Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
Tại buổi làm việc, đại diện Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, tiềm lực khoa học và công nghệ của nhà trường hiện có hơn 80 nhóm nghiên cứu tiềm năng, chín nhóm nghiên cứu mạnh, hai phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia, 11 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh. Khối tài sản trí tuệ của nhà trường khá lớn, với 288 bằng độc quyền về sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp…, trong đó, khoảng 60% bằng độc quyền về sáng chế và giải pháp hữu ích có tiềm năng thương mại hóa.
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng đã trở thành thành viên của Mạng lưới các trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới khởi xướng. Để quản trị, phát triển tài sản trí tuệ, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, ban hành Quy chế quản trị tài sản trí tuệ và ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2020-2021.
Mục tiêu của nhà trường thời gian tới là nâng cao nhận thức của người học, thầy, cô giáo về sở hữu trí tuệ ; tăng cường hướng dẫn các thầy, cô, nhà khoa học xác lập được tài sản trí tuệ và hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Mặc dù Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã được thành lập, nhưng quy mô còn nhỏ, trách nhiệm, nhiệm vụ lại rất nặng nề. Do đó, việc hợp tác với Cục Sở hữu trí tuệ để được hỗ trợ quản trị, phát triển tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ là bước đi tất yếu.
Tại buổi làm việc, đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, với các nội dung hợp tác như: Phối hợp hỗ trợ hoạt động quản trị và phát triển tài sản trí tuệ tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ cho cán bộ, giảng viên, nhà quản lý, nhà khoa học và sinh viên; tư vấn về xác lập, bảo vệ, quản lý và phát triển giá trị quyền sở hữu công nghiệp; hỗ trợ thương mại hóa, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong trường đại học…
Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí cho biết, từ năm 2005 đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã hợp tác với một số trường đại học, nhằm nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho sinh viên, giáo viên thông qua các khóa đào tạo, tập huấn, các cuộc thi…; hỗ trợ một số trường xây dựng chính sách và thành lập bộ phận quản trị tài sản trí tuệ. Cục Sở hữu trí tuệ cũng là đầu mối kết nối, đề xuất các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên các trường tham gia đào tạo về sở hữu trí tuệ do các tổ chức quốc tế hoặc cơ quan sở hữu trí tuệ các nước tổ chức. Đối với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, sau khi ký kết, các bên cần nghiêm túc triển khai thực hiện để có kết quả cụ thể thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
PGS, TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc thường trực Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, qua ký kết giữa hai đơn vị, trường kỳ vọng sẽ tăng số lượng sinh viên hưởng thụ từ các chương trình nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ; gia tăng số đơn đăng ký bảo hộ về sở hữu trí tuệ và tăng hợp đồng chuyển giao công nghệ; phát huy được trí tuệ của các thầy, cô giáo và Cục Sở hữu trí tuệ trong việc đóng góp các chính sách liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Liên kết nguồn tin:
https://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/ho-tro-phat-trien-tai-san-tri-tue-chuyen-giao-cong-nghe-tai-dh-quoc-gia-tp-ho-chi-minh-630755/