Đề tài nhằm nghiên cứu phát triển và ứng dụng kỹ thuật RT-PCR trong chẩn đoán và định type nhanh các chủng PEDV gây dịch PED; Giải mã, phân tích hệ gen của các chủng PEDV đang lưu hành tại Việt Nam; Xác định được nguồn gốc tiến hóa, sự biến đổi di truyền của các chủng PEDV; và phân lập PEDV và định hướng phát triển vaccine phòng dịch PED.
Một số kết quả của đề tài:
- Đã thu thập được 300 mẫu bệnh phẩm là ruột và phân của lợn nghi bị bệnh PED tại các tỉnh của miền Nam, miền Trung và miền Bắc của Việt Nam trong thời gian từ 2013-2016. Đây sẽ là nguồn mẫu bệnh phẩm quan trọng phục vụ các nghiên cứu không chỉ về virus gây bệnh PED mà còn đối với các virus gây tiêu chảy khác như TGE, Rotavirus, Deltacoronavirus...
- Đã ứng dụng thành công phương pháp RT-PCR trong chẩn đoán bệnh tiêu chảy cấp trên lợn (PED) nuôi tại Việt Nam.
- Đã khuếch đại và giải mã thành công các đoạn gen S, M, N và ORF3 của các chủng virus PED đang lưu hành ở Việt Nam.
- Đã giải mã được toàn bộ hệ genome của một chủng virus PED “HUA-14PED96” (mã số truy cập GenBank: KT941120).
- Đã xây dựng được cây phả hệ, xác định được nguồn gốc tiến hóa, sự biến đổi di truyền của các chủng virus PED đang lưu hành tại Việt Nam.
- Đã phân lập thành công 3 chủng virus PED từ thực địa, các chủng virus PED phân lập được sẽ là nguồn nguyên liệu quý phục vụ các nghiên cứu khác như nghiên cứu sản xuất vacxin phòng bệnh PED, nghiên cứu tạo các kít chẩn đoán nhanh bệnh PED, nghiên cứu bảo tồn quỹ gen vi sinh vật…
- Trong nghiên cứu này, ngoài các kết quả đã đạt được theo đúng các nội dung nghiên cứu của đề tài, các virus khác gây bệnh tiêu chảy trên lợn như virus dịch tả lợn (classical swine fever) và Deltacoronavirus cũng đã được nghiên cứu.
*Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14903/2017) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.