Thứ tư, 27/01/2021 15:32 GMT+7

Hội thảo “Bảo hộ nhãn hiệu âm thanh” trong khuôn khổ phi dự án “Hỗ trợ thực thi CPTPP trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ” do Ca-na-đa tài trợ

Nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Việt Nam, trong khuôn khổ phi dự án Hỗ trợ thực thi CPTPP trong lĩnh vực SHTT, phía Ca-na-đa phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện chuỗi các hoạt động nghiên cứu và tổ chức hội thảo chuyên môn. Hội thảo về “Bảo hộ nhãn hiệu âm thanh” tổ chức ngày 22/01/2021 là hội thảo đầu tiên được thực hiện trong chuỗi hoạt động này.

Tham dự Hội thảo, về phía Cục Sở hữu trí tuệ có ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cùng lãnh đạo, thẩm định viên thuộc Trung tâm thẩm định Nhãn hiệu, Trung tâm thẩm định Chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế, cán bộ làm công tác pháp chế, chính sách về SHTT và cán bộ các đơn vị liên quan. Về phía Ca-na-đa có Giáo sư Jeremy De Beer, chuyên gia về sở hữu trí tuệ tham gia dưới hình thức trực tuyến.   

Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng thay mặt lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu khai mạc hội thảo, nêu rõ vấn đề bảo hộ nhãn hiệu âm thanh hiện chưa được quy định trong văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam, do đó đòi hỏi Việt Nam cần tiến hành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn dưới luật có liên quan. Đây là một thách thức vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong bảo hộ và thực thi quyền đối với các đối tượng phi truyền thống như nhãn hiệu âm thanh. Việc chia sẻ kinh nghiệm của Ca-na-đa về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh sẽ rất hữu ích cho Việt Nam vào thời điểm này.

Trong chương trình Hội thảo, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, ông Nguyễn Việt Hà, chuyên viên Phòng Pháp chế và Chính sách trình bày dự thảo của Luật SHTT sửa đổi về nội dung bảo hộ nhãn hiệu âm thanh. Giáo sư Jeremy De Beer giới thiệu sơ bộ nội dung tài liệu nghiên cứu độc lập của phi dự án, đồng thời nêu những khuyến nghị cho Việt Nam liên quan đến nhãn hiệu âm thanh.

Trong phần trao đổi, thảo luận, các đại biểu tham dự đưa ra rất nhiều bình luận về câu hỏi liên quan đến căn cứ pháp lý cũng như thực tiễn thẩm định, đánh giá khả năng bảo hộ của nhãn hiệu âm thanh. Những đặc thù riêng của dấu hiệu âm thanh khi sử dụng làm nhãn hiệu cũng được chuyên gia giải đáp và giới thiệu từ pháp luật và thực tiễn thực hiện của Ca-na-đa. Theo Giáo sư Jeremy De Beer, Ca-na-đa bắt đầu bảo hộ nhãn hiệu âm thanh từ năm 2012, tuy nhiên đến nay mới có hơn 80 đơn đăng ký, trong số đó khoảng 40 đơn rút bỏ yêu cầu đăng ký. Mặc dù số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh ở Ca-na-đa chưa nhiều nhưng thực tiễn về hình thức thể hiện nhãn hiệu âm thanh khi đăng ký, cách thức lưu giữ dữ liệu âm thanh và tra cứu nhãn hiệu âm thanh và các tài liệu cần có khi nộp đơn là những vấn đề mà các đại biểu rất quan tâm.

Kết thúc Hội thảo, Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng đánh giá cao những chia sẻ rất hữu ích của chuyên gia và cảm ơn sự hỗ trợ của Ca-na-đa đối với các hoạt động trong khuôn khổ phi dự án. Cục Sở hữu trí tuệ mong muốn trong thời gian tới sẽ tăng cường hợp tác và nhận được sự hỗ trợ từ phía Ca-na-đa để cùng giải quyết những vấn đề về sở hữu trí tuệ mà hai bên cùng quan tâm.


Một số hình ảnh của Hội thảo:



Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng phát biểu tại lễ khai mạc Hội thảo



Chuyên gia Việt Nam trình bày báo cáo tại hội thảo



Giáo sư Jeremy De Beer tham gia dưới hình thức trực tuyến

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 1258

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)