156 gian hàng và năm cuộc tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIIE) năm 2021, diễn ra hai ngày 9 và 10-1, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội đã thu hút hàng nghìn người tham dự. Đây là triển lãm đầu tiên của Việt Nam về đổi mới sáng tạo (ĐMST) được tổ chức cùng thời điểm khởi công Trung tâm ĐMST Việt Nam (NIC).
Gian hàng trưng bày sản phẩm công nghệ.
Trình diễn công nghệ Việt
Các công nghệ về y tế là một trong những điểm nhấn tại VIIE 2021 do dịch Covid-19 với biến thể mới đang là vấn đề thời sự của y tế toàn cầu. Công ty Meiko Automation trình làng máy thở không xâm nhập, có khả năng điều chỉnh được nhịp thở, tốc độ thở, lưu lượng thở và tự động bắt được nhịp thở của người bệnh. Thiết bị được tích hợp giải pháp IoT, cho phép dễ dàng theo dõi từ xa, cảnh báo sau 10 giây khi không thấy bệnh nhân hô hấp, có thể tích hợp với điện thoại thông minh thích hợp điều trị tại nhà.
Trong khi đó, Trường đại học Quốc gia Hà Nội mang đến hơn 100 giải pháp, sản phẩm tập trung vào các lĩnh vực công nghệ, khoa học môi trường, vi sinh vật, y dược… Đặc biệt, có ba sản phẩm tham gia trình diễn tại sân khấu của triển lãm, gồm Blife- Hệ thống trợ giúp giao tiếp cho người bị tổng hợp chức năng vận động; phần mềm ứng dụng công nghệ thực tại ảo trong bảo tồn văn hóa phi vật thể ở Việt Nam và hệ thống theo dõi, chăm sóc sức khỏe từ xa demo tại thực địa.
Tiêu biểu cho công nghệ và ứng dụng của thiết bị không người lái có máy bay quan sát không người lái do Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học chế tạo, được sử dụng trong việc cứu hộ cứu trợ, giám sát từ trên cao, lập bản đồ và video hiện trạng đất, rừng, nguồn nước… Bên cạnh đó còn có thiết bị bay không người lái do Công ty MiSmart thiết kế, có thể bay cao 3.000m liên tục trong 20 phút. Được tích hợp trí tuệ nhân tạo, thiết bị có thể phân tích dữ liệu ảnh cây trồng, chỉ ra những bất thường của cây, từ đó đề xuất phun thuốc trừ sâu thích hợp.
Tại VIIE 2021, Tập đoàn Sunshine (Sunshien Group) mang đến hai giải pháp công nghệ mới. Đó là nền tảng Sliving IoT Platform và nền tảng phòng giao dịch số cho các ngân hàng. Với những công nghệ và sản phẩm này, Sunshine Group không chỉ ứng dụng cho các dự án bất động sản của mình mà còn tư vấn, cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp (DN), công ty, các khách hàng trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng Giám đốc Công nghệ Sunshine Group cho biết, CMCN 4.0 tạo ra các mô hình kinh tế mới, dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ (KHCN) và ĐMST, thúc đẩy các DN đầu tư vào nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới… Đây thật sự là một “cuộc chơi”, đòi hỏi DN phải bứt phá để tạo được dấu ấn trên thị trường.
“Nhờ sự đầu tư đúng hướng cho công nghệ và ĐMST, đến nay, các lĩnh vực chủ chốt của Sunshine Group đều trang bị nền tảng công nghệ thông minh, là “quân chủ lực” để chúng tôi bứt phá và tạo sự cạnh tranh”, ông Nguyễn Văn Minh chia sẻ.
Một trong năm cuộc tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIIE) năm 2021.
Vai trò kết nối
Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ chi cho KHCN của Việt Nam chỉ khoảng 0,44% GDP, thấp hơn nhiều so mức bình quân của thế giới 2,23% GDP nên đang tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ, ĐMST và năng suất lao động so với khu vực và thế giới. Rất ít DN Việt Nam quan tâm đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), ĐMST, chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, ý tưởng mới vào sản xuất, kinh doanh.
Song những tồn tại nêu trên sẽ nhanh chóng trở thành quá khứ nếu Việt Nam quyết tâm nắm bắt cơ hội của CMCN 4.0 để bứt phá. “Bệ phóng” cho động lực tăng trưởng mới đang hình thành, đánh dấu bằng Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 2-10-2019 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập NIC đầu tiên của Việt Nam. Đây là một bước đi mạnh mẽ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0.
Tại cuộc tọa đàm về vai trò của NIC trong nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, ông Marcin Miller, Phó Giám đốc hợp danh Mckinsey Việt Nam cho rằng, điều quan trọng nhất đổi với Việt Nam khi thúc đẩy ĐMST là xây dựng môi trường để các chủ thể, các bên liên quan có thể kết nối và phối hợp với nhau. Singapore cũng thành lập các trung tâm số hóa, các công viên ĐMST, các viện nghiên cứu, trường đại học... và rất thành công.
Các ý kiến tại tọa đàm cùng thống nhất quan điểm, xây dựng hệ sinh thái ĐMST là xu hướng được nhiều quốc gia theo đuổi thực hiện, hướng tới mục tiêu tập trung nguồn lực để phát triển các lĩnh vực theo kế hoạch định sẵn nhằm tạo ra giá trị mới có tính đột phá đến tăng trưởng.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Samsung Điện tử Việt Nam, Chính phủ nước Hàn Quốc đã thành lập 17 trung tâm kinh tế và ĐMST trên cả nước nhằm kết nối tất cả DN ĐMST, DN vừa và nhỏ với những DN lớn đang hoạt động tại quốc gia này và khu vực. Mỗi trung tâm duy trì kinh phí 1,8 tỷ USD/năm để đầu tư, bảo lãnh và cho vay phát triển các dự án ĐMST. Nhờ có nguồn vốn này đã thu hút thêm hàng tỷ USD vào ĐMST hoạt động sản xuất của các DN.
“Chúng tôi kỳ vọng NIC của Việt Nam sẽ là hạt nhân để thúc đẩy sự phát triển của đất nước, tạo động lực phát triển kinh tế mới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường và thịnh vượng”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hậu Covid-19 là thời điểm Việt Nam sẽ tập trung thúc đẩy năng lực sáng tạo, đưa KHCN và ĐMST trở thành động lực của phát triển kinh tế nhanh và bền vững, có thể thật sự “bắt kịp, đi cùng, vượt lên” các quốc gia hàng đầu thế giới.
Với cam kết của NIC đồng hành cùng các Quỹ đầu tư, dự kiến trong giai đoạn tới sẽ hỗ trợ, đưa vào thị trường hàng tỷ USD đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo.
Liên kết nguồn tin:
https://nhandan.com.vn/science-news/dong-luc-phat-trien-kinh-te-moi-631331/