Thứ bảy, 23/01/2021 10:42 GMT+7

Bài 5: Xây dựng tiến tới vận hành hiệu quả chính phủ số

Chính phủ số đề cập đến việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số, như một phần trong chiến lược hiện đại hóa của chính phủ, để tạo ra giá trị công. Mục tiêu chính của chính phủ số là cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho công chúng từ các góc độ khác nhau, bao gồm lợi ích của công dân, năng suất, chất lượng dịch vụ, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, sự công bằng và hòa nhập xã hội.

Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu khách quan (Ảnh tư liệu).
 

Mặc dù hầu hết các chính phủ đang coi là chính phủ điện tử là việc cung cấp các dịch vụ trực tuyến cho công chúng thì chính phủ số được dự đoán là ứng dụng các công nghệ mới vào trong hoạt động của các lĩnh vực như kinh tế, xã hội và thể chế... Vậy nên, chuyển đổi số chính phủ được coi là giải pháp để thực hiện các sáng kiến cần thiết để tạo ra những thay đổi trong việc cung cấp các dịch vụ trực tuyến thông qua cổng thông tin chính phủ điện tử, để tạo ra nền kinh tế bền vững, giảm chi phí, hợp tác và cạnh tranh; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và lấy người dân làm trung tâm.

Kỳ vọng hiện đại hóa và phát triển các hệ thống trực tuyến dựa trên công nghệ thân thiện với người dùng, định hướng chiến lược và cung cấp những trải nghiệm tốt hơn để không những đáp ứng nhu cầu của công dân tương tác với chính phủ, mà còn cải thiện cách thức hoạt động của hệ thống chính phủ. Quy trình hiện đại hóa này được gọi là chuyển đổi số chính phủ.

Chuyển đổi thường được sử dụng để biểu thị sự thay đổi, nỗ lực hiện đại hóa hoặc đổi mới, giới thiệu công nghệ kỹ thuật số trong các quy trình nghiệp vụ, mô hình cung cấp dịch vụ và văn hóa của chính phủ, cơ cấu lại cách chính phủ điều hành và thực hiện các chức năng cơ bản. Vì vậy, chuyển đổi là kết quả của việc “không chỉ làm mọi thứ tốt hơn một cách từng bước, mà về cơ bản là bằng cách làm mọi thứ trở nên khác đi”. Do đó, một yếu tố quan trọng để phân biệt chuyển đổi với các loại thay đổi dần dần là việc từ bỏ các mô hình vận hành tương tự (ví dụ: thủ công, giấy) để chuyển sang các hệ thống kỹ thuật số mới.

Triển khai Chính phủ điện tử góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch (Ảnh tư liệu)

Chuyển đổi số chính phủ được coi là một hành trình từ giai đoạn hiện tại lên các cấp số hóa cao hơn. Chuyển đổi cũng có thể được xem là quá trình chuyển từ chính phủ truyền thống thông qua các hình thức ban đầu của Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, bao gồm việc đưa ra các sáng kiến cần thiết để thực hiện các thay đổi sâu hơn trong việc cung cấp các dịch vụ trực tuyến thông qua các cổng chính phủ điện tử, sang nghiệp vụ rộng hơn của chính phủ. Các hệ thống dựa trên công nghệ mới, được “chuyển đổi” không chỉ thân thiện với người dùng, mà còn có định hướng chiến lược và có khả năng cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho những người tương tác với chính phủ, mà quan trọng hơn, cũng phải cải thiện cách mà hệ thống của chính phủ vận hành.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc và phải thực hiện theo đúng chủ trương, chỉ đạo tại Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây vừa là nhiệm vụ, nhưng cũng là giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Những năm gần đây, khi cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ, công cuộc chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các lĩnh vực của xã hội như truyền thông đại chúng, y học, khoa học… Chuyển đổi số trở thành cơ hội, đồng thời cũng là thách thức, đòi hỏi các các quốc gia, doanh nghiệp trên thế giới phải thực hiện thay đổi mạnh mẽ để phù hợp với sự tiến bộ của công nghệ, khoa học kỹ thuật.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp về quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, hướng tới người dân và doanh nghiệp. Trong các phiên họp Chính phủ, Thủ tướng luôn đặt vấn đề xây dựng và hoàn thiện thể chế. Bên cạnh đó, lấy việc cải cách thủ tục hành chính là trọng tâm, là xuyên suốt, thông qua Chính phủ điện tử để hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, tạo sự minh bạch của Chính phủ với người dân, cũng như sự trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan của Chính phủ, giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước 4 cấp.
 

Người dân thuận tiện hơn khi đến các cơ quan hành chính khi được ứng dụng công nghệ (Ảnh: PV)

Đặc biệt, xây dựng một hệ thống dịch vụ công, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân, mang tính minh bạch, hiệu quả, công khai và có trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước với sự giám sát của người dân, doanh nghiệp.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: Chúng ta xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số hướng tới nền kinh tế số, xã hội số trong khi chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, về đất đai, những cơ sở dữ liệu quốc gia khác, những quy định pháp luật đang dần hoàn thiện.

“Trong một thời gian ngắn, chúng ta đã làm được rất nhiều công việc, đó là khai trương và vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hệ thống E-cabinet, Cổng Dịch vụ công quốc gia…”- đồng chí Mai Tiến Dũng nói.

Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ: "Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh".

Bản thân chủ đề Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 là: "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao  và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao" cũng đề cập tới nội dung của chuyển đổi số (về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo).

Vậy là, nhìn vào thành quả của các nước trên thế giới, có thể nói, triển khai Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và là con đường để tạo lập phồn vinh cho dân tộc. Để có bước đột phá mạnh mẽ, Việt Nam cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của thế giới và xây dựng các bước triển khai cụ thể, trực diện với hiệu quả cao nhất. Với tinh thần như vậy, hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết mới của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Đây sẽ là định hướng cụ thể để triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số, xã hội số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu./.

Liên kết nguồn tin: https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/146239/Bai-5--Xay-dung-tien-toi-van-hanh-hieu-qua-chinh-phu-so.html
 

Nguồn: http://mic.gov.vn

Lượt xem: 2988

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)