Tham dự hội thảo có ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (sau đây gọi tắt là Cục Thông tin); ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin và gần 200 đại biểu là lãnh đạo của hơn 100 tạp chí khoa học của các Bộ, ngành, Viện Nghiên cứu, các trường đại học và hội nghề nghiệp.
Chuyển đổi số hiện nay đang là yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan tạp chí khoa học của Việt Nam. Trong những năm vừa qua, Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã tích cực hỗ trợ các tạp chí khoa học thông qua hệ thống VJOL. Đây là nền tảng số cho phép tổng hợp lưu giữ, giới thiệu thông tin về các bài báo khoa học đã được xuất bản trên giấy của những tạp chí khoa học tự nguyện tham gia cung cấp thông tin trên website VJOL. VJOL cung cấp các công cụ giúp các tạp chí triển khai chuyển đổi số, giúp đơn giản hóa và chuyên nghiệp hóa quá trình biên tập, xuất bản tạp chí trên môi trường xuất bản trực tuyến, đồng thời VJOL là nền tảng hiệu quả giúp tăng cường sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của các tạp chí khoa học đối với bạn đọc trong nước và quốc tế, phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập, giảng dạy và tăng cường hội nhập quốc tế về KH&CN. Hiện nay đã có 120 tạp chí khoa học của Việt Nam tham gia đăng tải tạp chí lên website VJOL (http://www.vjol.info.vn).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia nhấn mạnh về tầm quan trọng và sự cấp thiết của vấn đề chuyển đổi số đối với những người làm thông tin KH&CN nói chung cũng như làm tạp chí nói riêng
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi mô hình, phương thức hoạt động cũ, truyền thống sang phương thức hoạt động mới dựa trên cơ sở số hóa và ứng dụng công nghệ số. Đây là một xu thế tất yếu trong quá trình phát triển hiện nay. Ngày 03 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030” với 3 dịch vụ chính là: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Chính vì vậy, chuyển đổi số hiện đang là yêu cầu bắt buộc mà các Bộ, ngành địa phương, tổ chức doanh nghiệp cần thực hiện. Và trên thực tế, các Bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp đang rất tích cực trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể về chuyển đổi số và tạp chí khoa học cũng không nằm ngoài xu hướng bắt buộc đó.
Chia sẻ về nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số trong thời gian sắp tới, ông Trần Đắc Hiến nhấn mạnh chuyển đổi số là một hành trình dài, đồng thời, bày tỏ mong muốn hội thảo sẽ là bước khởi động cấp thiết để kịp thời hành động và thực hiện thành công chuyển đổi số hệ thống tạp chí khoa học Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Tap chí khoa học luôn là một diễn đàn ổn định, thường xuyên và minh bạch để trình bày các kết quả nghiên cứu, các nội dung học thuật. Đây là một trong những kênh truyền thông khoa học để giúp các nhà khoa học giới thiệu, công bố, phổ biến kết quả nghiên cứu nhưng đồng thời là kênh thông tin tham khảo đầu vào quan trọng cho hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học. Tạp chí khoa học cũng cho phép đánh giá hiệu quả năng suất của nhà nghiên cứu thông qua xem xét số lượng công bố của họ cũng như địa chỉ mà các công bố của họ được thực hiện. Tạp chí khoa học cũng là nơi có thể đánh giá chất lượng của các công trình nghiên cứu của nhà khoa học thông qua đo lường chỉ số trích dẫn của các bài báo được đăng tải trên tạp chí. Hoạt động thông tin KH&CN cũng cần nắm bắt xu thế này và tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi số.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe trình bày một số báo cáo liên quan đến Tạp chí KH&CN Việt Nam và thảo luận về phương hướng phát triển Tạp chí KH&CN Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số. Nội dung của các báo cáo bám sát chủ đề trọng tâm của hội thảo với nhiều góc nhìn khác nhau, tập trung chủ yếu vào các vấn đề sau: Tạp chí Khoa học Việt Nam trực tuyến (VJOL) - Công cụ tăng cường ảnh hưởng của các tạp chí khoa học Việt Nam; Xu thế xuất bản tạp chí khoa học trên thế giới; Tính cấp thiết của xây dựng chỉ số Vietnam Citation Index (VCI) và nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học của Việt Nam; Quản trị chất lượng và thương hiệu tạp chí khoa học Việt Nam thông qua chuyển đổi số; Giới thiệu xuất bản trên vjol.info.vn: Một số kết quả của Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam; Giới thiệu xuất bản trên vjol.info.vn: Báo cáo về tình hình hoạt động phiên bản điện tử của Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo.
Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 660 tạp chí được xuất bản, trong đó có trên 380 tạp chí khoa học được Hội đồng Giáo sư Nhà nước đưa vào danh sách xem xét, tính điểm cho các bài báo được công bố trong đó. Một đặc điểm thường thấy của xuất bản tạp chí khoa học ở Việt Nam là hầu hết các tạp chí được xuất bản bởi cơ quan chủ quản tạp chí mà không phải là nhà xuất bản. Các tạp chí khoa học của Việt Nam vẫn chủ yếu được xuất bản theo phương thức truyền thống trên giấy.
Tuy nhiên, nhìn chung, các tạp chí KH&CN của Việt Nam chưa được xuất bản trên nền tảng xuất bản điện tử chuyên dụng, phù hợp với yêu cầu tạp chí điện tử/tạp chí số. Việc phổ biến, truyền thông kết quả KH&CN Việt Nam qua tạp chí KH&CN ra thế giới còn rất hạn chế.
Nhằm hình thành một cổng thông tin tạp chí KH&CN Việt Nam, thúc đẩy truy cập đến tạp chí KH&CN, Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã xây dựng một hạ tầng số cơ bản cho Tạp chí KH&CN Việt Nam thông qua Hệ thống tạp chí khoa học Việt Nam trực tuyến, gọi tắt là VJOL (Vietnam Journals Online). Đây là một hệ thống tập hợp các tạp chí khoa học Việt Nam tự nguyện tham gia và cung cấp nội dung thông tin của tạp chí lên website, cho phép người dùng tin truy cập miễn phí. Mục đích của việc phát triển website VJOL là đẩy mạnh hình thức truy cập mở. Website VJOL có địa chỉ tên miền là: http://www.vjol.info.vn. (có báo cáo chuyên về VJOL được trình bày tại hội thảo). Trong những năm vừa qua, Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã tích cực hỗ trợ các tạp chí khoa học thông qua Hệ thống Tạp chí Khoa học Việt Nam trực tuyến -VJOL. Việc xây dựng và duy trì trang VJOL có ý nghĩa to lớn trong việc phổ biến thành tựu nghiên cứu và phát triển của Việt Nam cho cộng đồng thế giới. Tuy nhiên hiện nay việc tham gia vào hệ thống VJOL còn hạn chế.
Hội thảo là cơ hội để đại biểu lắng nghe ý kiến, kinh nghiệm của các chuyên gia liên quan đến định hướng, xu thế xuất bản cũng như cách tiếp cận và ứng dụng chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Kết luận tại Hội thảo, ông Trần Đắc Hiến bày tỏ mong muốn qua hội thảo, các tạp chí khoa học nỗ lực hơn nữa cũng như tích cực, chủ động đưa tạp chí kịp thời lên VJOL để chia sẻ với cộng đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo VJOL phát triển mạnh hơn nữa, cán bộ kỹ thuật của Cục Thông tin sẵn sàng hỗ trợ đắc lực đối với những tạp chí chưa có đủ nguồn lực và năng lực để đăng ký tham gia VJOL và xây dựng tạp chí khoa học, nhằm đáp ứng được nhu cầu thông tin của bạn đọc đồng thời đáp ứng được yêu cầu về đảm bảo kinh doanh/phát hành ấn phẩm của các đơn vị xuất bản tạp chí.