Thứ sáu, 25/12/2020 12:54 GMT+7

Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi cá rô phi thâm canh trong môi trường nước lợ bằng công nghệ Biofloc tại Hải Phòng

Đây là nhiệm vụ hợp tác giữa thành phố Hải Phòng và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam do TS. Nguyễn Xuân Thành - Viện Tài Nguyên và Môi trường Biển làm chủ nhiệm, được Hội đồng khoa học và công nghệ cấp thành phố đánh giá tại Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng sáng 22/12/2020.

TS. Nguyễn Xuân Thành - Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu tại Hội nghị.

Ban chủ nhiệm đề tài đã xây dựng 02 mô hình nuôi cá rô phi thâm canh trong môi trường nước lợ bằng công nghệ Biofloc tại Hải Phòng với diện tích 1.200 m2 và 2.000 m2, mật độ cá nuôi 6 con/m2. Kết quả sau 150 ngày nuôi thâm canh, cá rô phi thương phẩm ứng dụng công nghệ Biofloc đạt khối lượng trung bình 500g/con, tỷ lệ sống đạt 96,6%, năng suất 30 tấn/ha/vụ, hiệu quả sử dụng protein là 3,25 kg cá/ kg protein, lợi nhuận ròng cao hơn mô hình đối chứng không ứng dụng công nghệ Biofloc từ 5,8-6 lần, tỷ suất lợi nhuận cao hơn mô hình đối chứng từ 2,93 - 3,78 lần. Nuôi cá rô phi bằng công nghệ Biofloc giúp môi trường sạch hơn, các yếu tố môi trường luôn được điều chỉnh và kiểm soát trong giới hạn cho phép, giảm thiểu thay nước, tái sử dụng nước, giảm ô nhiễm môi trường, giảm hệ số thức ăn, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận so với các công nghệ nuôi cá rô phi thông thường.

Hội đồng khoa học và công nghệ cho biết, cá rô phi là một trong những đối tượng chủ lực phát triển kinh tế thủy sản thành phố (theo Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản Hải Phòng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030). Tuy nhiên, kỹ thuật nuôi cá rô phi tại Hải Phòng hiện còn khá đơn giản, chủ yếu tận dụng mặt nước để nuôi, vì vậy việc triển khai đề tài mang tính cấp thiết, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo phát triển bền vững, an toàn sinh học và thân thiện môi trường./.

Nguồn: Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng

Lượt xem: 875

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)