Quang cảnh Hội thảo.
Hội thảo nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực ngành hàng đồ gỗ có cơ hội gặp gỡ trao đổi và tìm hiểu thực trạng, nhu cầu thị trường KH&CNtrong ngành hàng này. Bên cạnh đó, Hội thảo còn là nơi xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu giữa các quỹ đầu tư, nhà sáng chế, các công ty tài chính, nhà máy sản xuất đồ gỗ lớn nhất Việt Nam.
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và doanh nghiệp KH&CN (NATEC), Giám đốc Ban Quản lý dự án VCIC phát biểu tại Hội thảo.
Tham dự hội thảo có ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Giám đốc Ban Quản lý dự án VCIC; ông Tạ Bá Hưng - Chủ nhiệm chương trình phát triển thị trường KH&CN, Bộ KH&CN; ông Huỳnh Quang Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam; ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; Ông hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng trường Đại học công nghiệp dệt may; Ông Nguyễn Phúc - Phó chủ tịch hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương cùng đại diện các trường đại học, các Hiệp hội chế biến gỗ và rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành gỗ.
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ cả năm 2020 đạt 12,32 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2019.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng 4,3%; kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm đạt 2.441 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2020. Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025 của ngành gỗ Việt Nam, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước đã chủ động ứng dụng công nghệ trong sản xuất, quản trị doanh nghiệp và bán hàng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; Giám đốc Ban Quản lý dự án VCIC cho biết, hội thảo giới thiệu một số sáng chế mới phục vụ cho việc nâng cao chất lượng và phát triển ngành đồ gỗ của Việt Nam đồng thời kết nối, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới cho doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện yêu cầu tái cấu trúc chương trình phát triển thị trường KH&CN cho thấy, đồ gỗ là nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch công nghệ khá cao (đạt 29,7%). Qua tính toán, phân tích cho thấy tiềm năng và dư địa ứng dụng công nghệ mới vào ngành đồ gỗ rất lớn. Chính vì thế, tại định hướng mà Bộ KH&CN đưa ra về việc tái cấu trúc chương trình phát triển thị trường KH&CN thời gian tới, trong 8 nhóm ngành hàng có giá trị xuất khẩu cao chúng tôi chọn đồ gỗ, dệt may, thủy sản và một số nhóm ngành hàng nữa để tập trung vào việc hỗ trợ phát triển thị trường trong thời gian tới. Qua đó, kết nối chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giúp nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp. Ông Phạm Đức Nghiệm chia sẻ.
Theo ông Phạm Đức Nghiệm, các hiệp định thương mại FTA thời gian qua đã mở ra nhiều cơ hội cho các ngành hàng Việt Nam trong việc xâm nhập vào thị trường quốc tế. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những thách thức mới, đặc biệt là các rào cản về thương mại, kỹ thuật. Chính vì vậy các doanh nghiệp Việt phải không ngừng chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và kỹ năng quản trị doanh nghiệp của mình. Do đó, việc kết nối giới thiệu chuyển giao các kỹ thuật mới cho các doanh nghiệp Việt Nam là yêu cầu mà Bộ KH&CN đang đặt ra thông qua chương trình phát triển thị trường công nghệ.
“Sau khi điều tra, đánh giá và tập hợp nhu cầu của doanh nghiệp, VCIC sẽ kết nối các nhu cầu của doanh nghiệp với các nhà phân phối giải pháp, đặc biệt là các sáng chế, công nghệ mới; thông qua đó giúp doanh nghiệp - trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ - vừa tăng năng suất, vừa giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh”, ông Phạm Đức Nghiệm cho biết thêm.
Tại hội thảo, các nhà sáng chế đã trình bày 3 sáng chế và giải pháp công nghệ áp dụng vào các nhà máy chế biến và sản xuất gỗ giúp tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giúp giảm giá thành của sản phẩm. Cụ thể là: Công nghệ luyện gỗ, dây chuyền xẻ gỗ tự động, dự án House 3D - khát vọng trở thành nền tảng C2M nội thất số 1 toàn cầu. Đây đều là những sáng kiến và giải pháp mới mang lại hiệu quả cao cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành hàng đồ gỗ nói riêng và góp phần giúp tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung.
Lễ ký kết hợp tác phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong ngành hàng đồ gỗ.
Trong khuôn khổ Hội thảo, Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (NATEC) cùng Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) đã chính thức công bố nội dung hợp tác về việc “Phát triển thị trường KH&CN trong ngành hàng đồ gỗ”. Trong đó hai bên nêu rõ quan điểm và hình thức hợp tác trong giai đoạn sắp tới, phía NATEC sẽ cung cấp các đầu mối công nghệ chế biến và sản xuất gỗ, Vifores là đầu mối kết nối giữa công nghệ với doanh nghiệp nhằm triển khai có hiệu quả các hoạt động chuyển giao công nghệ, thúc đẩy kinh doanh, xúc tiến thị trường và kết nối đầu tư trong lĩnh vực gỗ và lâm sản, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên. Đánh dấu cho sự kết nối bền chặt giữa KH&CN đối với ngành gỗ và mở ra nhiều điểm tích cực trong sự phát triển của ngành gỗ Việt Nam.
Hai bên sẽ cùng nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, tổng hợp nhu cầu công nghệ lĩnh vực gỗ và lâm sản trên phạm vi cả nước. Đồng thời, định kỳ xuất bản và công bố ấn phẩm “Nhu cầu công nghệ trong lĩnh vực gỗ và lâm sản của Việt Nam”. Tìm kiếm, sàng lọc, thẩm định và cung cấp thông tin lĩnh vực gỗ và lâm sản, các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu mở rộng thị trường, tìm kiếm chuyên gia, nhận chuyển giao công nghệ, nguồn cung công nghệ,…
Hai bên cũng hỗ trợ xúc tiến thị trường, chuyển giao công nghệ, kết nối đầu tư, nhằm thúc đẩy thương mại hóa và phát triển thị trường doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực gỗ và lâm sản; Phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm;…
Đại diện VCIC và Vifores tặng hoa cho đại diện các nhóm sáng chế.