ThS. Lương Hữu Toàn - Chủ nhiệm đề tài trình bày tại Hội đồng tư vấn, đánh giá kết quả nghiên cứu.
Hệ sinh thái (HST) san hô được coi là HST đặc thù của vùng biển nhiệt đới, có giá trị quan trọng về đa dạng sinh học; là nơi sinh cư, kiếm ăn cho các loài động, thực vật biển, nơi duy trì nguồn lợi sinh vật biển. Tuy nhiên, do ngư dân khai thác thuỷ sản trong khu vực HTS san hô bằng các phương thức gây hại như kéo lưới, lưới giã, mìn, hoá chất, xung điện, lặn và giẫm đạp lên khiến HST san hô bị suy giảm nghiêm trọng từ 30,6% độ che phủ năm 1995 xuống còn 18.75% năm 2013.
Đề tài đã tiến hành nghiên cứu khảo sát hiện trạng rạn san hô và lựa chọn một số loài san hô phục vụ công tác nghiên cứu, phục hồi. Mẫu sử dụng trong nghiên cứu là 5 loài san hô cứng (gồm 2 loài san hô cành, 2 loài san hô bàn và 1 loài san hô phủ) có kích thước từ 1,5-3,5 cm. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện nhân giống trong môi trường nhân tạo qua 02 lần thực nghiệm, đồng thời làm thí nghiệm khảo sát các nội dung như: Đánh giá biến động độ phủ; đánh giá một số nguyên nhân tác động; nghiên cứu địa điểm, điều kiện môi trường và loài san hô trồng phục hồi trước khi san hô được mang đi trồng phục hồi tại 02 điểm Tây Bắc và Tây Nam trên đảo Bạch Long Vĩ.
San hô giống sau 30 ngày.
Sau 24 tháng triển khai nghiên cứu, Ban chủ nhiệm đề tài đã xây dựng được 01 quy trình nhân giống san hô trong môi trường nhân tạo và 01 quy trình trồng phục hồi san hô ngoài môi trường tự nhiên từ giống nhân tạo. Kết quả môi trường quan trắc tại địa điểm trồng phục hồi và rạn lân cận đều thích hợp cho san hô phát triển. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành 02 đợt trồng phục hồi san hô ngoài tự nhiên với tổng số 1.302 mảnh san hô nhân tạo trên diên tích 5.100m2. Sau 4 tháng trồng phục hồi, tỷ lệ sống trung bình đạt 80% (chỉ tiêu đề ra là 70%), tăng trưởng trung bình rất tốt (4,7mm/tháng) với độ phủ tăng trưởng trung bình của san hô đạt 1,7 cm2/tháng.
Tuy còn một số hạn chế về cơ sở khoa học trong việc lựa chọn giống, kích thước san hô, ảnh hưởng của các yếu tố thiên địch và dịch hại, cơ sở kĩ thuật của thức ăn, ánh sáng đến sự phát triển của giống san hô, song Hội đồng khoa học đánh giá cao tính công phu, hiệu quả thực tiễn cũng như tính cấp thiết mà đề tài mang lại./.