xét nghiệm Covid-19 ở Việt Nam trong một số giai đoạn cao điểm khi khả năng xét nghiệm của ngành y tế bị quá tải.
Cuộc họp Nhóm chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp ngày 07/5/2021 tại Cục ATBXHN
Hợp tác giữa Việt Nam và IAEA thông qua các Dự án TC là một trong những hoạt động hợp tác quan trọng nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển các ứng dụng của công nghệ hạt nhân vì các mục đích hòa bình như: y tế, nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục, nghiên cứu và phát triển, v.v. Các Dự án TC nói trên được đề xuất xây dựng và được IAEA phê duyệt để triển khai trong khuôn khổ Khung Chương trình quốc gia (CPF) trong hợp tác giữa Việt Nam và IAEA giai đoạn 2016-2020. Hiện tại, Cục ATBXHN- Bộ KH&CN đang chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng Dự thảo Khung Chương trình quốc gia trong hợp tác kỹ thuật giữa Việt Nam và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế giai đoạn 2021-2026, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong năm nay./.