Trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp nổi bật trong ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Ngày 29/12, Bộ KH&CN tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020.
Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03/01/2006 với mục tiêu chung là từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp công nghệ hạt nhân có đóng góp hiệu quả trực tiếp cho phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước.
Chiến lược đề ra 03 nhiệm vụ bao gồm ứng dụng năng lượng bức xạ trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, phát triển điện hạt nhân và xây dựng và phát triển tiềm lực; xác định các chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn đến năm 2010, 2015 và 2020.
Theo TS. Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ KH&CN), sau gần 15 năm thực hiện Chiến lược, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đã có những kết quả và bước tiến đáng kể, có đóng góp trực tiếp và hiệu quả cho phát triển kinh tế -xã hội trên nhiều lĩnh vực .
Việt Nam đã ký kết các hiệp định hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử với các đối tác quan trọng (Nhật, Pháp, Mỹ) và tham gia hầu hết các điều ước quốc tế trong lĩnh vực an toàn, an ninh, không phổ biến vũ khí hạt nhân; hình thành hành lang pháp lý và hệ thống quản lý trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử như một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và hàng loạt cơ chế, chính sách, đề án, kế hoạch, dự án đã được xây dựng và tổ chức thực hiện.
Lĩnh vực y tế thể hiện rõ nhất các ứng dụng như y học hạt nhân, xạ trị điện quang. Đến cuối năm 2020, cả nước có 40 cơ sở y học hạt nhân, chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn. Về trang thiết bị có khoảng 52 thiết bị xạ hình (khoảng 40 máy SPECT và SPECT/CT, 12 PET/CT)... được đầu tư, đạt tỷ lệ khoảng 0,55 máy/1 triệu dân.
GS.Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung Tâm ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tốc độ phát triển các hệ thống ghi hình tích hợp (hybrid imaging) như SPECT/CT, PET/CT... của Việt Nam cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Các kỹ thuật xạ hình bằng SPECT&SPECT/CT đối với ung thư và di căn, các bệnh tim mạch, hệ tiêu hóa, xương khớp, hô hấp… đã và đang được thực hiện có kết quả cho hàng nghìn bệnh nhân mỗi năm. Kỹ thuật xạ hình PET/CT đã trở thành kỹ thuật thường quy trong chẩn đoán-điều trị các bệnh về ung thư, tim mạch và thần kinh tại Việt Nam.
Trong xạ trị, các thiết bị gia tốc xạ trị, xạ trị áp sát liều cao, phẫu xạ hiện đại của thế giới cũng được đầu tư lắp đặt ở Việt Nam. Sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ gia tốc đã giúp cho phương pháp xạ trị đạt được hiệu quả và có nhiều ưu thế trong trị liệu ung thư.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, theo TS. Lê Đức Thảo, Phó Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, chọn tạo giống bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến đã có sự phát triển đáng kể bằng việc tạo ra và đưa vào sản xuất nhiều loại giống cây trồng như lúa, ngô, đậu tương có năng suất cao, phẩm chất tốt; hình thành mạng lưới với 10 cơ sở nghiên cứu chọn tạo giống tập trung ở miền Bắc và miền Nam, trong đó 8 cơ sở đã có giống đột biến phóng xạ được đăng ký và đưa vào trong sản xuất.
Đến cuối năm 2020, Việt Nam đã tạo ra và đưa vào trong sản xuất 71 giống cây trồng đột biến bằng phương pháp chiếu xạ, trong đó chủ yếu là giống lúa còn lại là một số giống khác như đậu tương, ngô, hoa, táo, bạc hà (54 giống lúa, 16 giống đậu tương, 10 giống ngô, hoa, táo, bạc hà).
Các giống lúa được chọn tạo bằng phương pháp đột biến phóng xạ đã mang lại hiệu quả kinh tế to lớn trong việc bảo đảm an ninh lương thực.
Tại Hội nghị, các nhà quản lý và chuyên gia đã đánh giá kết quả thực hiện 08 giải pháp của Chiến lược, bao gồm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách, hoạt động nghiên cứu-triển khai, đảm bảo an toàn và an ninh, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế...
Đồng thời cũng đã chỉ ra một số khó khăn, hạn chế như một số chỉ tiêu được đặt ra trong các quy hoạch nhưng chưa có nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng, các phòng thí nghiệm với các thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân hiện đại; nguy cơ thiếu hụt lực lượng chuyên gia cho một số hướng nghiên cứu, ứng dụng quan trọng; chưa có chương trình quốc gia về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho rằng, sau 15 năm thực hiện Chiến lược, từ các ngành y tế, công nghiệp, nông nghiệp... đều thấy vai trò của năng lượng nguyên tử.
Tuy đã có nhiều kết quả nổi bật nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho rằng, trong giai đoạn tới chúng ta cần tập trung nghiên cứu, ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả hơn nữa. Bộ KH&CN sẽ tổng hợp các ý kiến trình Chính phủ phương án phát triển năng lượng nguyên tử tại Việt Nam trong giai đoạn tới.
Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Se-trinh-phuong-an-phat-trien-nang-luong-nguyen-tu-tai-Viet-Nam/418296.vgp