Đồng thời, năm 2020 cũng là năm diễn ra nhiều hình thái thời tiết bất thường, Bộ Khoa học và Công nghệ đã kịp thời thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai.
Nâng cao hiệu quả phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhấn mạnh: Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt nhiều đề tài, nhiệm vụ liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý tài nguyên và môi trường; nghiên cứu cơ sở khoa học đối với những vấn đề có tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường; lựa chọn, hỗ trợ chuyển giao các kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu thuộc Chương trình "Khoa học và công nghệ phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2015" nhằm nâng cao hiệu quả phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Tại hội thảo tổng kết Chương trình "Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020" vừa diễn ra cho thấy chương trình đạt được nhiều kết quả tích cực, có khả năng ứng dụng trong nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực biến đổi khí hậu, cũng như quản lý tài nguyên môi trường ở Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu đã tập trung giải quyết được nhiều vấn đề hiện nay như thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng, dự báo khí tượng thủy văn, quản lý tài nguyên nước...
Theo báo cáo, thế giới đang đứng trước tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường xuyên biên giới. Do đó, thế giới cũng như Việt Nam đang đối mặt với thách thức và nhu cầu cần chuyển sang một giai đoạn phát triển mới bền vững hơn, nên cần đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả các công cụ, mô hình tiên tiến trong giám sát biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Việt Nam; đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của triều cường, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại các vùng trọng điểm như: Đồng bằng sông Cửu Long, ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Hồng.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho rằng: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên được Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp thực hiện trong năm 2020 đã đóng góp thiết thực trong việc tăng cường năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo, phòng tránh thiên tai... Năm 2020, đã hoàn thành các công cụ hệ thống nghiệp vụ khí hậu hạn mùa cho Việt Nam bằng mô hình động lực, dự báo mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ hạn từ 1-3 ngày, thiết lập hệ thống đồng hóa số liệu và ứng dụng trong nghiệp vụ với nguồn số liệu sẵn có tại Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, đảm bảo cảnh báo sớm và đủ độ chi tiết đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã nghiên cứu được sự hình thành, phát triển, di chuyển của xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông hạn 3 ngày, đạt được các sản phẩm dự báo thời tiết chi tiết hơn những dự báo hiện có, công nghệ dự báo tiệm cận với các công nghệ tiên tiến trên thế giới; cung cấp các luận cứ khoa học trong việc thực hiện kế hoạch tổng thể về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu như: Nghiên cứu diễn biến nguồn nước, chất lượng nước và đề xuất các giải pháp khai thác thích hợp nhằm hạn chế rủi ro thiên tai tại các vùng nuôi thủy sản, trồng trọt ven biển Đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất xây dựng mô hình sử dụng, khai thác bền vững tài nguyên nước phù hợp cho các đảo Cô Tô, Cát Bà, Lý Sơn, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.
Các nhiệm vụ phòng, chống COVID-19
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ những ngày đầu tiên dịch COVID-19 bùng phát, Bộ Khoa học và Công nghệ đã huy động lực lượng các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực truyền nhiễm, dịch tễ, sinh học phân tử, vắc xin, y học thảm họa... và doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học, chế tạo bộ KIT phát hiện virus SARS-CoV-2, xây dựng phác đồ điều trị, sản xuất kháng thể đơn dòng, robot và máy thở phục vụ tình huống, ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát, sản xuất vắc xin phòng dịch COVID-19. Năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt 10 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đột xuất để nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19; huy động hiệu quả mạng lưới đại diện khoa học và công nghệ tại các nước để kết nối các nhóm nghiên cứu và trao đổi, thử nghiệm các thiết bị, công nghệ sản phẩm phòng, chống dịch; thúc đẩy hợp tác công - tư trong các nhiệm vụ nghiên cứu.
Sau quá trình triển khai, các nhiệm vụ đã đạt được kết quả như: Nghiên cứu, sản xuất thành công bộ KIT phát hiện virus SARS-CoV-2 (do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện), đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng, Vương Quốc Anh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Châu Âu và được bán tự do tại thị trường Châu Âu theo 2020041602179596/1 ngày 20/4/2020. Tổ chức Y tế thế giới đã có thư chấp thuận và đưa vào quy trình đánh giá sử dụng khẩn cấp ngày 24/4/2020. Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chứng minh khả năng nghiên cứu, làm chủ công nghệ chế tạo bộ KIT phát hiện virus SARS-CoV-2 của Việt Nam ngang tầm với các nước trên Thế giới, mở ra cơ hội xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Châu Âu và toàn cầu, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và đất nước.
Đến nay, khoảng 1.000.000 test đã được cung cấp cho các cơ sở xét nghiệm trong cả nước, góp phần đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam cũng như hỗ trợ các nước trong công tác phòng, chống dịch. Sản phẩm vắc xin phòng COVID-19 Nanocovax (do Công ty cổ phần CNSH dược Nanogen nghiên cứu sản xuất, Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 30% kinh phí nghiên cứu) được thử nghiệm lâm sàng trong tháng 12/2020. Điều này thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, sự cố gắng vượt bậc của doanh nghiệp, mang lại nhiều hy vọng cho nhân dân cả nước và quốc tế trong lúc dịch bệnh vẫn đang bùng phát trên thế giới và nguy cơ bùng phát lại ở Việt Nam
Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cũng tổng hợp trên 1.700 các công bố khoa học quốc tế mới nhất về virus SARS-CoV-2 để cung cấp cho các nhóm nghiên cứu tham khảo và hỗ trợ đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu cấp thiết phục vụ phòng, chống dịch; nuôi cấy, phân lập thành công virus SARS-CoV-2 (do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thực hiện), góp phần nghiên cứu sâu hơn về virus, đồng thời cung cấp vật liệu và hỗ trợ tích cực cho nghiên cứu chế tạo bộ KIT, sản xuất kháng thể đơn dòng và vắc xin; nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm thành công sản phẩm robot sử dụng tại các bệnh viện và khu cách ly; chiếu xạ khử khuẩn miễn phí thiết bị, vật phẩm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 với 102.300 khẩu trang nano, 22.525 khẩu trang N95 và 960 bộ quần áo bảo hộ y tế trang bị cho cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai.
Ngoài ra, phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa trong phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty Công nghệ DTT điều phối Hệ tri thức Việt số hóa (iTrithuc) triển khai miễn phí ứng dụng Microsoft Teams-nền tảng hỗ trợ day học trực tuyến và tương tác trực tuyến trong lĩnh vực y tế, giáo dục trên toàn quốc; tập trung ưu tiên phát triển các ứng dụng để hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 như xây dựng bản đồ vùng dịch (sử dụng Vmap), theo dõi (tracking) di chuyển và biến động của khách nước ngoài tại các điểm du lịch, xây dựng phần mềm khai báo y tế... Khoa học và công nghệ góp phần đáp ứng nhanh công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện việc phân tích thông tin dữ liệu lớn kết hợp dịch tễ học và thực tiễn xã hội nhằm phục vụ hiệu quả công tác truy vết, kiểm soát các ca bệnh, khoanh vùng, dự báo dịch tễ, dập dịch...
Đặc biệt, trong lĩnh vực y dược, đã nghiên cứu chế tạo thành công chip vi lỏng phát hiện tế bào ung thư phổi trong 30 phút; kỹ thuật sử dụng laser quang đông trong can thiệp trước sinh (một trong những kỹ thuật can thiệp bào thai hiện đại nhất trong y học bào thai hiện nay) lần đầu tiên được ứng dụng thành công ở Việt Nam, giúp cứu sống được hàng chục trẻ sơ sinh mang dị tật bẩm sinh. Đề tài "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử và kỹ thuật laser quang đông ở thai phụ mắc hội chứng truyền máu song thai và dải xơ buồng ối", mã số KC.10.25/16-20 do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh làm chủ nhiệm và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là cơ quan chủ trì đã thực hiện 60 ca đầu tiên mắc hai hội chứng truyền máu song thai, dải xơ buồng ối được khám, can thiệp, theo dõi miễn phí cho đến khi mẹ tròn con vuông; chinh phục thành công kỹ thuật ghép ruột - một trong những tạng ghép khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng được thực hiện bởi đề tài: "Nghiên cứu triển khai ghép ruột đơn thuần từ người cho sống" do Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quyết Chủ nhiệm và Học Viện Quân y 103 chủ trì thực hiện.
Năm 2020 xảy ra nhiều hiện tượng thiên tai bất thường với các hình thái thời tiết cực đoan, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khó lường trên thế giới cũng như tại Việt Nam, nhưng Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ được giao trong các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị về xây dựng kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, về phòng, chống dịch COVID-19, các biện pháp, kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch. Bộ Khoa học - Công nghệ đã chủ động tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xây dựng nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ hống Đổi mới sáng tạo quốc gia; đưa kết quả nghiên cứu đến gần với thị trường, tạo ra sản phẩm, dịch vụ theo chuỗi giá trị, phục vụ trực tiếp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.