Nghiên cứu tìm ra chế phẩm giúp ngành nuôi tôm ở ĐBSCL phát triển bền vững, đây là một trong 62 nhiệm vụ đã chuyển giao thuộc Chương trình Tây Nam Bộ.
Cục CTPN tiền thân là “Văn phòng Bộ phận miền nam” thuộc Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước đặt tại TP Hồ Chí Minh, được thành lập theo Quyết định số 105-QĐ ngày 29-3-1980. Trải qua 40 năm hoạt động, Cục CTPN đã liên tục phát triển, luôn hoàn thành nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ giao.
Theo nguyên Cục trưởng Bùi Văn Quyền, giai đoạn 1980-2006, tuy lực lượng mỏng nhưng Cục CTPN đã tham gia Chương trình khoa học cấp Nhà nước "Điều tra cơ bản tổng hợp vùng ĐBSCL". Kết quả đưa ra những dự báo lớn tạo điều kiện cho Chính phủ xây dựng và triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL về vượt lũ, đào kênh, tháo chua, dẫn ngọt, chống hạn mặn...
Từ năm 2006 đến nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học - kỹ thuật, hoạt động kinh tế, KH và CN khu vực phía nam diễn ra rất sôi động, Cục CTPN đã cùng các đơn vị chức năng điều tra khảo sát, nắm bắt thực tiễn góp phần xây dựng Luật Công nghệ cao năm 2008, Luật KH và CN năm 2013, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017.
Bên cạnh đó, Cục còn đề xuất và phối hợp triển khai các chương trình KH và CN trọng điểm quốc gia, chương trình nông thôn miền núi tại phía nam, chương trình KH và CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ; phối hợp các sở KH và CN, viện, trường, doanh nghiệp (bốn nhà) đưa nhanh các chủ trương, chính sách KH và CN đến với cơ sở.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao với Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH và CN, Cục đã hoàn thành một nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu theo Nghị định thư với Trung Quốc, hai nhiệm vụ KH và CN cấp quốc gia về nâng cao năng suất chất lượng và phát triển tài sản trí tuệ; 20 nhiệm vụ KH và CN cấp Bộ và bốn nhiệm vụ KH và CN cấp cơ sở.
Đặc biệt, Cục đã góp ý cho Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng “Chương trình KH và CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ” (gọi tắt là Chương trình TNB). Mục tiêu của chương trình là cung cấp các luận cứ khoa học cho việc quy hoạch và thực hiện chiến lược, chính sách phát triển bền vững vùng TNB giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề xuất giải pháp KH và CN liên ngành để thúc đẩy liên kết nội vùng và liên vùng trong phát triển bền vững vùng TNB; triển khai có hiệu quả các giải pháp KH và CN phục vụ phát triển kinh tế, xã hội vùng TNB đã được xác định trong chiến lược phát triển KH và CN giai đoạn 2011-2020.
Trao đổi với các đại biểu, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030, trong đó khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, đã có nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam với mục tiêu tiếp cận sự phát triển và hòa nhập vào nền KH và CN toàn cầu.
Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta cần chuyển căn bản nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước”.
Vì vậy, với lợi thế tại địa bàn chiến lược phía nam năng động của một trong những khu vực kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới (23% diện tích và 37 % dân số cả nước với 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thu hút 57,5% vốn FDI của cả nước), Cục CTPN có cơ hội tận dụng nguồn lực và phát triển mạnh mẽ trong việc chuyển hóa và gắn kết các hoạt động KH và CN vào phát triển xã hội.
Với tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao, trong 40 năm qua, Cục CTPN đã đạt những thành tựu quan trọng, góp phần vào sự phát triển chung của khu vực như liên kết và kết nối các tổ chức trong và ngoài nước về hoạt động chuyển giao KH và CN; phối hợp các đơn vị nghiên cứu và giảng dạy tổ chức các hội thảo và hội nghị khoa học khu vực, quốc gia và quốc tế; tổ chức các khóa tập huấn về hoạt động quản lý KH và CN, ĐMST và SHTT; tham gia các hoạt động chương trình KH và CN quốc gia do Bộ KH và CN trực tiếp quản lý như: Chương trình năng suất chất lượng, chương trình quản trị tải sản trí tuệ...
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Cục CTPN cần chủ động đánh giá thực tiễn triển khai các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam nhằm đẩy mạnh hơn nữa vai trò của KH và CN phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố khu vực phía nam nói riêng và cả nước nói chung; Cục CTPN phải thực hiện được rõ nét hơn vai trò là đầu mối để liên kết các tỉnh trong vùng hoặc các tiểu vùng để triển khai các nhiệm vụ KH và CN chung, phục vụ các mục tiêu phát triển KTXH.
“Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đang phát triển rất mạnh mẽ, Cục CTPN phải chủ động hơn nữa trong việc thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở các tỉnh phía nam, tăng cường năng lực kết nối với không chỉ Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia mà còn với các Hệ sinh thái trong khu vực và trên thế giới. Khu vực phía nam có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn với đông đảo các nhà khoa học có trình độ cao, năng lực nghiên cứu rất tốt. Tuy vậy, lực lượng khoa học trong thời gian qua chưa tham gia nhiều vào các chương trình KH và CN cấp quốc gia. Hiện nay, Bộ đang hoàn thiện Đề án tái cấu trúc các chương trình KH và CN cấp quốc gia cho giai đoạn tới. Đề nghị Cục CTPN cần nghiên cứu kỹ và phối hợp các đơn vị chức năng của Bộ phổ biến, cung cấp thông tin cho các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học để giai đoạn tới đây, huy động được nhiều hơn nữa lực lượng khoa học này tham gia các chương trình quốc gia, giải quyết các bài toán lớn của khu vực và đất nước”, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh./.
Liên kết nguồn tin:
https://nhandan.com.vn/science-news/khoa-hoc-cong-nghe-giai-quyet-cac-bai-toan-lon-cua-khu-vuc-va-dat-nuoc--630611/