Trong nửa đầu năm 2020, đại đa số các hoạt động hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ bị hủy bỏ hoặc trì hoãn do tình hình dịch COVID-19 bùng phát, lan rộng. Để khắc phục những khó khăn này, với tư cách Chủ tịch Nhóm AWGIPC, Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN xem xét, chuyển hướng triển khai các hoạt động hợp tác khu vực trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Việt Nam kêu gọi các thành viên ASEAN và các đối tác của ASEAN về sở hữu trí tuệ tích cực trao đổi, chia sẻ thông tin về các biện pháp ứng phó với COVID-19 trong việc cung cấp các dịch vụ về sở hữu trí tuệ. Đồng thời, Việt Nam cũng kêu gọi Nhóm AWGIPC cố gắng vượt qua khó khăn thách thức này để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của Nhóm trong việc triển khai có hiệu quả Hiệp định khung ASEAN về sở hữu trí tuệ cũng như Chương trình hành động của ASEAN về sở hữu trí tuệ giai đoạn 2016-2025.
Việt Nam chủ trì Cuộc họp đặc biệt của Nhóm AWGIPC (tháng 7 năm 2020) - cuộc họp trực tuyến đầu tiên trong lịch sử 24 năm hoạt động của AWGIPC
Việt Nam chủ trì Phiên họp trực tuyến chia sẻ thông tin về các biện pháp ứng phó đại dịch COVID-19 trong cung cấp dịch vụ ở hữu trí tuệ giữa các thành viên ASEAN và các đối tác của ASEAN (tháng 7 năm 2020)
Được sự ủng hộ của các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN, Việt Nam đã thực hiện tốt trọng trách Chủ tịch Nhóm AWGIPC trong năm 2020, bao gồm chủ trì thành công tất cả các Cuộc họp trực tuyến của Nhóm AWGIPC và hơn 20 cuộc họp trực tuyến khác bên lề các Cuộc họp AWGIPC, bao gồm: (i) các Cuộc họp cấp Lãnh đạo Cơ quan Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN và Lãnh đạo một số Cơ quan Sở hữu trí tuệ đã có cơ chế họp cấp cao về sở hữu trí tuệ như Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc (CNIPA), Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO); (ii) Phiên họp chia sẻ thông tin về các biện pháp ứng phó với COVID-19 trong cung cấp dịch vụ về sở hữu trí tuệ giữa các thành viên ASEAN và các đối tác của ASEAN; (iii) các cuộc họp đối thoại giữa AWGIPC và các đối tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ như Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO), Cơ quan Sở hữu trí tuệ châu Âu (EUIPO), Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh (UKIPO), Cơ quan Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Hiệp hội Nhãn hiệu quốc tế (INPA), Hiệp hội Sở hữu trí tuệ ASEAN (AIPA),…
Cuộc họp lần thứ 61 Nhóm AWGIPC và các sự kiện bên lề (tháng 9 năm 2020)
Vượt qua khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, với sự tham gia chủ động và tích cực của Việt Nam theo hai tư cách Chủ tịch Nhóm AWGIPC và một quốc gia thành viên, Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể, tạo dấu ấn trong những thành tựu năm 2020 của Nhóm AWGIPC: hoàn thành về cơ bản việc triển khai 04 hoạt động ưu tiên của năm 2020 trong đó có 01 hoạt động mà Việt Nam là nước đồng chủ trì; thông qua danh mục các hoạt động ưu tiên triển khai năm 2021; đảm bảo tiến độ triển khai Chương trình hành động ASEAN về sở hữu trí tuệ giai đoạn 2016-2025 (AIPRAP); hoàn tất việc đánh giá giữa kỳ tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025 (AEC Blueprint 2025) và AIPRAP; thống nhất đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của AIPRAP để trình lên Hội nghị Quan chức Kinh tế ASEAN (SEOM) tháng 01/2021 xem xét, thông qua,…
Việt Nam chủ trì Cuộc họp lần thứ 62 Nhóm AWGIPC và các sự kiện bên lề (tháng 11 năm 2020)
Có thể nói, cùng với sự nỗ lực và ủng hộ tích cực của cơ quan sở hữu trí tuệ các nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và các đối tác của ASEAN trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thành công của Việt Nam với vai trò Chủ tịch Nhóm Công tác về Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC) nhiệm kỳ 2016-2025 đã đóng góp vào thành công chung của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, thể hiện vai trò gắn kết và tôn trọng văn hóa của ASEAN trong việc triển khai các hoạt động hợp tác khu vực về lĩnh vực sở hữu trí tuệ./.