Toàn cảnh Hội thảo
Đến dự và chỉ đạo Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, Phó Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật. Tham gia Hội thảo có lãnh đạo các đơn vị trực tiếp biên tập dự án Luật: ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục SHTT, ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục SHTT, ông Lê Hồng Phong - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả và bà Trần Thị Hòa - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt. Hơn 150 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, cơ quan thực thi, hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp đã tham dự Hội thảo.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, ngày 10/6/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 106/2020/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Theo đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2022). Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã phân công Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự án Luật này. Việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT lần này nhằm thể chế hóa đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xử lý các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành; nội luật hóa các cam kết quốc tế.
Theo Thứ trưởng, việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực SHTT lần này có vai trò rất quan trọng, góp phần hoàn thiện thêm một bước để đưa hệ thống SHTT của Việt Nam trở thành công cụ quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, là động lực của kinh tế tri thức, của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Do đó, trong giai đoạn này, chúng ta cũng cần tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và tranh thủ sự hỗ trợ về mặt chuyên môn từ các nước có hệ thống SHTT phát triển lâu đời và phù hợp với xu thế chung của thế giới để làm sao có thể nội luật hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc là việc làm rất cần thiết.
Ông Marcus Winsley, Ông Marcus Winsley, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Vương quốc Anh phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Marcus Winsley, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam cho rằng, là một quốc gia được đánh giá cao vì có môi trường bảo hộ nhãn hiệu tốt nhất trên thế giới và đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ về thực thi quyền SHTT, Vương quốc Anh mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực SHTT và hỗ trợ Việt Nam tăng cường sự bảo đảm về mặt pháp lý cho các chủ thể quyền SHTT, đảm bảo SHTT đóng vai trò là chất xúc tác cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Do đó, trong khuôn khổ Dự án Phát triển lĩnh vực tài chính & SHTT tại Đông Nam Á (FSIP) thuộc Quỹ Thịnh vượng của Vương quốc Anh, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam rất vui mừng được hỗ trợ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 3 cơ quan được Chính phủ giao xây dựng, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT tổ chức Hội thảo này. Ông hy vọng các thảo luận tích cực từ các đại biểu tham dự Hội thảo ngày hôm nay sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích cho việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT của Việt Nam ngày càng phù hợp hơn với các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế về SHTT và tin tưởng rằng mối quan hệ kinh tế và thương mại nói chung và SHTT nói riêng của Vương quốc Anh và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển ngày càng vững mạnh hơn.
Điều hành Hội thảo, Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí cho rằng, với vai trò là cơ quan được Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ, Cục SHTT đã phối hợp với Cục Bản quyền tác giả và Cục trồng trọt khẩn trương triển khai các công việc liên quan và đến nay, dự thảo Tờ trình Chính phủ về dự án Luật và Dự thảo số 2 của dự án Luật đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Khoa học và Công nghệ để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Để hoạt động lấy ý kiến về dự thảo Luật thêm hiệu quả, bên cạnh việc lấy ý kiến dưới hình thức văn bản, Cục SHTT, Cục Bản quyền tác giả và Cục Trồng trọt cũng đã và đang tổ chức một số hội thảo, tọa đàm để trực tiếp trao đổi và ghi nhận ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Hội thảo đã nhận được hơn 50 lượt đại biểu phát biểu ý kiến đóng góp cho các các nội dung cụ thể của dự án Luật. Lãnh đạo Cục SHTT, Cục Bản quyền tác giả và Cục Trồng trọt chủ trì Hội thảo đã đánh giá cao các ý kiến đóng góp và thảo luận của các đại biểu tham dự Hội thảo liên quan đến các vấn đề dự kiến sửa đổi trong dự án Luật trong cả ba lĩnh vực sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, quyền liên quan và giống cây trồng. Các ý kiến đóng góp của các đơn vị, tổ chức cá nhân trong Hội thảo cũng như các ý kiến từ nhiều nguồn khác sẽ rất hữu ích cho việc hoàn thiện dự án Luật./.