Hội thảo là một trong những hoạt động trọng tâm nằm trong chuỗi sự kiện thuộc Chương trình “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ III, thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý uy tín cao và dày dặn kinh nghiệm. Sự kiện góp phần trao đổi kinh nghiệm và lan tỏa những sáng kiến của các tổ chức, cá nhân trong việc hỗ trợ cộng đồng và tham gia phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tham gia hội thảo còn có sự hiện diện của các chuyên gia là thành viên Hội đồng Chung khảo và Hội đồng Sơ khảo của Cuộc thi Sáng kiến vì cộng đồng. Buổi Hội thảo đã thực sự mang lại nhiều cảm xúc và có tính tương tác cao.
Các đồng chí TS. Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Từ hơn 400 sáng kiến, sau quá trình chấm giải nghiêm túc, Ban Tổ chức đã thận trọng lựa chọn ra 20 sáng kiến được đánh giá là có tính sáng tạo, tính lan tỏa, giá trị ứng dụng thực tiễn và mang lại nhiều giải pháp hữu ích giải quyết nhu cầu xã hội đặt ra, để trao 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba và 10 giải Khuyến khích.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà đánh giá, dù được phát động trong một quãng thời gian không dài, nhưng cuộc thi đã nhận được nhiều sáng kiến dự thi có tính sáng tạo và ý nghĩa thực tiễn cao của nhiều tổ chức, cá nhân trên cả nước, rất cần được hỗ trợ, đầu tư để hiện thực hóa. Có thể xem đây là nguồn vốn quý tạo nên sức mạnh cộng đồng, thúc đẩy khát vọng sáng tạo, vun đắp ý tưởng để cùng tạo nên những giá trị mới, sản phẩm mới nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước…
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu đề dẫn Hội thảo
Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo
Tại Hội thảo, các tác giả đạt giải đã có phần trình bày về ý tưởng của mình với sự tâm huyết, trách nhiệm cao vì cộng đồng, cùng nhiều kiến giải mới và những quan niệm về cuộc sống và sự cống hiến, chia sẻ với cộng đồng. Đồng thời, họ cũng đã nhận được sự góp ý chân thành, thẳng thắn của các chuyên gia để làm sáng rõ hơn những vấn đề mà dự án đã đặt ra để có thể tiếp tục hoàn thiện hơn nữa sáng kiến của mình. Từ những cô giáo vùng cao biên giới, các em học sinh cấp III hay những cán bộ ngân hàng, kiến trúc sư hoặc các nhóm thiện nguyện xã hội đều cho thấy các tác giả của những sáng kiến trong cuộc thi ở mọi lứa tuổi, nhiều hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, nhưng tựu chung ở họ đều tràn đầy niềm đam mê sáng tạo, cống hiến. Cống hiến cho công cuộc kiến thiết nước nhà, cống hiến vì cộng đồng, vì sự phát triển, sự phồn thịnh của quốc gia.
Chia sẻ tại Hội thảo, kiến trúc sư Bùi Thế Long, đại diện nhóm sáng kiến "Mô hình nhà tình thương kinh phí thấp", dự án đoạt giải Nhì của cuộc thi, cho biết, mấu chốt của nhà tình thương là nhằm giải quyết được vấn đề kinh phí, thời gian và phương thức xây dựng nhanh chóng, nhưng vẫn bảo đảm nhu cầu thiết yếu, tạo ra hình thái kiến trúc địa phương. Sáng kiến này sẽ giúp hoàn thành nhà tình thương chỉ với 50 triệu đồng, mang lại nhiều cơ hội được sống trong những ngôi nhà ấm cúng, thân thiện với môi trường cho người nghèo cũng như là giải pháp để các "Mạnh Thường Quân" lựa chọn triển khai các hoạt động an sinh xã hội trong điều kiện kinh phí hạn chế.
Các tác giả đạt giải trình bày về ý tưởng của mình với nhiều kiến giải mới và những quan niệm về cuộc sống và sự cống hiến, chia sẻ với cộng đồng
Tác giả Lê Huy Tích đến từ Hòa Bình đã cùng với chiếc xe lăn và đầu kéo xe lăn do mình sáng chế lên sân khấu để chia sẻ câu chuyện của bản thân. Anh cho biết, năm 29 tuổi anh trở thành người khuyết tật từ sau biến cố do tai nạn giao thông. Xuất phát từ nhu cầu di chuyển, nhu cầu gia tăng sự tiện ích trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của bản thân, anh đã không ngừng nghiên cứu tìm tòi sáng chế để cho ra đời sản phẩm đầu kéo xe lăn dành cho người khuyết tật. Sản phẩm này đã được cộng đồng người khuyết tật đón nhận hào hứng và có những phản hồi rất tích cực bởi độ chính xác, tính ổn định cao. Trong năm 2020, anh đã tiếp tục cho ra đời sản phẩm dịch vụ xe điện 3-4 bánh, vận tải hàng hóa, hành khách và sẽ đưa ra sản phẩm xe điện hỗ trợ người khuyết tật nặng hơn, có hệ thống sàn nâng - hạ.
Bài phát biểu của cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai, Trường Tiểu học Nông nghiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội, tác giả của sáng kiến "Kinh nghiệm dạy trẻ tự kỷ trong môi trường giáo dục hòa nhập" trên nền nhạc êm dịu và minh họa bằng slide ảnh đã tạo nhiều cảm xúc sâu lắng. Cô giáo đã cho thấy tình yêu thương vô điều kiện, sự đồng cảm của một người thày, người mẹ chính là nguồn động lực lớn lao để chị có thể xây dựng hoàn thiện một sáng kiến đầy tính nhân văn cao cả.
Kết luận Hội thảo, TS. Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh về ba từ khóa: "Chia sẻ, kết nối và nhân rộng" và cho rằng, từ Hội thảo này, thông qua những chia sẻ, trao đổi đánh giá trực tiếp giữa các bên đã giúp làm rõ ý tưởng, mong muốn của mỗi tác giả hay tập thể tác giả, đồng thời góp phần gia tăng những hoạt động kết nối với cộng đồng, đặc biệt là qua các kênh truyền thông. Thứ trưởng Phạm Công Tạc bày tỏ tin tưởng rằng, cuộc thi "Sáng kiến vì cộng đồng" qua 3 lần tổ chức đã góp phần tôn vinh truyền thống cần cù, siêng năng, tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo trong lao động, sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đồng bào ta, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sẽ ngày càng có thêm nhiều sáng kiến tiêu biểu được ứng dụng và phát triển trong cộng đồng, vì cộng đồng mà đóng góp, phụng sự./.