Tham dự Hội thảo đã có trên 30 chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ khoa học có liên quan đến các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng và quản lý lò phản ứng.
Sau bài báo cáo đề dẫn của PGS. Nguyễn Nhị Điền tóm tắt kết quả nghiên cứu Tiền khả thi và đề xuất phân kỳ thực thi các ứng dụng và đầu tư thiết bị cho Dự án, Hội thảo đã được nghe 10 bài trình bày của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng lò phản ứng nghiên cứu, bao gồm: GS. Phạm Duy Hiển, nguyên Phó Viện trưởng và PGS. Vương Hữu Tấn, nguyên Viện trưởng Viện NLNTVN; GS. Mai Trọng Khoa, Bệnh viện Bạch Mai; GS. Lê Hồng Khiêm và GS Nguyễn Huy Dân, Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam; PGS. Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; PGS. Đặng Ngọc Toàn, Trường ĐH Duy Tân, TS. Hồ Mạnh Dũng, Trung tâm hạt nhân Tp HCM; TS. Phạm Ngọc Sơn và ThS. Dương Văn Đông, Viện NCHN. TS. Phan Sơn Hải, Viện trưởng Viện NCHN cùng nhiều GS, TS, các cán bộ khoa học trong và ngoài ngành đã tham dự Hội thảo.
PGS. Nguyễn Nhị Điền báo cáo dẫn đề Hội thảo
Hội thảo lần này là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài ngành thảo luận, trao đổi nhằm mục đích để Việt Nam có một lò phản ứng nghiên cứu mới được sử dụng hiệu quả, phục vụ phát triển tiềm lực khoa học hạt nhân và phát triển kinh tế – xã hội cho đất nước.
GS. Phạm Duy Hiển trình bày tại Hội thảo
Sau một ngày làm việc tích cực, trao đổi cởi mở, các giáo sư, nhà khoa học tham dự Hội thảo đã thống nhất một số nội dung chính như sau:
Một là, Việc đầu tư xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu mới là cần thiết cho phát triển ngành hạt nhân và phục vụ lợi ích kinh – tế xã hội của nước ta. Lò phản ứng mới sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng đồng vị và dược chất phóng xạ đang tăng nhanh ở trong nước và để mở rộng xuất khẩu; đồng thời để thay thế cho lò phản ứng Đà Lạt đã xây dựng 60 năm và có công suất thấp nên không có khả năng đáp ứng yêu cầu cung cấp sản phẩm và dịch vụ trong thời gian sắp tới.
PGS. Vương Hữu Tấn trình bày tại Hội thảo
Hai là, Lò phản ứng nghiên cứu cần đáp ứng được các ứng dụng chính mà Việt Nam đang cần và theo xu hướng của thế giới như: Sản xuất và cung cấp đồng vị phóng xạ, dược chất phóng xạ và nguồn phóng xạ kín cho nhu cầu của các ngành y tế, công nghiệp và nghiên cứu, với chủng loại và hoạt độ không chỉ đáp ứng để sử dụng trong nước mà còn có khả năng xuất khẩu, trong đó có thể sản xuất được một số đồng vị phóng xạ không thể thay thế trong chẩn đoán và điều trị ung thư như: Tc-99m, I-131, I-125, Sm-153, Y-90, Ho-166, Lu-177 và nguồn xạ trị áp sát Ir-192; các nguồn phóng xạ kín dùng trong công nghiệp như I-192, Se-75, Co-60, … Thực hiện các dịch vụ phân tích nguyên tố bằng kỹ thuật kích hoạt neutron, dịch vụ chiếu xạ pha tạp đơn tinh thể silic. Tiến hành các nghiên cứu về vật lý hạt nhân thực nghiệm, khoa học vật liệu bằng kỹ thuật nhiễu xạ và tán xạ neutron phục vụ nhu cầu nghiên cứu và sản xuất vật liệu mới. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử cho quốc gia.
GS. Lê Hồng Khiêm trình bày tại Hội thảo
Ba là, Để các lĩnh vực ứng dụng nêu trên có hiệu quả khi đưa lò vào vận hành, lò phản ứng phải được thiết kế theo công nghệ hiện đại với công suất khoảng 10 MWt và thông lượng neutron nhiệt cực đại khoảng 2×1014 n/cm2/s; lựa chọn đầu tư các thiết bị tân tiến để tiến hành các nghiên cứu, ứng dụng đạt tầm khu vực và quốc tế.
Bốn là, Để triển khai Dự án thành công, trong thời gian tới cần tiếp tục tổ chức các hội thảo chuyên sâu cho từng lĩnh vực cụ thể để trao đổi chi tiết nhằm có được thiết kế và đầu tư thiết bị phù hợp, đặc biệt là 3 lĩnh vực đang được các lò phản ứng đương đại trên thế giới quan tâm và đầu tư là: nghiên cứu khoa học vật liệu bằng các kỹ thuật tán xạ và nhiễu xạ neutron, dịch vụ chiếu xạ pha tạp silic và nghiên cứu chiếu xạ vật liệu lò phản ứng. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm và tập hợp khách hàng và các bên liên quan (stakeholders) từ các viện nghiên cứu, các trường đại học và các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đầu tư và tham gia sử dụng lò phản ứng cần được quan tâm và thực hiện sớm.
Chụp ảnh kỷ niệm tại Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt
Đặc biệt của Hội thảo lần này là sự có mặt và trình bày báo cáo của GS. Phạm Duy Hiển, là Tổng công trình sư của Công trình khôi phục và mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt giai đoạn 1979-1984, và là Viện trưởng đầu tiên của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, đã có công tập hợp đội ngũ cán bộ khoa học, xây dựng lên các hướng nghiên cứu và ứng dụng trên lò phản ứng để được Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế, TS. Hans Blix đánh giá Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt là một trong những lò phản ứng nghiên cứu được khai thác hiệu quả nhất trong số những lò phản ứng cùng công suất trên thế giới. Để tôn vinh những đóng góp và cống hiến của GS. Phạm Duy Hiển đối với Viện NLNTVN, nhân dịp này TS. Trần Chí Thành đã tặng món quà tuy không lớn về vật chất nhưng rất có ý nghĩa, đó là bức tranh mô hình Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, như là người con tinh thần trong suốt cuộc đời cống hiến cho ngành khoa học hạt nhân của GS. Phạm Duy Hiển.
TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN trao quà kỷ niệm cho GS. Phạm Duy Hiển